Biên cương trong tim

Trong 15 đầu sách có tới 12 cuốn viết về người lính, về biên giới quốc gia. Điều đó cho thấy người lính gắn liền với đất nước, với biên giới, với tình người.
Tác giả Phạm Vân Anh với “Biên khu Việt quế”, một trong những cuốn sách viết về người lính, biên giới quốc gia.
Tác giả Phạm Vân Anh với “Biên khu Việt quế”, một trong những cuốn sách viết về người lính, biên giới quốc gia.

Nhiều vai trò khác nhau. Đặt góc nhìn về Phạm Vân Anh ở đâu cũng có cái hay của nó. Ở đây tôi nói về Phạm Vân Anh với vai trò người lính. Bởi những nỗ lực đóng góp của chị với nghề nghiệp, đồng nghiệp, và bạn đọc. Đặc biệt là với vùng biên cương, con người và lãnh thổ thiêng liêng, nơi gần như chiếm trọn trái tim của Phạm Vân Anh trong công việc, nhất là trong sáng tác văn chương.

Tập truyện ký “Cột mốc kể chuyện” của chị vừa được NXB Quân đội Nhân dân ấn hành, là cuốn sách thứ 15 của tác giả mặc áo lính này. Đây là ý tưởng mà tác giả “thai nghén” suốt 15 năm, cùng với thời gian rong ruổi khắp mọi miền biên cương Tổ quốc, thu thập dữ liệu để làm nên cuốn sách này. 15 đầu sách nhưng có tới 12 cuốn viết về người lính, về biên giới quốc gia. Điều đó cho thấy người lính gắn liền với đất nước, với biên giới, với tình người. Và một lẽ khác, chúng ta thấy rằng tác giả đã đặt đất nước trong tim mình thì trong trái tim đất nước, Phạm Vân Anh là giọt máu yêu thương.

Lẽ dĩ nhiên là thế, với người lính, đất nước là cội nguồn của cảm xúc, biên giới quốc gia là nơi bất khả xâm phạm, cũng từ đó trái tim nhà văn, người lính biên phòng Phạm Vân Anh dấy lên niềm xúc động, vừa tôn nghiêm nhưng lại rất đỗi ngọt ngào, vừa rắn rỏi nhưng lại dạt dào cảm xúc. Phạm Vân Anh như đi lên đến tầng trời nhìn xuống để vẽ lên bức chân dung một vùng biên cương đẹp đến nao lòng, thiêng liêng đến cay mắt và tôn nghiêm như lời thề trước non sông Tổ quốc tạc vào ý chí con người. Cũng bởi thế mà tôi gọi “Cột mốc kể chuyện” của Phạm Vân Anh gợi đến những tượng đài văn chương viết về miền biên ải.

Tập truyện ký “Cột mốc kể chuyện”.

Tập truyện ký “Cột mốc kể chuyện”.

Tập truyện ký 200 trang với 25 truyện ký là hành trình tạc hình Tổ quốc của đất nước ta đã và đang dần đến đích, khép lại một vòng thiêng liêng từ mũi Trà Cổ (Quảng Ninh) đến Mũi Nai (Kiên Giang). Vượt vạn suối nghìn non, vượt trăm thung lũng, vạn cánh đồng, mảnh ruộng..., đất Việt mến yêu của ta, hành lang giới hạn không gian sinh tồn của dân tộc Việt Nam ta sẽ mãi như trường thành vững chãi, được dựng lên bởi ý Đảng, lòng dân và tâm sức của hàng triệu con người. Nghe biển Hà Tiên thì thầm, nghe sóng Giang Thành thủ thỉ, nghe núi Pháo Đài kể chuyện cha ông chinh chiến mà nhớ tích xưa “âu vàng ngàn thuở lễ non sông”, mà thêm trân trọng, kính ngưỡng, thêm gắn bó với cương thổ nghìn năm. Lại càng mong ngóng ngày trở lại Trà Cổ, Mẫu Sơn, Lũng Cú, A Pa Chải... hay ngược nắng Lào rát bỏng, ngược ngàn đến Pù Nhi, Phu Xai Lai Leng, Cù Bai, A Lưới... hoặc xuôi phương Nam qua Bờ Y, Buôn Đôn, Bù Gia Mập, Vĩnh Xương, Bảy Núi...

Trong hành trình đến với những cột mốc biên cương, Phạm Vân Anh xúc cảm: “Trong hành trình đến với những cột mốc biên cương của đôi chân tôi tạm khép lại, để lòng tôi mở ra một hành trình mới, cùng biên cương vào hội biên phòng với bao náo nức, yêu thương. Càng thêm vững tâm biết mấy khi đồng đội của tôi, những người lính biên phòng trên dặm dài Tổ quốc vẫn luôn bền gan, quyết chí trên mọi nẻo biên cương, trong từng nhiệm vụ dù cam go, gian khổ vô chừng. Các anh đã và đang sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền, nhân dân các dân tộc nơi biên giới vun đắp cho không gian sinh tồn của dân tộc mãi bền chắc như vàng đá”.

Có thể bạn quan tâm