Từng rơi vào cảnh hoang phế
“Hải Vân quan” quá quen thuộc với nhiều người qua lại trên cung đường thiên lý bắc-nam, giáp ranh giữa thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) và phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng).
Được xây dựng dười thời vua Minh Mạng vào năm 1826, cụm di tích lịch sử này công trình kiến trúc quân sự nằm ở độ cao gần 500 m so mực nước biển, là cửa ải phía nam của kinh đô nên được triều Nguyễn bố trí nhiều hạng mục công trình phòng thủ quân sự như hệ thống thành lũy, nhà kho, súng thần công…
Sau khi xây dựng xong, vua Minh Mạng đã cho khắc ba chữ “Hải Vân quan” lên cổng hướng về phía tỉnh Thừa Thiên Huế và sáu chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” lên cổng hướng về phía Đà Nẵng. Kể từ khi ra đời, cụm di tích này không chỉ giữ vai trò quan trọng trong phòng thủ mà còn là một danh thắng nối tiếng.
Trong giai đoạn 1945-1975, nhiều hạng mục công trình quân sự được xây dựng thêm ở đây để trấn giữ con đường huyết mạch này. Đặc biệt trên đỉnh của cổng “Hải Vân quan” và “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” còn xây thêm những hệ thống pháo đài công sự để quan sát. Ngày nay, nhiều công trình là dấu tích của các cuộc chiến tranh như lô-cốt, tường bao, hào công sự… vẫn còn hiện diện.
Do không rõ ràng trong việc phân cấp quản lý giữa hai địa phương nên một thời gian dài di tích này bị bỏ hoang phế, xuống cấp nghiêm trọng. Dù vậy, “Hải Vân quan” thu hút rất đông du khách trong lẫn ngoài nước khi đi ngang qua đều dừng lại để tham quan, ngắm cảnh, chụp hình. Đứng ở điểm cao nhất vào ngày nắng đẹp nhìn về phía nam sẽ thấy vịnh Đà Nẵng trải dài, nhấp nhô tuyệt đẹp. Quay mặt về phía bắc, bãi biển Lăng Cô như một dải lụa uốn lượn khiến ai cũng trầm trồ.
Phát huy giá trị cha ông để lại
Qua rất nhiều cuộc làm việc, năm 2016, chính quyền TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã đi đến thống nhất lập hồ sơ cho di tích “Hải Vân quan”. Một năm sau, cụm công trình kiến trúc này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích quốc gia.
Công trình này cũng đã được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiến hành khai quật, khảo cổ nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu trước khi chính thức khởi công dự án bảo tồn, tu bổ trong tháng 12 này.
Theo đó, dự án sẽ tháo dỡ toàn bộ các lô-cốt phía trên cửa “Hải Vân quan” và cửa “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” đến nền gốc tích thời Nguyễn, đồng thời tu bổ hai cửa theo các dấu tích nguyên gốc. Cùng với đó phục hồi, thay thế nền cổng lát đá thanh, hệ thống cối, cổng đá thanh, tường xây gạch vồ và gia cố, chống nứt, chống thấm cho các khối xây.
Ngoài ra, dự án cũng sẽ phục hồi nhiều hạng mục di tích như tường thành nhà Nguyễn bằng đá núi theo dấu vết khảo cổ học, dấu vết trên tường hông “Hải Vân quan” và “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”, phục hồi các chòi quan sát, nhà Trú Sở, nhà Vũ Khố ba gian theo dấu tích khảo cổ và ảnh tư liệu. Tổng kinh phí cho dự án này là hơn 42 tỷ đồng, được thực hiện trong hai năm từ nguồn ngân sách của hai địa phương.
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho rằng dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích “Hải Vân quan” là sản phẩm của tình đoàn kết giữa hai địa phương trong công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản của ông cha để lại. Vì thế, hai bên quyết tâm triển khai công tác trùng tu dự án một cách chuẩn mực với chất lượng cao nhất. Đồng thời, bày tỏ kỳ vọng trong thời gian tới, danh thắng này sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn, là niềm tự hào của người dân hai xứ Thuận-Quảng xưa hay Huế-Đà Nẵng ngày nay.
Sách Đại Nam thực lục ghi năm Minh Mạng thứ 7 (1826), vua cho xây “Hải Vân quan” mặt trước quay về hướng nam, chủ yếu để trông coi vịnh Đà Nẵng. Sách này cũng ghi năm 1849, triều đình cho đặt bảy khẩu súng để coi xét mặt biển. Đến năm 1921, bức họa đồ kèm theo bài khảo cứu lũy phòng thủ trên đèo Hải Vân của tác giả Henri Cosserat đăng trên tập san chuyên nghiên cứu về Huế có tên Bulletin des amis du Vieux Hué (B.A.V.H) vẽ những khẩu súng hướng về vịnh Đà Nẵng.