Blouse trắng giữa đêm rừng

“Con học lớp mấy? Tiêm xong để còn đi học nhé”, “Tiêm xong rồi chú cho kẹo”, “Lý Seo Phừ tiêm xong về bảo vợ đến tiêm phòng Covid nhé”... Những câu nói mộc mạc, thúc giục, vỗ về giữa đêm rừng vùng thâm sơn thuộc xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông, Lâm Đồng.

“Cán bộ luồn rừng mang vaccine đến với bản làng mình rồi, biết ơn lắm!”, Vàng Thị Păng nói.

0:00 / 0:00
0:00
Blouse trắng giữa đêm rừng.
Blouse trắng giữa đêm rừng.

Luồn rừng

Cân nhắc hồi lâu, rồi Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đam Rông Phan Thanh Thành và Bí thư Đảng ủy xã Liêng Srônh Bùi Tiến Viết cũng đồng ý để chúng tôi tham gia cùng đoàn cán bộ y tế luồn rừng vào tiêm vaccine cho người dân đợt này. Cũng phải thôi, bởi như lời ông Thành: “Đường đi vào các tiểu khu gian nan lắm. Té lấm lem, bị thương là chuyện thường”.

Thùng bảo quản vaccine, ba-lô vật tư y tế, mì gói, bánh kẹo làm quà cho trẻ con, xích quấn bánh xe, áo mưa... và trái tim nhiệt huyết, trách nhiệm là hành trang mang theo hành trình vào tiêm chủng ở các tiểu khu của đoàn y, bác sĩ thuộc Trạm Y tế xã Liêng Srônh và cán bộ địa phương.

Xã Liêng Srônh, nơi có hơn 2.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số di cư tự do từ các tỉnh Tây Bắc vào cư trú trong rừng phòng hộ, tại các tiểu khu Tây Sơn, Đạ Mpô, 178, 179, 181..., đã tạo nhiều áp lực cho xã và huyện Đam Rông. Song, địa phương này và cả tỉnh Lâm Đồng luôn quan tâm, chăm lo cho đời sống nhân dân.

Chúng tôi lên đường vào tiểu khu 181, một trong những tiểu khu có đường đi vào khó khăn nhất của xã Liêng Srônh. Tiểu khu này hiện có 105 hộ, 536 nhân khẩu người dân tộc H’Mông đang sinh sống. Anh Păng Tiêng Y Tông, dân quân xã Liêng Srônh dặn: “Ngồi sau xe đừng bỏ chân xuống, không khéo gãy chân. Nếu bị xốc, cứ giữ yên tư thế…”.

Tâm điểm mùa mưa Tây Nguyên, đường mòn độc đạo dẫn vào tiểu khu 181 nhầy nhụa, gập ghềnh và thâm u. Đến đoạn dốc cao, đường trơn, Thiếu úy công an Păng Tiêng Timor The dừng xe máy, quấn xích vào bánh và chủ động xả bớt hơi bánh trước để hạn chế trượt. Và cả đoàn đều phải thực hiện khâu quan trọng đó. Timor The trấn an chúng tôi bằng câu đùa: “Không sao đâu, té đâu mình đứng dậy đó thôi mà”.

Blouse trắng giữa đêm rừng ảnh 1

Đưa các cháu nhỏ đến tiêm vaccine.

Không chỉ lực lượng công an, dân quân, trên cung đường luồn rừng đầy gian nan ấy, các y, bác sĩ, những người chỉ quen với ống nghe, kim tiêm… cũng thuần thục không kém. Hành trang đi làm nhiệm vụ của họ luôn tối giản nhất có thể và họ thuần thục kỹ năng đi đường rừng mùa mưa như người dân bản địa. Đoàn xe lần lượt băng qua bùn lầy, vượt dốc đá, bánh xe đi sau chồng lên vết bánh xe đi trước. Bùn lầy bắn đầy lên mặt, xe quay ngang, bác sĩ Kiên nhảy vội để tránh bị thương và bánh xe chổng lên, quay tít… nhưng thùng vaccine, dụng cụ y tế vẫn được bảo hộ an toàn.

Mưa rừng lắc rắc không thấm bằng những giọt mồ hôi đẫm lưng áo các thành viên trong đoàn. Hơn ba giờ “chinh phục” tuyến đường chỉ hơn 20km, ai cũng vui mừng khi thấy thấp thoáng những mái nhà. Những bộ váy hoa xòe rực rỡ của các em nhỏ người H’Mông đang nô đùa, tiểu khu 181 đây rồi! Chúng tôi thở phào.

Đêm trắng giữa rừng

Trên đường đi vào tiểu khu, gặp nhiều người dân ngược đường, cả đoàn tỏ ra lo lắng. Chúng tôi đều nói với theo: “Bà con đi công việc nhớ trở lại sớm để tiêm vaccine phòng, chống Covid nhé”. Và họ cười thật tươi… “xã đã nói với già làng, trưởng bản mình rồi. Mình nhớ mà”.

Điểm tiêm dã chiến được đoàn triển khai ngay tại cửa hàng tạp hóa duy nhất trong tiểu khu. “Đây là nơi bà con qua lại nhiều nhất”, Bí thư Đảng ủy xã Liêng Srônh Bùi Tiến Viết nói. Quả không sai, dòng người bắt đầu kéo về điểm tiêm dã chiến và đoàn công tác bắt tay ngay vào công việc. Thiếu úy Timor The và dân quân Y Tông trực tiếp đón người dân, bí thư Bùi Tiến Viết thì phát bánh kẹo tặng các cháu đến tiêm, chuyên môn còn lại là những người khoác blouse trắng.

Các bác sĩ Kiên, Công; y tá Giang, Thơ, trạm trưởng y tế xã Mai và cán bộ y tế Vui, Hiệp... mới vừa vật lộn với bùn đất, luồn rừng, nay ai vào việc nấy. Họ làm việc say sưa, chân vẫn còn nguyên trong những đôi ủng lấm lem. Bản làng trở nên rộn rã bởi những câu thăm hỏi, động viên, vỗ về… “Cảm ơn bác sĩ, để mình về gọi người nhà đến tiêm”, Vàng Thị Păng nói khi vừa tiêm xong.

Người dân tiểu khu 181 sống rải rác thành từng cụm dân cư, nên việc tiêm chủng được thực hiện lưu động. Không có ứng dụng để cập nhật thông tin tiêm chủng, mọi thủ tục ở đây đều làm thủ công. Đoàn phải chia nhau đến gõ cửa từng nhà và việc tiêm chủng cứ kéo dài giữa đêm rừng.

Không điện, không internet. Đêm xuống, cả tiểu khu quyện trong hương rừng, khí núi. Đoàn công tác mượn căn nhà trên đồi của Ban quản lý bảo vệ rừng để trú đêm và tiếp tục công việc. Nắm lá bép tranh thủ hái trên đường đi được thả vào nồi mì gói, ai cũng ăn ngon lành. Bên ánh đèn pin và ánh sáng yếu ớt của mấy chiếc điện thoại, họ chờ đợi bà con đến tiêm.

Blouse trắng giữa đêm rừng ảnh 2

Phút nghỉ ngơi giữa rừng.

Không gian tĩnh mịch, tiếng muỗi vo ve, tiếng côn trùng đập cánh và những câu chuyện đời thường rôm rả trong đêm đại ngàn. Trong muôn vàn câu chuyện khỏa lấp thời gian, chúng tôi nghe được chuyện: “Anh Tuấn thương vợ là y tá Giang đi vào tiểu khu vất vả, nên gửi con cho ông bà nội để tình nguyện chở vợ đi vào tiểu khu”. Cũng đúng thôi, bởi bao lần ra vào nơi này, không lần nào không có người té xe, chị Giang cũng không ít lần trầy xước. Anh Tuấn hiểu công việc của vợ và những cán bộ y tế vùng sâu, vùng xa nên “xin” gia nhập đoàn.

Đêm đại ngàn sâu thẳm. Nói với nhau đủ chuyện, nhưng không ai nhắc đến những gian nan, vất vả đã trải qua. Có lẽ, với họ, vào đến những vùng đất thâm u, được ngắm nhìn những ánh mắt trìu mến, những nụ cười hiền và lời cảm ơn chân thành của người dân như liệu pháp tinh thần, tiếp thêm động lực để tiếp tục hành trình đến những tiểu khu khác, mang theo quyết tâm “phủ sóng vaccine”.