Bất ổn gia tăng tại Burkina Faso sau đảo chính

Tình hình tại Burkina Faso càng thêm bất ổn sau cuộc đảo chính hôm 30/9, lần thứ hai kể từ đầu năm 2022. Liên hợp quốc (LHQ) và nhiều nước lên án hành động chiếm quyền bằng vũ lực, kêu gọi các bên tại Burkina Faso kiềm chế bạo lực, tìm kiếm cơ hội đối thoại để khôi phục hòa bình và ổn định.
0:00 / 0:00
0:00
Quân đội Burkina Faso bảo vệ an ninh trên đường phố Thủ đô Ouagadougou. Ảnh: AFP
Quân đội Burkina Faso bảo vệ an ninh trên đường phố Thủ đô Ouagadougou. Ảnh: AFP

Đảo chính liên tiếp

Tối 30/9, một nhóm binh sĩ nổi dậy ở Burkina Faso thông báo trên đài phát thanh và truyền hình quốc gia rằng, Trung tá Paul-Henri Sandaogo Damiba, người đứng đầu chính quyền quân sự nước này đã bị cách chức. Ông Damiba bị loại khỏi vị trí Chủ tịch Phong trào yêu nước nhằm bảo vệ và khôi phục (MPSR), với lý do không có khả năng đối phó tình trạng hoạt động nổi dậy vũ trang ngày càng tồi tệ ở Burkina Faso.

Nhóm binh sĩ nổi dậy tuyên bố chỉ định Đại úy Ibrahim Traore giữ chức Chủ tịch MPSR và thành lập chính quyền quân sự mới để điều hành đất nước. Lực lượng đảo chính cũng thông báo đóng cửa biên giới quốc gia vô thời hạn, đình chỉ Hiến pháp và giải thể chính quyền cũ. Lệnh giới nghiêm được lực lượng đảo chính ban bố, tất cả hoạt động chính trị, xã hội tại Burkina Faso bị đình chỉ.

Một ngày sau diễn biến căng thẳng, ngày 1/10, lực lượng ủng hộ Đại úy Traore cáo buộc Trung tá Damiba ẩn náu tại một căn cứ quân sự của Pháp ở Burkina Faso và đang lên kế hoạch phản công sau khi bị lật đổ. Cùng ngày, truyền thông Burkina Faso đưa tin, một vụ cháy xảy ra ở Đại sứ quán Pháp kèm theo nhiều tiếng súng nổ.

Quân đội Burkina Faso kêu gọi các phe phái trong lực lượng vũ trang quốc gia chấm dứt hành động thù địch, duy trì đàm phán sau cuộc đảo chính mới nhất. Tuyên bố từ văn phòng truyền thông của quân đội Burkina Faso mô tả tình hình hiện nay là “cuộc khủng hoảng nội bộ trong các lực lượng vũ trang quốc gia”.

Burkina Faso rơi vào bất ổn nhiều năm nay và liên tiếp hứng chịu các cuộc tấn công của các nhóm thánh chiến có liên kết với mạng lưới khủng bố al-Qaeda và tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS). Trung tá Damiba lên nắm quyền sau cuộc đảo chính hồi tháng 1/2022, với cam kết ưu tiên khôi phục và bảo đảm an ninh quốc gia. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực không giảm, gần đây lại có xu hướng gia tăng, nhất là khu vực miền bắc Burkina Faso.

Bất ổn gia tăng tại Burkina Faso sau đảo chính ảnh 1

Chủ tịch Ủy ban AU Faki Mahamat lên án sự thay đổi chính quyền tại Burkina Faso. Ảnh: SOCIAL NEWS

Lên án mạnh mẽ

Pháp phủ nhận mọi liên quan tới diễn biến tình hình tại Burkina Faso hiện nay, khẳng định không bảo vệ bất kỳ lực lượng nào ở quốc gia Tây Phi này, đồng thời bác bỏ thông tin nói Trung tá Damiba ẩn náu tại căn cứ quân sự Pháp. Người phát ngôn Chính phủ Pháp ra tuyên bố lên án hành vi bạo lực nhằm cơ quan ngoại giao Pháp và cho biết, một trung tâm xử lý khủng hoảng đã được thiết lập ở Thủ đô Ouagadougou của Burkina Faso để bảo đảm an ninh cho công dân Pháp.

LHQ đã lên án mạnh mẽ vụ đảo chính ở Burkina Faso. Người phát ngôn Tổng Thư ký LHQ cho biết, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres lên án mọi nỗ lực chiếm quyền bằng vũ lực, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế bạo lực và thúc đẩy đối thoại.

Lên án sự thay đổi chính quyền một cách vi hiến, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Moussa Faki Mahamat kêu gọi quân đội Burkina Faso chấm dứt lập tức và hoàn toàn mọi hành động bạo lực, đe dọa an toàn của dân thường, cũng như các quyền tự do dân sự của người dân. AU cũng kêu gọi Burkina Faso nỗ lực hơn nữa nhằm khôi phục trật tự Hiến pháp, muộn nhất là trước tháng 7/2023.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố nêu rõ: Mỹ quan ngại sâu sắc về những diễn biến hiện nay của tình hình Burkina Faso, nơi các sĩ quan và binh sĩ lật đổ lãnh đạo chính quyền quân sự. Mỹ kêu gọi những người có trách nhiệm tại Burkina Faso nhanh chóng làm dịu căng thẳng, ngăn chặn hành động gây tổn hại tới người dân, đồng thời khôi phục trật tự Hiến pháp.

Liên minh châu Âu (EU) cũng chỉ trích vụ đảo chính mới nhất tại Burkina Faso, nhấn mạnh rằng, hành động này gây nguy hiểm đối với những nỗ lực của khu vực, nhất là của Cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS), nhằm thúc đẩy và giám sát tiến trình chuyển tiếp tại Burkina Faso. EU kêu gọi các bên tại Burkina Faso tuân thủ cam kết đã đưa ra trong thỏa thuận nhất trí với ECOWAS, trong đó có mục tiêu khôi phục trật tự Hiến pháp tại Burkina Faso trước ngày 1/7/2023.