1/ Hà Nội có 595 chợ; trong đó, có 24 chợ hạng 1 (bao gồm 5 chợ đầu mối), 79 chợ hạng 2, 478 chợ hạng 3. Hiện chợ truyền thống đảm nhận khoảng 40% nhu cầu mua sắm của người dân các quận nội thành; ở khu vực ngoại thành là khoảng 70%.
Theo Kế hoạch số 228/KH-UBND ngày 12/10/2021 do UBND thành phố Hà Nội ban hành về phát triển và quản lý chợ trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, thành phố sẽ tiến hành xây mới, xây dựng lại 141 chợ và nâng cấp, cải tạo 168 chợ. Riêng năm 2023, thành phố đã ban hành kế hoạch dự kiến xây mới 48 dự án chợ, cải tạo sửa chữa 57 chợ. Việc cải tạo, xây dựng mới các chợ truyền thống đã xuống cấp là cấp thiết, tuy nhiên, cần đúng với công năng của chợ và thị hiếu tiêu dùng của người dân, tránh đi vào những vết xe đổ trước đây.
Sai lầm chuyển đổi thiếu hợp lý có thể thấy ngay khi các khu chợ nổi tiếng và sầm uất của Hà Nội một thời như chợ Hàng Da, chợ Mơ, hay chợ 19/12 được đặt vào mô hình TTTM đã khiến những nơi này trở nên ế khách. Từ năm 2003 đến nay, đã có bảy công trình chợ-TTTM được đưa vào hoạt động tại Hà Nội nhưng đáng thất vọng khi nhìn vào hiệu quả bởi mô hình này không đáp ứng được như kỳ vọng ban đầu.
Bà Đỗ Thị Hương (một tiểu thương tại chợ Hàng Da) cho biết, trước đây, một ngày có thể bán vài tạ thịt, nhưng hiện tại con số này chỉ bằng 1/10 do số lượng khách đến mua hàng đã giảm đáng kể. Nguyên nhân chính là do chợ nằm dưới hầm, khách hàng phải gửi xe và leo thang bộ để tìm gian hàng, làm cho việc mua sắm trở nên không thuận lợi và tốn nhiều thời gian. “Các khu bán thực phẩm tươi sống vốn là nơi phải thu hút đông đảo khách hàng, nhưng thực tế, nhiều quầy hàng đã phải đóng cửa hoặc phủ bạt do không có khách đến mua”, bà Hương phản ánh.
Chị Kim Quy, một tiểu thương buôn bán ngành hàng đồ uống nói thêm: “Dưới hầm bất tiện không nói rồi nhưng phía trên này cũng không khá hơn, mọi người chuyển đi hết chỉ còn một vài hộ thôi, người ta đi chợ ào ào rồi về, ai vào đây lâu làm gì đâu, gửi xe mất thời gian. Tôi bán buôn cho khách quen là chủ yếu, người ta cần thì tới lấy hoặc gọi người chuyển hàng đi”.
Trái ngược hoàn toàn với vẻ đìu hiu của khu TTTM, ngay đối diện chợ Hàng Da, một chợ nhỏ trên con ngõ Yên Thái lại tấp nập người ra vào mua hàng. Theo quan sát, trên con phố nhỏ bày bán đầy đủ rau, thịt, cá, hoa quả… và chưa đầy 15 phút, người đi chợ đã có thể mua đủ những thứ mình cần. “Hiếm lắm chị mới xuống đó (TTTM) mua, trừ khi hôm nào không vội, chứ sáng ra mình còn cho con đi học rồi về chuẩn bị đi làm, tạt qua đây ào cái là xong”, chị Nguyễn Thanh Bình (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ về thói quen đi chợ của mình.
2/Theo các chuyên gia đô thị, việc cải tạo chợ truyền thống là cấp thiết, đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô và đời sống của người dân, nhưng để đạt hiệu quả, cần phải thực hiện một cách bài bản và phù hợp. Theo đó, chợ cần được thiết kế hiện đại, nhưng vẫn gần gũi với người dân và thuận tiện trong việc mua sắm.
Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, các dự án chợ-TTTM cần tập trung vào lợi ích của người dân và tiểu thương nhiều hơn là lợi ích của chủ doanh nghiệp. Khi triển khai xây dựng, các dự án chợ-TTTM được kỳ vọng sẽ đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của đại đa số người dân, nhưng thực tế lại không đáp ứng được nhu cầu của một chợ dân sinh, cũng không đáp ứng vai trò là TTTM-nơi dành cho các mặt hàng xa xỉ, cao cấp. “Chợ truyền thống sau khi cải tạo thì không còn là chợ nữa mà trở thành những siêu thị hay chung cư cao tầng như chợ Mơ, chợ Hàng Da, người dân muốn đi chợ thì xuống tầng hầm vậy là chỉ phục vụ lợi ích cho chủ thầu”, ông Tùng nói.
Kiến trúc sư Trần Huy Ánh kiến nghị, muốn đạt hiệu quả phải trả lại đúng chức năng của chợ nhưng văn minh, sạch sẽ, tiện nghi, an toàn hơn. Những ngôi chợ như thế sẽ tạo nên điểm nhấn cho kiến trúc, là nơi hoạt động của cộng đồng dân cư đô thị. Bên cạnh đó, phải thực hiện khảo sát kỹ lưỡng và lắng nghe ý kiến từ cộng đồng để bảo đảm tính hài lòng của mọi người đối với chợ mới.