Biến động toàn cầu thách thức phục hồi kinh tế Việt Nam

Kinh tế thế giới đang đối diện với những thách thức mới từ cuộc xung đột Israel - lực lượng Hamas, dẫn đến biến động giá dầu thô, có thể tác động đến các mặt hàng khác và tăng áp lực lên lạm phát. Rủi ro suy thoái vẫn thường trực trên toàn cầu, chuỗi cung ứng bị đứt gãy cục bộ khiến tổng cầu thế giới suy giảm, tỷ giá đang nóng lên… Không ngoại trừ, kinh tế Việt Nam cũng sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực nếu cuộc xung đột này kéo dài.
0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp cần chủ động linh hoạt để phát triển sản xuất. Ảnh: NAM ANH
Các doanh nghiệp cần chủ động linh hoạt để phát triển sản xuất. Ảnh: NAM ANH

Ghi nhận vào ngày 21/10 trên thị trường thế giới cho thấy, giá dầu thô bật tăng lên 6% ngay sau vụ tấn công của lực lượng Hamas vào Israel. Cuộc chiến không chỉ làm tăng giá dầu do lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung, mà còn làm tăng thêm mối lo về các sự kiện địa chính trị có thể gây ra mối đe dọa mới cho nền kinh tế toàn cầu, ngay khi thế giới vừa thoát khỏi những cú sốc do đại dịch Covid-19 và xung đột ở Ukraine gây ra.

Kinh tế Việt Nam chịu tác động đa chiều

Liên quan cuộc xung đột Israel - lực lượng Hamas đang đẩy giá dầu lên mức tăng đáng kể, hầu hết các chuyên gia đều có chung nhận định kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động không nhỏ nếu cuộc xung đột này tiếp tục leo thang.

Trước hết là những tác động trực tiếp đến quan hệ thương mại và đầu tư hai nước. Theo đó, Israel hiện đứng thứ ba trong danh sách thị trường xuất khẩu của Việt Nam tại khu vực Tây Á và là đối tác thương mại lớn thứ năm của Việt Nam. Trong năm 2018, trao đổi thương mại hai nước đạt 1,2 tỷ USD và đến năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Israel đạt 2,2 tỷ USD.

Trong năm 2023, Việt Nam và Israel dự kiến gia tăng kim ngạch thương mại song phương lên khoảng 10-15% và hướng tới mục tiêu 3 tỷ USD ngay trong thời gian tiếp theo.

Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh xung đột như hiện nay thì những quan hệ xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang quốc gia này sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí bị ngưng trệ. Nhất là khi Việt Nam và Israel vừa ký hiệp định thương mại tự do song phương, khả năng thúc đẩy hợp tác đầu tư sẽ không như kỳ vọng.

Theo nhận định của chuyên gia tài chính - ngân hàng TS Nguyễn Trí Hiếu, tăng giá dầu do cuộc xung đột Israel - lực lượng Hamas không chỉ ảnh hưởng đến giá cả vận tải hàng hóa, mà còn lan tỏa đến các mặt hàng khác, như giá lương thực, từ đó tăng áp lực lên lạm phát. Đối với Việt Nam, một quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu dầu, tình hình càng trở nên khó khăn. Cuộc xung đột cũng tác động đến thị trường tài chính toàn cầu, tạo áp lực lên chính sách tiền tệ và tỷ giá trong nước.

Chuyên gia này phân tích: Nhìn từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine trong năm 2022 kéo dài cho đến nay có thể thấy, khi nền kinh tế thế giới khó khăn do xung đột nổ ra, tâm lý phòng thủ kinh tế sẽ tăng lên. Mọi người sẽ lo sợ dẫn đến giảm tổng cầu tiêu dùng. Do đó, các đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp giảm, hàng tồn kho tăng, dẫn đến doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn.

Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng, giảm 150 điểm cơ bản lãi suất chính sách từ tháng 3 đến tháng 6, nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 6,92% vào tháng 9, cho thấy những kết quả mong đợi vẫn chưa thật sự đạt được.

“Trong bối cảnh xung đột giữa Nga và Ukraine chưa chấm dứt, lại thêm cuộc xung đột ở Trung Đông, nguy cơ lạm phát sẽ còn kéo dài. Trong nước, với chính sách điều hành tiền tệ linh hoạt, NHNN đã thành công trong việc kiểm soát lạm phát chung, tuy nhiên áp lực lạm phát cơ bản vẫn còn là một mối lo đáng kể. Vấn đề này đặt ra một bài toán khó cho NHNN trong việc phải cân nhắc giữa việc thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát và việc duy trì tăng trưởng kinh tế... Đồng thời, khi nền kinh tế thế giới khó khăn do xung đột nổ ra, tâm lý phòng thủ sẽ khiến người ta tích trữ những tài sản có giá trị như USD, vàng dẫn đến lãi suất giữa Việt Nam đồng và USD sẽ biến động. Liệu NHNN có cần phải điều chỉnh chính sách tiền tệ của mình để đối phó với các cú sốc mới hay không”, ông Hiếu đặt vấn đề.

Làm gì để đối phó các cú sốc mới?

Nhìn vào các biến động toàn cầu và khó khăn từ những thị trường lớn, truyền thống như Mỹ, EU, Trung Quốc như nêu trên sẽ thấy vẫn còn đó các “phép thử” cho khả năng phục hồi của các doanh nghiệp Việt nói riêng và nền kinh tế trong các tháng cuối năm nay.

Như nhận định mới đây của Tổng cục Thống kê, xung đột gia tăng, các vấn đề an ninh phi truyền thống diễn biến phức tạp, cạnh tranh chiến lược của các nước lớn ngày càng gay gắt…góp phần làm chậm quá trình phục hồi của kinh tế thế giới, thậm chí gây ra tình trạng tăng trưởng thấp, lạm phát cao.

Hiện nay, hầu hết các nước vẫn thắt chặt chính sách tiền tệ. Chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy cục bộ khiến tổng cầu thế giới suy giảm, nhất là những thị trường lớn, truyền thống của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc…

Để đối phó với các tác động tiêu cực từ những biến động toàn cầu như hiện nay và không lỡ nhịp với các cơ hội trong nước và quốc tế, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, lĩnh vực chủ động nắm chắc tình hình, rà soát, nhận diện các cơ hội và thách thức, kịp thời đưa ra những chính sách, giải pháp phù hợp.

Theo các chuyên gia, trước mắt phải ưu tiên hàng đầu về các chính sách hỗ trợ phục hồi cho doanh nghiệp trong nước. Qua đó làm tăng tổng cầu để thúc đẩy kinh tế phát triển.

Tại tọa đàm chính sách hỗ trợ người nộp thuế vượt khó, chuyển đổi số nâng chất lượng phục vụ người nộp thuế, được tổ chức ngày 20/10, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho biết, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp thời gian qua là dòng tiền. Ông Hiếu dẫn kết quả khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, doanh nghiệp đánh giá, miễn, giảm thuế, phí và gia hạn thời gian nộp thuế là chính sách hữu ích nhất với doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, một nền kinh tế mạnh phải có doanh nghiệp phát triển, sức sống của nền kinh tế phụ thuộc vào “sức khỏe” của doanh nghiệp. Vì vậy, người đứng đầu ngành tài chính cam kết, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, từ hoàn thiện cơ chế, chính sách đến chính sách thị trường vốn, quản lý hải quan, thuế, kho bạc và quản lý khác.

Ngoài chính sách hỗ trợ trực tiếp để doanh nghiệp giảm chi phí, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ và các địa phương cần chủ động, linh hoạt, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý nhằm cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng thúc đẩy tổng cung, giảm áp lực lạm phát.

Về phía các doanh nghiệp đa dạng nguồn cung. Bảo đảm nguồn cung của từng nhóm nguyên vật liệu của mỗi ngành không phụ thuộc vào một thị trường, một khu vực để giảm thiểu đứt gãy khi có biến động xảy ra.

Nói chung, để đối phó với các tác động tiêu cực từ “phép thử” biến động toàn cầu như hiện nay, chiến lược cần ưu tiên hàng đầu cho các doanh nghiệp của Việt Nam trên chặng đường phục hồi trong các tháng cuối năm nay là cần linh hoạt ứng phó phù hợp trước các biến động. Điều này bao gồm việc hợp lý hóa hoạt động để duy trì lợi nhuận, ngay cả khi doanh thu đang giảm và xây dựng nguồn dự trữ tiền mặt đáng kể để đối phó suy thoái kinh tế có thể xảy ra.