Bổ sung phương thức xét tuyển đại học mới

Cho dù mới là tháng 1 nhưng khá nhiều trường đại học (ĐH) đã công bố đề án tuyển sinh. Đánh giá chung là sẽ không có nhiều thay đổi lớn về quy trình, các mốc thời gian... tuy nhiên, vẫn có một số thay đổi của các trường về áp dụng phương thức xét tuyển nhằm hướng đến chất lượng đầu vào.
0:00 / 0:00
0:00
Tư vấn tuyển sinh của Trường đại học Kinh tế quốc dân. Ảnh: BẮC SƠN
Tư vấn tuyển sinh của Trường đại học Kinh tế quốc dân. Ảnh: BẮC SƠN

ĐH tốp đầu tuyển sinh không xét học bạ

Nhiều năm qua, các trường đại học (ĐH) duy trì phương thức tuyển sinh bằng học bạ THPT kết hợp với một số phương thức tuyển sinh khác. Tuy nhiên, phương thức này nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Thực tế đã có trường hợp làm đẹp học bạ hay gọi nôm na là chạy điểm THPT để tạo thuận lợi cho quá trình xét tuyển ĐH. Sự tiêu cực này đã làm ảnh hưởng đến chất lượng tuyển sinh đầu vào và sự công bằng trong giáo dục.

Mùa tuyển sinh năm 2024, nhiều trường ĐH tốp đầu tuyên bố bỏ phương thức tuyển sinh bằng xét học bạ, tăng cường các kỳ thi riêng để tuyển đầu vào như ĐH Bách khoa Hà Nội đã bỏ yêu cầu điểm học bạ đạt 7 trở lên với các môn trong tổ hợp khi xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và đánh giá tư duy.

Hay trong đề án tuyển sinh ĐH năm 2024 mà Trường ĐH Kinh tế quốc dân vừa công bố, năm nay không dùng phương thức xét tuyển bằng học bạ nữa, trong khi, mọi năm, nhóm học sinh này chiếm khoảng 10% chỉ tiêu. Năm nay, Trường ĐH Kinh tế quốc dân tuyển sinh theo ba phương thức: Xét tuyển thẳng chiếm 2% chỉ tiêu, 18% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (giảm 7% so với năm 2023) và 80% chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của nhà trường.

PGS, TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân chia sẻ: “Nhóm xét tuyển kết hợp với học bạ thường rơi vào học sinh trường chuyên, trường trọng điểm, chúng tôi không sử dụng nữa. Thật ra, nhóm học sinh này rất xuất sắc nên các em cũng có điều kiện để có trong tay hầu hết các chứng chỉ như: chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy nên việc chúng tôi bỏ đi không ảnh hưởng gì đến quyền lợi của các em. Ngoài ra, nó cũng góp phần giảm tỷ lệ trúng tuyển ảo”.

Năm ngoái có hơn 100 cơ sở giáo dục ĐH tuyển sinh bằng học bạ. Xét học bạ là phương thức tuyển sinh ĐH dựa trên kết quả điểm của ba năm THPT hoặc điểm trung bình của lớp 12 theo tổ hợp môn để xét tuyển. Ở một số trường việc xét tuyển học bạ còn kèm theo nhiều tiêu chí như chứng chỉ tiếng Anh, chứng chỉ quốc tế hay điểm thi tốt nghiệp THPT một số môn.

PGS, TS Vũ Duy Hải, Trưởng ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: “Hiện nay ĐH Bách khoa có sử dụng điểm học bạ trong một phương thức xét tuyển. Đó là phương thức xét tuyển tài năng (điểm học bạ chỉ chiếm 40%) và đối với những em đủ điều kiện tham gia phương thức xét tuyển tài năng thì thường các em phải có thêm thành tích khác như giải thưởng học sinh giỏi, có các công trình nghiên cứu hoặc phải có các thành tích đặc biệt xuất sắc), khi đó sẽ được kết hợp điểm học tập học bạ của các em để tham gia vào quá trình xét tuyển. Thường đối với phương thức xét tuyển tài năng như vậy, với chỉ tiêu nhà trường hiện nay, trường đang dành cho phương thức xét tuyển này từ 15-20% tổng số chỉ tiêu. Các bạn thí sinh mà trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển tài năng hay được gọi là các bạn trúng tuyển sớm thường là những bạn bậc THPT có thành tích học tập rất tốt và do vậy khi được xét trúng tuyển vào học, các bạn cũng có kết quả học tập rất tốt tại trường”.

PGS, TS Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo ĐH (Trường ĐH Nha Trang) cho rằng, nhiều trường không sử dụng kết quả xét học bạ vì kết quả học tập THPT, đặc biệt lớp 12 có sự khác biệt trong đánh giá giữa mỗi giáo viên, trường, khu vực, vùng miền. Do đó, nếu sử dụng kết quả này xét tuyển chung vào một trường đại học sẽ không tạo ra sự công bằng, đồng thời không bảo đảm chất lượng đầu vào. Về lâu dài, các trường sẽ tìm phương thức tuyển sinh phù hợp để thay thế.

Nhiều chuyên gia khác cùng quan điểm với đại diện Trường ĐH Nha Trang khi cho rằng, cách đánh giá học sinh ở bậc phổ thông chưa đồng đều, có độ “vênh” nhất định giữa các địa phương, khu vực. Chưa kể, tỷ lệ học sinh khá, giỏi ở nhiều trường THPT khá cao, nếu xét học bạ vào đại học sẽ không bảo đảm sự chính xác, công bằng và không bảo đảm chất lượng đầu vào.

TS Lê Đông Phương, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đại học (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) cho rằng, việc các trường đại học tốp trên, nhất là trường đào tạo chuyên ngành đặc thù bỏ phương thức xét học bạ là điều dễ hiểu. Bởi ở những trường, ngành này, tính cạnh tranh rất cao. Phương thức xét học bạ không đủ sức để sàng lọc, tuyển chọn sinh viên giỏi cho các trường.

Cũng theo TS Phương, nhiều năm qua, Bộ GD&ĐT công bố các số liệu đối sánh điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ THPT cho thấy, điểm trung bình học bạ của học sinh luôn cao hơn điểm thi tốt nghiệp THPT. Đặc biệt, ở một số tỉnh, thành phố, khu vực, sự chênh lệch này rất lớn. Điều này đặt ra những lo ngại của các trường đại học về việc thầy cô “nương tay” khi cho điểm trong quá trình học tập, thi cử ở trường phổ thông.

Ưu thế sử dụng kỳ thi riêng

Năm 2024, một số trường ĐH đổi mới đề án tuyển sinh bằng cách bổ sung những phương thức xét tuyển mới. Học viện Kỹ thuật quân sự bổ sung phương thức xét tuyển là sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP Hồ Chí Minh. Trường ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh thông báo sẽ tăng chỉ tiêu tuyển sinh và tăng các chương trình đào tạo, xét tuyển bằng kỳ thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính, tức là kỳ thi riêng của trường này. Điều chỉnh chỉ tiêu giữa các phương thức, giảm chỉ tiêu cho xét tuyển bằng điểm thi THPT, bằng học bạ. Dần dần, các kỳ thi riêng sẽ đóng vai trò chủ đạo để hỗ trợ các trường trong tuyển sinh đầu vào.

PGS, TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải cho biết: “Năm 2024, chúng tôi cũng có sự chuẩn bị, đó là phương thức xét tuyển bằng học bạ cũng sẽ giảm đi, mở rộng nguồn phương thức xét tuyển đánh giá năng lực tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội hoặc một số nguồn khác. Hiện nay, chúng tôi đang tính toán để đưa vào trong đề án của mình”.

PGS, TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân nói: “Nếu sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển thì năm nay nhà trường vẫn chiếm đến 50%. Tuy nhiên, nếu thuần về điểm thi thì chúng tôi chỉ còn lại 18%. Chúng tôi dự đoán, xu hướng của thí sinh năm nay, tỷ lệ thi đánh giá năng lực của ĐHQG rồi đánh giá tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ tăng lên”.

PGS, TS Vũ Duy Hải, Trưởng ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội khuyến cáo: “Nếu các em muốn xét tuyển vào những trường, có độ cạnh tranh cao thì các em nên ưu tiên tham gia các kỳ thi riêng. Kỳ thi riêng có sự phân hóa tốt để các em có đủ sự cạnh tranh vào các chương trình đang có nhiều ứng viên dự tuyển. Còn nếu đăng ký vào các ngành không có sự cạnh tranh cao thì các em hoàn toàn có thể sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để vào các chương trình đào tạo đó”.

ThS Hoàng Thúy Nga, chuyên viên cao cấp Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), nói kỳ thi tốt nghiệp THPT và nội dung, phương thức, hình thức tuyển sinh năm nay sẽ ổn định như năm 2023. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ có sửa quy chế. Tuy nhiên nội dung cơ bản không thay đổi nhiều, chỉ làm rõ hơn trách nhiệm của các bên liên quan, các sở giáo dục và đào tạo, cũng như thí sinh khi tham gia kỳ thi.

Dự kiến kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra trong khoảng thời gian từ 20 đến 30/6. Khoảng tháng 4/2024, thí sinh bắt đầu đăng ký các tổ hợp dự thi tốt nghiệp.

Về tuyển sinh, các cơ sở đào tạo hiện nay sử dụng rất nhiều phương thức, hình thức khác nhau theo quy định của Luật Giáo dục ĐH. Theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, các trường phải công bố thông tin tuyển sinh trên website của nhà trường, đồng thời phải xây dựng quy chế tuyển sinh riêng của trường, cụ thể hóa quy chế của bộ đối với tất cả hình thức đào tạo của trường. Thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh trên website của các trường về tiêu chí, điều kiện, quy trình, hình thức xét tuyển… để tận dụng được tất cả các cơ hội xét tuyển sớm.

Đợt 1 thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển ngay sau khi có kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Thí sinh đăng ký xét tuyển từ tháng 7 trong khoảng 20 ngày. Thí sinh được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng. Số nguyện vọng xét tuyển phải sắp xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp, trong đó nguyện vọng đầu tiên là nguyện vọng cao nhất. “Việc đăng ký xét tuyển đại học năm nay tiếp tục được thực hiện trực tuyến trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia. Thí sinh đăng ký bằng tài khoản, mật khẩu đã được cấp khi đăng ký thi tốt nghiệp THPT”, bà Nga lưu ý.

Đối với xét tuyển bổ sung dự kiến thực hiện trong tháng 9/2024. Xét tuyển bổ sung thí sinh chỉ được đăng ký vào những trường còn chỉ tiêu.