Cần chất xúc tác mới

Giới chuyên gia thế giới nhận định rằng, triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm 2023 khá ảm đạm do tác động của nhiều yếu tố như dịch bệnh, xung đột vũ trang… Tuy nhiên, mức độ phục hồi của kinh tế thế giới có thể được điều chỉnh với những chất xúc tác mới.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: RAHMA CARTOONS
Biếm họa: RAHMA CARTOONS

AP ngày 10/1 dẫn dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) về tăng trưởng kinh tế toàn cầu cho hay, GDP thế giới năm 2023 sẽ tăng trưởng 1,7%, thấp hơn nhiều so mức dự báo 3% mà WB công bố hồi tháng 6/2022. WB nhận định năm 2023, nhiều nền kinh tế sẽ có mức tăng trưởng gần bờ vực suy thoái do ảnh hưởng của tình trạng tăng lãi suất - giải pháp mà nhiều nước thực hiện để kiềm chế lạm phát, xung đột giữa Nga và Ukraine tiếp diễn, trong khi các nền kinh tế lớn của thế giới gặp nhiều khó khăn.

WB cũng cho rằng, tốc độ tăng trưởng chậm lại hầu hết đều xảy ra ở những nền kinh tế tiên tiến, thí dụ như kinh tế Mỹ có thể chỉ tăng trưởng 0,5% trong năm 2023. Các quốc gia thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể đối mặt suy thoái kinh tế toàn cầu mới trong chưa đầy ba năm sau đợt suy thoái gần đây nhất. Với điều kiện kinh tế mong manh hiện nay, WB cho rằng bất kỳ tác động tiêu cực mới nào gia tăng như lạm phát cao hơn cùng chính sách tăng lãi suất đột ngột để ngăn chặn lạm phát, hay sự lây lan trở lại của dịch Covid-19, đều có thể đẩy kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái.

Về các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, WB cho rằng, năm 2023 sẽ càng thêm khó khăn khi những nước này phải chật vật đối phó gánh nặng nợ công, đồng nội tệ suy yếu, đầu tư doanh nghiệp giảm... Báo cáo của WB dự báo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc sẽ phục hồi và tăng trưởng 4,3% trong năm 2023. Tuy nhiên, con số dự báo này vẫn thấp hơn 0,9% so dự báo hồi tháng 6/2022 do mức độ nghiêm trọng của tình trạng gián đoạn do dịch Covid-19 và nhu cầu ngoài nước suy yếu.

WB lưu ý rằng, một số áp lực lạm phát bắt đầu giảm dần vào đầu năm 2023, với giá năng lượng và giá cả hàng hóa thấp hơn, song thể chế tài chính này vẫn cảnh báo rủi ro gián đoạn nguồn cung mới vẫn ở mức cao và lạm phát kéo dài. Theo WB, điều này có thể khiến các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất cao hơn mức hiện nay, làm trầm trọng thêm tình trạng tăng trưởng chậm của kinh tế thế giới.

Trong khi đó, theo phân tích của hãng tin tài chính Bloomberg, nền kinh tế thế giới đang chuyển sang kỷ nguyên khó khăn hơn do lãi suất cao hơn, căng thẳng địa-chính trị lớn hơn và những bất ổn rõ ràng hơn. Các chuyên gia kinh tế, trong đó có cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers, cựu chuyên gia kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Keneth Rogoff và chuyên gia Kristin Forbes - từng là nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng trung ương Anh (BoE), đã đưa ra cảnh báo về những rủi ro dài hạn khi các nhà đầu tư ngày càng hy vọng vào khả năng của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) kìm chế lạm phát đang ở mức cao mà không gây ra suy thoái kinh tế.

GS Rogoff thuộc Đại học Harvard cho rằng: “Chúng ta có thể đang ở bước ngoặt của nền kinh tế toàn cầu”. Theo ông, sự thay đổi lớn hiện nay có thể là hậu quả của sự suy giảm mạnh trong tăng trưởng dài hạn của Trung Quốc vốn đã giúp thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu trong những thập kỷ gần đây. Còn theo đánh giá của chuyên gia Kristin Forbes, GS thuộc Viện Công nghệ Massachusetts, các chính sách ngăn chặn đại dịch Covid-19 đã làm lộ ra “các điểm yếu và rủi ro mới”. Theo bà, nợ chính phủ tăng mạnh đã làm tăng nguy cơ khủng hoảng tài chính trong khi lãi suất chạm đáy trong bối cảnh dịch bệnh đã tạo ra khả năng làm vỡ tung bong bóng tài sản.

Dù vậy, kinh tế toàn cầu vẫn có thể thoát khỏi nguy cơ suy thoái nếu các nước điều chỉnh linh hoạt chính sách nhằm tạo ra những chất xúc tác mới. Học giả đoạt giải Nobel kinh tế 2001, ông Joseph Stiglitz cho rằng, việc thắt chặt tín dụng cần áp dụng sao cho không gây tổn hại cho nền kinh tế và có tác dụng trong việc giảm lạm phát sau những cú sốc nguồn cung bắt nguồn từ đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột ở Ukraine. Trong khi đó, nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre - Olivier Gourinchas nhấn mạnh tầm quan trọng của việc FED và các ngân hàng trung ương khác duy trì quyết tâm kiềm chế lạm phát ngay cả khi tỷ lệ thất nghiệp gia tăng…