Bệnh nhân không biết mình bị ngộ độc
Gần đây, ngày nào nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội cũng tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc do sử dụng nhiều bóng cười. Đáng lo ngại, đây đều là người trẻ, có trường hợp mới 16 tuổi. Đơn cử, bệnh nhân X. làm việc tại một quá bar có bán bóng cười, nên thường xuyên được khách mời cùng hít bóng. Hôm đông khách thì hít nhiều, ít khách thì hít ít hơn. Nhưng trung bình, một ngày, X. hít từ 5-10 quả. Gần đây X. không thể đi lại được và phải cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Saint Paul. “So những người em biết thì em sử dụng vẫn ít. Có người hít rất nhiều, ngày gần 100 quả”, bệnh nhân chia sẻ. Bác sĩ Lương Văn Chương, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Saint Paul cho biết: “Khí N20 sẽ tác động tranh chấp ô-xy và gây tổn thương não. Với những bệnh nhân nhập viện, rất khó khai thác để phát hiện ra nguyên nhân, bởi họ nghĩ mình không bị ngộ độc nên rất nguy hiểm”.
Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai vừa điều trị cho bốn bệnh nhân ngộ độc khí N20 do hít bóng cười. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tê bì chân tay, rối loạn cảm giác, tổn thương tủy sống. “Gần đây, em thấy căng hai bắp chân, em tưởng do mình đi lại nhiều. Nhưng sau đó tê chân, tê tay, cơ thể yếu dần thì em mới đi khám”. TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Chụp cộng hưởng từ sọ não các bệnh nhân ngộ độc khí N20 thường cho thấy, có tổn thương não và cột sống cổ rất nhiều. Ở một số bệnh nhân khi quan sát cắt ngang tủy sống cổ thì thấy tổn thương chiếm đến 2/3, thậm chí một nửa tiết diện”.
Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cũng thường xuyên tiếp nhận những bệnh nhân ngộ độc do dùng chất kích thần. Thời gian gần đây, bệnh nhân sử dụng khí N20 ngày càng nhiều. Chất này làm tăng hoạt động kích thích vùng ngoại cảm ở cơ thể con người. Lượng sử dụng N20 gia tăng đáng kể vào các thời điểm như nghỉ hè, nghỉ lễ, thời gian ôn thi, các giải thi đấu bóng đá…
Lợi nhuận cao nên liều lĩnh kinh doanh
TS, Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Dũng, Viện Sức khỏe tâm thần cho biết, nếu sử dụng bất cứ chất gì trong một thời gian dài thì cơ thể con người đều bị lệ thuộc vào chất đó. Với các chất gây nghiện như N20, sẽ gây suy mòn cảm xúc, đặc biệt làm rối loạn, tổn thương tư duy, hành vi của con người khi sử dụng N20 quá nhiều. Đặc biệt, theo Viện Sức khỏe tâm thần và các bác sĩ chuyên ngành về tâm thần, tư duy của người sử dụng chất này có những con số đáng báo động, phải theo dõi và điều trị lâu dài mới phục hồi chức năng được.
Một số chuyên gia y tế đã kiến nghị, cấm sử dụng bóng cười, cấm sử dụng khí N20 trong giải trí. Theo bác sĩ Dũng, tại Nghị định 57 do Chính phủ ban hành ngày 25/8/2022 về việc Quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất, đã đưa ra khuyến cáo về việc sử dụng khí N20, cho rằng các chất này gây tổn hại tới sức khỏe, cần hạn chế sử dụng và lưu hành. Tuy nhiên, N20 vẫn là một hàng hóa, được xếp vào loại hóa chất bị hạn chế sử dụng.
Thực tế, việc kinh doanh, cung cấp bóng cười đã bị các cơ quan chức năng ngăn chặn và xử phạt. Tuy nhiên, vì lợi nhuận khủng nên không ít cơ sở vẫn kinh doanh bóng cười. Được biết, một quả bóng cười tại các quán bar được bán cho khách có giá khoảng 300 nghìn đồng. Theo thống kê của Công an quận Hoàn Kiếm, cả năm 2022, đơn vị này đã phát hiện 44 vụ kinh doanh bóng cười trên địa bàn, xử phạt hơn 1,4 tỷ đồng.
Theo bác sĩ Dũng, cần có lộ trình, luật pháp điều chỉnh để hạn chế sử dụng chất này trong xã hội. Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cần có truyền thông, khuyến cáo từ trong nhà trường, gia đình về sử dụng các chất này còn các nhà kinh doanh cần có sự cam kết rõ rệt, không sử dụng chất này cho người vị thành niên.
Người sử dụng bóng cười có cai nghiện được không? Khi bệnh nhân lệ thuộc vào chất N20 và có các triệu chứng rối loạn chất đó thì cần phải cai nghiện. Cần có lộ trình và thời gian điều trị, không chỉ riêng về thuốc mà còn phụ thuộc vào sự tác động của cộng đồng và thay đổi hành vi của người sử dụng chất này. Giai đoạn đầu điều trị rối loạn về giấc ngủ, cảm xúc nhưng để trở về trạng thái bình thường thì cần thời gian tương đối là dài, từ 3 đến 6 tháng mới có khả năng phục hồi. (TS, bác sĩ Nguyễn Văn Dũng).