Cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu

Ngay từ đầu năm 2023, khối doanh nghiệp của TP Hồ Chí Minh đã khẩn trương đẩy mạnh nhịp độ sản xuất, xuất khẩu, tạo đà cho các quý tiếp theo và của cả năm. Với những giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của chính quyền thành phố, các doanh nghiệp kỳ vọng giá trị sản xuất và xuất khẩu sẽ tăng trưởng đạt mục tiêu đề ra của năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh tập trung đẩy mạnh sản xuất.
Doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh tập trung đẩy mạnh sản xuất.

Tăng tốc ngay từ đầu năm

Theo số liệu của Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn thành phố tăng 13,9% so cùng kỳ, trong đó bốn nhóm ngành công nghiệp trọng điểm ước tăng 20,4% so cùng kỳ, cao hơn 6,5% so với mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trở lại cho thấy xu hướng phục hồi ngày trở nên rõ nét hơn của nền kinh tế. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước năm 2022 ước đạt 115,7 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2021. Năm 2022, cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp đã chuyển biến tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giảm dần tỷ trọng các ngành công nghệ thấp, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghệ trung bình và công nghệ cao.

TP Hồ Chí Minh cũng tiếp tục duy trì chương trình bình ổn thị trường với những mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu; một số hàng hóa có lượng hàng chiếm tới 30-50% thị phần; cung ứng hàng hóa cho người dân luôn được bảo đảm thực hiện thường xuyên. Bước sang năm 2023, ngành công thương TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu tiếp tục nỗ lực phấn đấu thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp - thương mại, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu tạo đà cho các năm tiếp theo. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,5% so với năm 2022; tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 12% so với dự ước năm 2022; kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu; thành phố (trừ dầu thô) tăng 10% so với dự ước năm 2022.

Với mục tiêu rõ ràng trên, ngay từ những ngày đầu năm mới, các doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh đã vào guồng máy sản xuất, tạo niềm tin và động lực mới cho tăng trưởng. Tại Công ty TNHH Một thành viên sản xuất và in nhãn Cao Phát Đạt (Khu công nghệ cao, TP Thủ Đức) đặt mục tiêu sản xuất tăng trưởng 20%, phát triển thêm 30% khách hàng mới trong năm 2023. Đại diện doanh nghiệp này bày tỏ tin tưởng công ty sẽ đạt mục tiêu đề ra vì sản phẩm của đơn vị đã tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong khi đó, ngành mỹ nghệ và chế biến gỗ cũng đang có cơ hội phục hồi khi thị trường xuất khẩu chủ lực là Mỹ (chiếm tới 60% giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam) dần đi vào ổn định. Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh Nguyễn Chánh Phương cho biết, quý I/2023 là thời điểm các doanh nghiệp trong ngành tập trung phát triển mẫu để sẵn sàng đón nhận đơn hàng mới ngay từ đầu quý II.

Bên cạnh đó, năm 2023 cũng được dự báo có không ít khó khăn và thách thức cho doanh nghiệp. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, chi phí sản xuất còn cao, sức ép cạnh tranh lớn, tiêu dùng đang trong giai đoạn hạ nhiệt là những thách thức mà doanh nghiệp đang đối mặt. Không dừng lại ở đó, theo Tổng Giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn (TP Thủ Đức) Trần Việt Anh, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang thiếu đơn hàng, phải “liệu cơm gắp mắm”. Do vậy, mong muốn được giảm lãi suất các khoản vay hiện tại để giảm áp lực tài chính. Bên cạnh đó, tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế GTGT về 8% như năm 2022 và giãn thuế GTGT trong sáu tháng. “Các doanh nghiệp đang có nguồn hàng và có đầu ra tốt rất cần nguồn vốn từ việc chậm nộp thuế GTGT để quay vòng”, ông Trần Việt Anh nêu.

Theo các chuyên gia, yêu cầu đặt ra hiện nay là các doanh nghiệp phải gia tăng tính cạnh tranh, đồng thời, kéo giảm chi phí sản xuất để làm bước đệm vững chắc khi thị trường tăng nhiệt trở lại từ quý II/2023. Để làm được điều này, các doanh nghiệp sản xuất phải tăng tỷ lệ tự động hóa và tái cơ cấu sản phẩm, tiến đến sản xuất sản phẩm xanh, đạt các tiêu chuẩn để xâm nhập vào những thị trường khó tính. “Các doanh nghiệp xuất khẩu không thể bỏ trứng vào một giỏ như trước đây mà cần phải đa dạng hóa thị trường, không bỏ qua các thị trường ngách”, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Hòa nhận định.

Cần khơi thông tín dụng

Để hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, TP Hồ Chí Minh sẽ thực hiện những giải pháp đột phá hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cao nhất cho doanh nghiệp. Các cơ quan, ban, ngành chủ động, sáng tạo trong điều hành, thúc đẩy phát triển kinh tế, thích ứng linh hoạt với tình hình trong nước và quốc tế. “Quan trọng hàng đầu lúc này phải là giải quyết vướng mắc về thủ tục hành chính và cải cách thể chế. Cụ thể, phải rà soát, hệ thống lại các chính sách nhằm tái cấu trúc thị trường vốn. Đồng thời, đa dạng hóa các nguồn vốn của hệ thống ngân hàng thương mại gồm trái phiếu, cổ phiếu, quỹ đầu tư...”, TS Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ.

Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, đối với doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, thành phố hỗ trợ ổn định nguồn cung vốn như phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các quận, huyện triển khai chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp trong quý I/2023; ban hành nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ lãi suất vay đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ giai đoạn năm 2023-2027. Thành phố cũng hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics, thương mại điện tử, điều hành hệ thống phân phối, sản xuất và tiêu dùng. Mặt khác, Sở Công thương thành phố sẽ tổ chức các chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm ba ngành chủ lực (cơ khí - tự động hóa, chế biến lương thực - thực phẩm, cao su - nhựa); tổ chức các chương trình định hướng phát triển công nghiệp…

Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ cho hay, năm 2023, lĩnh vực xuất khẩu của thành phố phấn đấu tăng trưởng 6%. Thông thường, bắt đầu từ quý II của năm là cao điểm nhận đơn hàng mới. Cùng với sự phục hồi của thị trường thế giới, các ưu đãi thuế quan từ 15 hiệp định thương mại hiện hữu là điều kiện thuận lợi để ngành xuất khẩu thành phố tăng trưởng. Sở Công thương thành phố cũng đang đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại đa kênh, kết nối giao thương đa hình thức, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả thị trường xuất khẩu. Những hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối cung - cầu không chỉ dừng lại ở thực địa mà còn khai thác tối đa trên các nền tảng trực tuyến.

Về giải pháp tiếp cận nguồn vốn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Hòa đề xuất, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng cần có giải pháp rõ ràng hơn nữa. Nếu lãi suất dài hạn hơn 10% thì doanh nghiệp “không có cửa” để đầu tư nên cần làm sao kéo lãi suất dài hạn xuống, nên vạch lộ trình cụ thể từ đây đến sáu tháng đưa lãi suất dài hạn xuống để kích thích đầu tư. Vì vậy, kiến nghị Nhà nước có những chính sách thúc đẩy cơ chế ưu đãi và đẩy dòng vốn vào các lĩnh vực phát triển bền vững.

Ở góc nhìn khác, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP Hồ Chí Minh Lý Kim Chi đề xuất năm 2023, chính quyền, cấp ngành thành phố cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ riêng gắn với sự phối hợp, tham mưu của Sở Công thương để thực hiện hai đề án. Thứ nhất là phát triển kho lạnh, kho dự trữ bảo quản và xây dựng vùng nguyên liệu, đây được xem là những đề án quan trọng trong chương trình phát triển ngành chế biến thực phẩm thành phố giai đoạn năm 2021-2030 và là “cú huých” không chỉ cho sự phát triển của ngành lương thực, thực phẩm mà cả ngành thủy sản trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, đề xuất thành phố tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, liên kết để phát huy sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp thành phố, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thông qua tổ chức nhiều chương trình đưa hàng hóa đến các tỉnh, thành phố và ở chiều ngược lại tổ chức liên kết vùng với các địa phương có vùng nguyên liệu sản xuất lớn; khởi động và tổ chức lại các chương trình xúc tiến thương mại kết nối trực tiếp cho doanh nghiệp sang các thị trường trọng điểm xuất khẩu hoặc đang có lợi thế xuất khẩu như Ấn Độ, EU..., giúp doanh nghiệp mở rộng cơ hội hợp tác kinh doanh.

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đang theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường trong và ngoài nước, nâng cao năng lực dự báo, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất, xuất khẩu để có những định hướng, giải pháp phù hợp. Trước mắt, thành phố đề nghị ngành ngân hàng khơi thông tín dụng, đưa dòng vốn chảy vào sản xuất, kinh doanh hiệu quả thời gian tới.