Dễ dàng nhận thấy chất sống ngồn ngộn trong từng hình ảnh, chi tiết. Những vấn đề nóng bỏng nhất đang diễn ra trong xã hội đương thời được cài cắm trong từng chương của tác phẩm: Nạn chạy chức chạy quyền, sự đấu đá, kèn cựa, thói hợm hĩnh, háo danh, sự chênh lệch giàu nghèo, vấn đề bạo lực xã hội, sự xảo trá, bất lương... Từ làng giải trí, lĩnh vực báo chí truyền thông, đời sống nghệ thuật, đến môi trường giáo dục, cơ quan nhà nước, không gian gia đình; từ những người bình thường đến những tầng lớp trí thức, nghệ sĩ, quan chức. Đâu đâu người ta cũng nhận thấy những “căn bệnh” được khởi nguyên từ mặt trái của lối sống thực dụng. Thế giới nhân vật được tác giả miêu tả khá chân thực và sắc nét. Có nhân vật có tên, có cả những nhân vật không tên, nhưng ai cũng có diện mạo riêng về ngoại hình, tính cách, đời sống. Họ hiện diện với đủ tư cách, địa vị, giới tính, tuổi tác, song tất cả đều gặp gỡ ở thói háo danh, hợm hĩnh. Họ tự tạo cho mình một vỏ bọc lòe loẹt, lấy vẻ đẹp hoa mỹ bên ngoài để lấp liếm, biện minh cho sự xấu xa bên trong.
Qua các nhân vật chính như Hoàng Bá Mẫn, Huỳnh Bạch, mức độ phô trương, tự huyễn hoặc càng tăng lên bởi ngoài sự dư dả về tiền của, còn là quyền lực của địa vị. Họ ngộ nhận về những hành vi được coi là sáng tạo, sinh ra những sản phẩm không mang sứ mệnh làm đẹp cho đời, bồi dưỡng tâm hồn con người, mà chỉ nhằm thỏa mãn thói háo hanh, hợm hĩnh. Cùng với sự phô trương của những con người như thế là các vấn nạn đạo tranh, chép tranh, ăn cắp thơ, ăn cắp ý tưởng xuất hiện công khai, phổ biến trong xã hội, thậm chí là cả cách dùng tiền để mua chất xám, tài năng của người khác.
Nhà văn trong tác phẩm của mình không những nhận diện một phần thực trạng đời sống nghệ thuật, soi rọi nhân cách cá nhân khi sáng tạo và thụ hưởng nghệ thuật, mà còn xác lập những giá trị chính danh bên trong sự hỗn danh. Câu chuyện của mỗi cá nhân trở thành bi kịch nhân sinh rộng lớn. Nhà văn đã tạo dựng tính phổ quát cho các vấn đề tưởng chừng như rời rạc, tản mạn. Cũng từ đây, “Hỗn danh” mở ra một vấn đề quan trọng khác đó là số phận người nghệ sĩ và sinh mệnh tác phẩm nghệ thuật.
(Tiểu thuyết “Hỗn danh”, Nguyễn Văn Học, NXB Hội Nhà văn 2017).