Ngăn chặn hành động gây rối
Sau 5 ngày liên tiếp, dịp cuối tuần qua, nước Anh tiếp tục hứng chịu các cuộc biểu tình bạo lực tại nhiều thành phố thuộc các vùng England và Wales, xuất phát từ vụ đâm dao khiến 3 trẻ em thiệt mạng. Rất đông người đã xuống đường, được cho là theo lời kêu gọi của các nhóm cực hữu. Người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát. Những đối tượng quá khích tấn công cảnh sát bằng gạch đá, bình cứu hỏa, thậm chí là các lon bia, chai nước. Người biểu tình cũng đốt ô-tô, cướp phá cửa hàng, ném đá vào các cơ sở Hồi giáo...
Tại thành phố cảng Liverpool, cuộc biểu tình chống chủ nghĩa phát-xít có hàng trăm người tham gia diễn ra đồng thời với hoạt động biểu tình của những nhóm có tư tưởng cực hữu, khiến tình hình thêm phức tạp. Tại Sunderland, một đồn cảnh sát bị người biểu tình đốt phá.
Phản ứng trước các vụ gây rối, Bộ trưởng Nội vụ Anh Yvette Cooper lên án những kẻ lợi dụng biểu tình để gây rối và bạo loạn, tuyên bố những đối tượng tấn công cảnh sát và kích động tình trạng hỗn loạn trên đường phố sẽ bị trừng phạt vì hành vi bạo lực.
Lực lượng thực thi pháp luật tại Anh được yêu cầu làm việc cả hai ngày cuối tuần nhằm ứng phó làn sóng biểu tình và các hành động gây rối. Cảnh sát nhiều vùng trên khắp nước Anh đã lên kế hoạch đối phó các cuộc biểu tình biến thành bạo loạn.
Thủ tướng Anh Keir Starmer thông báo thành lập đơn vị mới là “cảnh sát chống bạo lực” nhằm trấn áp tội phạm và các hành động bạo lực, gây rối. Đơn vị này thuộc lực lượng cảnh sát quốc gia, có nhiệm vụ chia sẻ thông tin tình báo về các đối tượng gây rối cực đoan và nguy cơ xảy ra các sự cố bạo lực. Chính phủ Anh tuyên bố ủng hộ và bảo đảm lực lượng cảnh sát có đủ quyền hạn xử lý các hành vi gây rối và bạo lực.
Thông tin sai lệch kích động bạo lực
Vụ đâm dao ngày 29/7 tại thị trấn Southport, phía tây bắc vùng England của Anh, khiến 3 bé gái thiệt mạng, 8 trẻ em và 2 người lớn bị thương. Vụ việc ngay lập tức dẫn tới làn sóng biểu tình, kèm theo các vụ bạo lực, gây rối trên khắp nước Anh.
Đối tượng đâm dao đã được xác định là Axel Muganqqa Rudakubana, 17 tuổi, sinh tại thành phố Cardiff, thủ phủ Xứ Wales thuộc Vương quốc Anh và hiện sống tại làng Banks thuộc hạt Lancashire, cách thị trấn Southport khoảng 10 km. Bố mẹ đối tượng này là người Rwanda, đến Anh từ năm 2002.
Hôm 1/8, nghi phạm đã ra hầu tòa tại tòa án Liverpool Crown, bị buộc các tội danh giết người và cố ý giết người và hiện bị giam giữ tại trại giam dành cho đối tượng thanh thiếu niên, tiếp tục hầu tòa trong các phiên xét xử tiếp theo.
Thông tin sai lệch trên mạng xã hội được cho là đã kích động người biểu tình. Các vụ bạo loạn xảy ra trong biểu tình sau khi thông tin lan truyền nhanh chóng trên các nền tảng xã hội nói rằng, nghi phạm đâm dao là người Hồi giáo nhập cư. Thông tin trên, phần lớn được lan truyền từ các tài khoản có xu hướng cực hữu, đã nhanh chóng kích động các nhóm chống nhập cư, bài ngoại, dẫn tới các hành động bạo lực và gây rối.
Hôm 1/8, Thủ tướng Starmer đã cảnh báo rằng việc kích động bạo lực trên không gian trực tuyến cũng là tội phạm và pháp luật phải được tuân thủ ở mọi nơi. Ông Starmer cũng cảnh báo các công ty truyền thông xã hội về tình trạng thông tin sai lệch lan truyền.
Cảnh sát Anh ước tính, các vụ gây rối, bạo lực và đụng độ trong biểu tình đã khiến ít nhất 50 cảnh sát bị thương, hơn 120 người biểu tình quá khích bị bắt giữ. Nhiều phương tiện bị đốt cháy, nhiều cửa hàng bị cướp phá, một số đền thờ Hồi giáo bị tấn công.