Bứt phá xuất khẩu nông sản

Năm 2022, ngành nông nghiệp vẫn thể hiện vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế, ghi dấu những bứt phá về xuất khẩu nông sản, với kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản năm 2022 đạt 53,2 tỷ USD, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao (51 tỷ USD). Song, trước áp lực lạm phát và chi phí sản xuất tăng mạnh, ngành chỉ đặt mục tiêu dè dặt, với mức tăng trưởng 3% cho năm 2023…
0:00 / 0:00
0:00
Chế biến thủy sản xuất khẩu. Ảnh: NAM ANH
Chế biến thủy sản xuất khẩu. Ảnh: NAM ANH

8 nhóm nông sản xuất khẩu hơn 2 tỷ USD

Báo cáo kết quả một năm ngành nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2022, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 3,33% (trồng trọt 2,88%; chăn nuôi 5,93%, thủy sản 4,43%, lâm nghiệp 6,13%); giá trị gia tăng toàn ngành năm 2022 ước tăng hơn 3%; tỷ lệ che phủ rừng 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới hơn 73%; kim ngạch xuất khẩu toàn ngành hơn 53,22 tỷ USD.

Có 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, trong đó có tám sản phẩm/nhóm sản phẩm kim ngạch hơn 2 tỷ USD (cà-phê, cao-su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ), bao gồm bảy mặt hàng có kim ngạch hơn 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,92 tỷ USD; tôm 4,33 tỷ USD; cà-phê 3,94 tỷ USD; gạo 3,49 tỷ USD; cao-su 3,31 tỷ USD; rau quả 3,34 tỷ USD; hạt điều 3,07 tỷ USD). Thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt

8,5 tỷ USD, tăng 30% so năm 2021.

Theo Thứ trưởng, năm 2022, thị trường tiêu thụ sản phẩm tiếp tục được mở rộng cả về ngành hàng và sản phẩm. Bộ NN&PTNT tiếp tục chú trọng thị trường trong nước; tháo gỡ nhiều rào cản thương mại, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt kỷ lục mới. Cụ thể, với thị trường trong nước, Bộ đã bảo đảm nguồn cung nông sản thiết yếu đáp ứng nhu cầu thị trường. Theo dõi sát sao diễn biến giá cả và cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu trong nước. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lưu thông, phân phối, tiêu thụ nông sản.

Năm 2022, ngành nông nghiệp đã có nhiều chuyển biến bước đầu hết sức quan trọng từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp toàn ngành, nâng cao chất lượng tăng trưởng, nổi bật như nhiều diện tích lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang cây trồng khác, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả hơn; áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, giảm thâm dụng tài nguyên và vật tư đầu vào; sử dụng giống lúa thơm, chất lượng cao và chủ lực xuất khẩu; tỷ lệ diện tích rừng trồng được kiểm soát chất lượng giống đạt 85%...

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, trên cơ sở thành công của năm 2022, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phát huy lợi thế về nông sản và mở cửa thêm các thị trường trong năm 2023. Toàn ngành nông nghiệp, nông thôn tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn...

Áp lực lạm phát và chi phí sản xuất tăng mạnh

Mặc dù vậy, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn vẫn chỉ đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành năm 2023 đạt 3%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản là 54 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 78%; ít nhất 270 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Giải thích điều này, ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) phân tích, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đang có xu hướng giảm mạnh, nhất là những tháng cuối năm 2022. Thí dụ tháng 10, chỉ tăng trưởng 13% trong khi đó các năm trước tăng trưởng khoảng 30%. Nhưng sang tháng 11, xuất khẩu giảm 14% và sang tháng 12 giảm 15%.

“Khi làm kế hoạch cho năm 2023, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thống kê và xem xét trên nhiều khía cạnh. Tại sao chúng tôi chỉ đặt tăng trưởng 3%? Ngành nông nghiệp khác với công nghiệp và dịch vụ. Các ngành khác có thể tăng rất nhanh nhưng ngành nông nghiệp rất chậm và cần thời gian. Bên cạnh đó, năm 2023 còn nhiều yếu tố khó khăn và chúng tôi cho rằng mục tiêu 3% không phải là dễ đạt được”, ông Việt nói.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến lưu ý, năm 2023, nền kinh tế nói chung và thủy sản nói riêng đã xuất hiện những khó khăn, thách thức từ tháng 8/2022. Do vậy, năm 2023, Bộ NN&PTNT sẽ phải tận dụng các FTA, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực. Thúc đẩy quan hệ đa phương, song phương thông qua các diễn đàn lớn của Liên hợp quốc, WTO, APEC, ASEAN...., qua đó tận dụng cơ hội nâng cao hình ảnh nông, lâm, thủy sản Việt Nam. Đồng thời, phối hợp với Bộ Công thương thực hiện Đề án tăng cường xuất khẩu hàng hóa chính ngạch; tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường chính ngạch cho các sản phẩm hoa quả tươi, rau, thủy sản sang các thị trường có yêu cầu chất lượng cao; duy trì và phát triển thị trường Trung Quốc, Mỹ, EC; chú ý thị trường Nga; mở rộng thị trường nông sản sang những nền kinh tế có cơ cấu bổ sung với Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, EU, Trung Đông, Argentina.

Ngoài ra, cũng cần lựa chọn đưa các sản phẩm phù hợp vào các thị trường tiềm năng như: Nga, Trung Đông, châu Phi, ASEAN... Kịp thời giải quyết khó khăn về kỹ thuật, thuận lợi hóa thông quan, hạ tầng logistic, không để ứ đọng hàng hóa tại cửa khẩu. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại quốc tế, tăng cường quảng bá sản phẩm xuất khẩu, thúc đẩy xuất khẩu, mở cửa thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin chính sách thị trường xuất khẩu; phối hợp với Tham tán thương mại, Tham tán nông nghiệp tại nước ngoài hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường trọng điểm Mỹ, EU, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản…