Bốn tháng, khu vực FDI xuất siêu 14,8 tỷ USD

Các doanh nghiệp Việt Nam có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) xuất siêu 14,8 tỷ USD trong bốn tháng đầu năm nay, mặc dù xuất khẩu nhìn chung sụt giảm do thiếu đơn hàng. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng nhập siêu nghiêm trọng với các doanh nghiệp trong nước, tập trung vào số lượng thay vì chất lượng.
Sản xuất tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh: NAM ANH
Sản xuất tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh: NAM ANH

Việt Nam ghi nhận thặng dư thương mại 1,5 tỷ USD trong tháng 4/2023 và 6,3 tỷ USD trong bốn tháng đầu năm 2023, mặc dù xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm lần lượt là 11,8% và 15,4% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu giảm chủ yếu ở các mặt hàng thủy sản, hàng may mặc, giày dép và sản phẩm gỗ. Về nhập khẩu, máy tính điện tử và thiết bị máy móc chiếm 37% tổng giá trị nhập khẩu, giảm lần lượt 19,6% và 15,3% so với cùng kỳ, do các nhà sản xuất Việt Nam chưa kỳ vọng nhu cầu toàn cầu sẽ phục hồi trở lại.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, từ tháng 1 đến tháng 4/2023, tổng kim ngạch thương mại đạt 206,76 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch của doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước lần lượt là 144,02 tỷ USD và 62,74 tỷ USD, giảm 15,1% và 15,8%. Xuất khẩu đạt 79,1 tỷ USD trong giai đoạn này, giảm 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu trị giá 64,92 tỷ USD, giảm 18,3%. Việc xuất siêu liên tục tăng trong gần 10 năm qua một phần nhờ vai trò đáng kể của khối doanh nghiệp FDI. Tổng kim ngạch ngoại thương trong nước đạt 730 tỷ USD vào cuối năm ngoái.

Tuy nhiên, việc phụ thuộc quá nhiều vào khu vực FDI để xuất khẩu cũng có những vấn đề riêng, trong đó có tình trạng nhập siêu nghiêm trọng đối với các doanh nghiệp trong nước, tập trung vào số lượng thay vì chất lượng. Giá trị gia tăng trong xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực. Đặc biệt, xuất khẩu sụt giảm nghiêm trọng trong lĩnh vực dệt may. Trong bốn tháng đầu năm, xuất khẩu hàng dệt may đã giảm 18,1%, đạt 9,720 tỷ USD. Vào tháng 4/2023, xuất khẩu giảm 3,3% xuống còn 2,540 tỷ USD so với tháng trước.

Từ tháng 1 đến tháng 4/2023, xuất khẩu sợi của Việt Nam giảm 32,9% xuống còn 1.297,751 triệu USD so với cùng kỳ năm trước. Về khối lượng, Việt Nam xuất khẩu được 518.035 tấn sợi, giảm 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Vào tháng 4/2023, xuất khẩu sợi đã giảm 5,2% xuống còn 356,713 triệu USD và số lượng sợi xuất khẩu giảm 4,7% xuống còn 144.166 tấn. Thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng đáng kể (42,89%) trong xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam, trị giá 4,159 tỷ USD trong bốn tháng đầu năm. Hai thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc cũng là những điểm đến chính, với kim ngạch xuất khẩu lần lượt là 1.129,441 triệu USD và 990,407 triệu USD.

Về xuất khẩu sợi, riêng Trung Quốc đã chiếm 47,03% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, với tổng trị giá 610,604 triệu USD. Ấn Độ cũng là một thị trường lớn cho xuất khẩu sợi của Việt Nam, với trị giá xuất khẩu lên tới 12,4 tỷ USD trong bốn tháng đầu năm 2023. Năm 2022, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam tăng trưởng 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 37,5 tỷ USD, thấp hơn mục tiêu 43 tỷ USD. Năm 2021, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đạt 32,750 tỷ USD, tăng trưởng 9,9% so với mức xuất khẩu 29,809 tỷ USD của năm trước. Xuất khẩu sợi năm 2022 tăng 50,1%, lên 5,609 tỷ USD từ 3,736 tỷ USD năm 2020. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), trong trường hợp thị trường tích cực, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 48 tỷ USD cho hàng dệt may và sợi vào năm 2023.

Hiện tại, chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI của Việt Nam vẫn chưa có khởi sắc khi đã tụt sáu tháng liên tiếp. Điều này cho thấy lĩnh vực sản xuất đang bị chững lại. Nhưng theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lĩnh vực sản xuất vẫn là lĩnh vực đóng góp chính cho dòng vốn FDI. Theo thống kê, vốn FDI giải ngân đạt 5,9 tỷ USD trong tháng 4, giảm 1,2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, đang có một số dấu hiệu tích cực về đăng ký FDI như giá trị đăng ký mới và mua cổ phần lần lượt tăng 11,1% so với cùng kỳ và 70,4% so với cùng kỳ.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng thương mại đang có nhiều biện pháp nhằm giảm lãi suất, đưa lãi suất về mức phù hợp nhất để cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, lãi suất vẫn đang bị đánh giá là cao. Nguyên nhân vì mặt bằng lãi suất thế giới gia tăng trong năm 2022 và vẫn ở mức cao trong các tháng đầu năm 2023. Các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới vẫn tiếp tục triển khai lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ và duy trì lãi suất ở mức cao. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã 10 lần tăng lãi suất (hiện lãi suất mục tiêu Fed Fund ở mức 5,0-5,25%/năm; với Ngân hàng T.Ư châu Âu (ECB), lãi suất tái cấp vốn là 3,5%/năm, lãi suất tiền gửi là 3,0%/năm.

Về áp lực lạm phát trong nước, lạm phát bình quân bốn tháng năm 2023 ở mức 3,84%; lạm phát cơ bản tăng 4,9%; mục tiêu lạm phát năm 2023 là 4,5%. Áp lực lạm phát hiện hữu, tiềm ẩn, khiến người dân kỳ vọng lãi suất thực dương nên tổ chức tín dụng khó giảm lãi suất để thu hút tiền gửi, khiến chi phí đầu vào của tổ chức tín dụng ở mức cao. Huy động vốn đến ngày 27/4/2023 tăng 1,78%, chỉ bằng gần 50% so với tốc độ tăng trưởng tín dụng 3,04%.