Thích ứng linh hoạt, an toàn với Covid-19

Bồi đắp đạo đức và phong cách văn nghệ sĩ

Văn nghệ sĩ có vai trò và sứ mệnh vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa và xã hội. Tài năng, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử… của họ có sức ảnh hưởng, lan tỏa, tạo hiệu ứng xã hội mạnh mẽ đến nhận thức, lối sống, quan điểm của công chúng, nhất là công chúng trẻ. Tuy nhiên, thời gian qua, kể cả trong giai đoạn mà dịch Covid-19 tác động, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng lên đời sống, không ít văn nghệ sĩ có lối sống buông thả, “lệch chuẩn”, thiếu trách nhiệm với bản thân, nghề nghiệp, công chúng và xã hội. 

Các nghệ sĩ trẻ tham gia các chuyến lưu diễn phục vụ chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa. Ảnh: HẢI NAM
Các nghệ sĩ trẻ tham gia các chuyến lưu diễn phục vụ chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa. Ảnh: HẢI NAM

1/ Các phát ngôn, hình ảnh, thời trang, quan điểm sống của nghệ sĩ trở thành “hottrend-xu hướng” mới thu hút giới trẻ làm theo, học theo; mỗi sản phẩm nghệ thuật gửi gắm các thông điệp cuộc sống, lan tỏa đám đông, ảnh hưởng tới xã hội. Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua, các hoạt động nghệ thuật-giải trí vướng nhiều “lùm xùm” xoay quanh vấn đề quan điểm, văn hóa ứng xử, lối sống, hoạt động… của một số nghệ sĩ đã ảnh hưởng tới uy tín, danh tiếng, tạo bất ổn trong dư luận xã hội. Chính vì vậy, việc nhìn nhận và đánh giá khách quan những điểm tích cực và bất cập về đạo đức, trách nhiệm của văn nghệ sĩ sẽ góp phần vào việc nhận thức, điều chỉnh, định hướng giá trị thẩm mỹ đúng đắn cho công chúng; xây dựng môi trường văn hóa, nghệ thuật lành mạnh, tốt đẹp. 

Trong bối cảnh hiện nay, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng, đầu tư, khích lệ đội ngũ văn nghệ sĩ, phát triển, trưởng thành, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước. Hệ thống truyền thông-mạng xã hội đang phát triển mạnh mẽ, tạo cơ hội cho văn nghệ sĩ phát triển chuyên môn, uy tín, khẳng định giá trị bản thân, quảng bá hình ảnh đầy  tự tin, bản lĩnh, tham gia vào các hoạt động nghệ thuật giải trí đa sắc diện. Đây cũng là thời điểm đại dịch Covid-19 trên toàn cầu diễn biến hết sức phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống nghệ thuật và xã hội. Văn nghệ sĩ đã “không đứng ngoài cuộc chống Covid-19”. Cùng với đó, văn nghệ sĩ cũng tiếp tục trở thành cầu nối, “đại sứ nghệ thuật” kết nối, quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới, thông qua các thông điệp nghệ thuật bằng ngôn ngữ âm nhạc, hội họa, điện ảnh, sân khấu, văn học… 

Tuy nhiên, trước sự thay đổi hệ giá trị, trước tác động mạnh mẽ của công nghệ số, truyền thông và mạng xã hội, sự “cạnh tranh” khắc nghiệt của hoạt động giải trí thị trường, quy luật cung-cầu của cơ chế thị trường…, đã xuất hiện không ít những cơ hội và thách thức cho văn nghệ sĩ trên con đường sự nghiệp, để sống được bằng nghề, khẳng định được vị trí, uy tín, danh tiếng của mình trước công chúng. Việc xuất hiện một số văn nghệ sĩ có biểu hiện tiêu cực, lệch lạc trong lối sống, đạo đức, văn hóa ứng xử trên mạng xã hội… ảnh hưởng trực tiếp/gián tiếp đến công chúng, nhất là công chúng trẻ. Sự “lệch chuẩn” trong đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử đã khiến cho hình ảnh người nghệ sĩ trở nên “xấu xí” trong mắt công chúng yêu nghệ thuật; tạo nên những làn sóng “cuồng thần tượng”, học theo “hot trend” (xu hướng) mới, hiện đại gây nên không ít những hệ lụy đến giới trẻ, đến sự ổn định, văn minh, tốt đẹp của xã hội.

Xuất phát từ thị hiếu thẩm mỹ dễ dãi, thực dụng của một bộ phận công chúng, một số ca sĩ, nhạc sĩ, diễn viên trẻ muốn khẳng định tên tuổi qua độ chịu chơi, sành điệu, nhà đẹp, xe đẹp, đồ hàng hiệu. Một số nghệ sĩ trong giới giải trí quan niệm hoặc phát ngôn theo xu hướng độ sang chảnh, giàu có thể hiện đẳng cấp thương hiệu, danh tiếng. Việc mài giũa, trau dồi về chuyên môn nghệ thuật, kỹ năng sân khấu, bản lĩnh sân khấu có những khi được soi chiếu qua mức độ “chịu chơi”, “chịu chi” của người nghệ sĩ. Bên cạnh đó, văn hóa “cuồng thần tượng” không phân biệt phải-trái của một bộ phận giới trẻ cũng góp phần tạo cơ hội “bao che”, “cổ xúy” cho suy nghĩ, phát ngôn sai lệch, tự tin thái quá của một số văn nghệ sĩ trẻ hiện nay. 

2/ Thiết nghĩ, việc nghệ sĩ sống, cống hiến cho nghệ thuật và xã hội cần được xây đắp trên nền tảng của nhận thức, chuẩn mực đạo đức, lối sống, trách nhiệm với thời cuộc. Bởi lẽ, văn nghệ sĩ là chủ thể quan trọng trong đời sống, phổ biến các giá trị văn hóa-xã hội. Lối sống, đạo đức, hành vi, phát ngôn, văn hóa ứng xử của họ tác động trực tiếp/gián tiếp đến tư tưởng-tình cảm, quan điểm, lối sống của người trẻ. 

Văn nghệ sĩ cần có nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí, sứ mệnh, trách nhiệm của mình trong hoạt động văn học, nghệ thuật; luôn tu dưỡng, trau dồi vốn sống, vốn văn hóa, đạo đức, lối sống lành mạnh, tích cực; chủ động nâng cao năng lực chuyên môn, giữ gìn hình ảnh đẹp trước công chúng. Cùng với đó, ý thức về trách nhiệm nghề nghiệp trong lao động và sáng tạo nghệ thuật. Đồng thời tuân thủ pháp luật, văn hóa ứng xử văn minh, phù hợp hoàn cảnh; tôn trọng công chúng. Đặc biệt, văn nghệ sĩ cần sự tự tin, bản lĩnh, sự tỉnh táo trước mọi cám dỗ của lợi nhuận, danh vọng. Với những người đã thành danh với danh hiệu và giải thưởng nghệ thuật cao quý, cần giữ tâm thế của thế hệ đi trước, gương mẫu trong lời nói, hành động, trang phục, lối sống… phù hợp giá trị đạo đức xã hội, truyền thống văn hóa và thuần phong mỹ tục của dân tộc. 

Các cơ quan quản lý, truyền thông cần loại bỏ các chương trình nghệ thuật nặng tính giải trí phát trên sóng truyền hình, hoặc mượn danh nghệ sĩ để “kêu gọi ủng hộ thần tượng” bằng các phương thức (vote), nhắn tin-bình chọn của khán giả thông qua các tính năng, ứng dụng mạng xã hội trong các cuộc thi nghệ thuật; loại bỏ các xu hướng, các phong trào “cuồng thần tượng” của một số công chúng trẻ; thiết lập hệ giá trị mới trong nhận thức, tư tưởng của công chúng về văn nghệ sĩ chân chính, về thần tượng một cách công bằng, khách quan. Nên mạnh dạn loại bỏ các chương trình “hài nhảm, gameshow giải trí” ít giá trị thẩm mỹ trên sóng truyền hình chính thống. Việc lựa chọn các chương trình nghệ thuật vừa có giá trị nghệ thuật và tính giải trí cao cần có chiến lược cụ thể và lâu dài một cách bài bản, phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ của công chúng.

Cần đẩy mạnh hoạt động báo chí truyền thông, mạng xã hội; chủ động tiếp cận qua các hoạt động quảng bá, giới thiệu nghệ thuật: Chương trình âm nhạc, trình diễn nghệ thuật sân khấu, các ấn phẩm văn học, nghệ thuật chuyển thể từ tác phẩm văn học… Khuyến khích công chúng tiếp cận các loại hình nghệ thuật truyền thống, loại hình nghệ thuật hiện đại một cách tích cực, văn minh thông qua các kênh truyền thông chính thống. Chủ động tiếp cận các kênh mạng xã hội, chủ động kết nối xây dựng các chương trình đối thoại-tọa đàm về các vấn đề mới, mang tính thời sự trong đời sống xã hội, văn học, nghệ thuật được dư luận và xã hội quan tâm. 

Ngoài việc cổ vũ, động viên, khích lệ những người làm nghệ thuật chân chính, các cơ quan quản lý văn học, nghệ thuật cần xây dựng chế tài xử phạt một cách nghiêm khắc trước những sai phạm của văn nghệ sĩ về pháp luật, lối sống, đạo đức. Cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của văn nghệ sĩ với nghề nghiệp, công chúng và xã hội. Nên thiết lập hội đồng thẩm định chuyên môn có trình độ cao để có thể lựa chọn, thẩm định, định hướng các giá trị nghệ thuật, hướng đến tác phẩm có giá trị nghệ thuật và mang tính giải trí cao. 

Đứng trước nhiều cơ hội và thách thức của thời cuộc, rất nhiều văn nghệ sĩ đã đóng góp tích cực vào sự phát triển của văn học nghệ thuật. Việc nhận thức và chỉ ra vai trò tích cực, sự cống hiến của các văn nghệ sĩ chân chính là sự khích lệ kịp thời để cổ vũ, động viên các văn nghệ sĩ tiếp tục gắn bó, đóng góp công sức cho sự phát triển toàn diện văn hóa-xã hội. Bên cạnh đó, việc ý thức được những mặt hạn chế, tiêu cực trong lối sống, đạo đức, trách nhiệm của văn nghệ sĩ; việc kịp thời điều chỉnh sẽ giúp văn nghệ sĩ có định hướng, phù hợp các quy tắc chuẩn mực đạo đức xã hội, hướng đến lối sống và hoạt động nghề nghiệp tốt đẹp hơn. 

Thị hiếu và văn hóa “tẩy chay” của công chúng cần được thiết lập một cách chặt chẽ. Sự khắt khe của công chúng trong thị hiếu tiếp nhận sẽ góp phần thanh lọc những nghệ sĩ vi phạm pháp luật, đạo đức, lối sống tiêu cực, làm trong sạch, lành mạnh hơn môi trường văn học, nghệ thuật hiện nay.