Bắt đầu “nóng” chuyện vé xe Tết

Khoảng 2 tuần nữa mới đến cao điểm đi lại Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 nhưng nhiều hãng xe lớn chạy tuyến Thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền trung, Tây Nguyên đã hết vé giường nằm. Còn với các bến xe lớn tại thành phố cam kết bảo đảm đủ xe phục vụ người dân đi lại…
0:00 / 0:00
0:00
Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu “nóng” chuyện đi lại của người dân trong dịp cao điểm Tết Giáp Thìn 2024.
Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu “nóng” chuyện đi lại của người dân trong dịp cao điểm Tết Giáp Thìn 2024.

Xe khách “cháy” vé giường nằm

Ghi nhận chiều 18/1, tại Bến xe Miền Đông mới (thành phố Thủ Đức), các quầy vé của các hãng xe thương hiệu như Phương Trang, Chín Nghĩa, Thuận Thảo… đi các chặng từ Thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh miền trung đều thông báo đã hết vé giường nằm trong các ngày cao điểm Tết (ngày 6 đến 9/2, tức ngày 27 đến 30 Tết), thậm chí một số hãng hết vé giường nằm từ ngày 20 tháng Chạp.

Cụ thể, hãng xe khách Phương Trang thông tin, vé xe giường nằm Thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền trung như Đà Nẵng, Huế, Quy Nhơn, Quảng Ngãi, đã hết vé từ ngày 30/1 (ngày 20 tháng Chạp). Trong khi đó, hãng xe Chín Nghĩa cũng thông báo hết vé giường nằm từ ngày 23 đến 29 Tết với tuyến Thành phố Hồ Chí Minh - Quảng Ngãi.

“Tôi ra bến xe Miền Đông mới mua vé xe giường nằm về Quảng Ngãi ngày 27 Tết nhưng hãng xe Chín Nghĩa báo đã hết sạch, đành mua vé xe tăng cường của các đơn vị vận tải ủy thác cho bến xe bán”, anh Mạc Văn Bình (làm việc tại Khu công nghiệp Tân Bình) chia sẻ.

Cùng cảnh ngộ, chị Thái Thu Hiền (ngụ Quận 8) thông tin, dù ra trực tiếp bến xe mua vé cả tuần nay cho cả nhà về Đà Nẵng trong ngày 25 Tết nhưng xe khách Phương Trang báo đã hết vé giường nằm. Hiện, họ cho biết đang lên kế hoạch tăng cường xe Tết phục vụ hành khách đi lại. Tuy nhiên, chị Hiền cũng không chắc có mua được vé hay không do nhu cầu đi lại ngày Tết tăng cao. Còn mua vé trôi nổi ở ngoài không yên tâm do sợ vé giả, bị chặt chém…

Tương tự, tại Bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh) hiện chỉ còn hơn 40 tuyến hoạt động sau khi phần lớn tuyến đã được di dời qua bến xe Miền Đông mới. Các hãng xe như Chí Tâm, Quốc Phong, Quyết Thắng,… chạy tuyến Thành phố Hồ Chí Minh lên Tây Nguyên (Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk) cũng “cháy” vé, chỉ một số hãng còn ít vé từ ngày 27 Tết trở về trước.

Nhu cầu đi lại của người dân đối với các loại hình vận tải hành khách khác tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng tăng cao so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, Sở Giao thông vận tải thành phố dự báo, dịp cao điểm Tết Nguyên đán 2024, tại ga Sài Gòn ước tính sản lượng thông qua ga bình quân 4.600 hành khách/ngày, tương đương cùng kỳ. Còn tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất dự báo phục vụ khoảng 140.000 hành khách/ngày, tăng 8% so với cùng kỳ. Bến phà Cát Lái (nối với tỉnh Đồng Nai) ước tính đón khoảng 54.000 lượt khách/ngày, tương ứng 197 chuyến, tăng 7,6% so với cùng kỳ; Phà Bình Khánh (huyện Nhà Bè qua huyện Cần Giờ) phục vụ bình quân 100 chuyến/ngày và 22.500 lượt hành khách.

Bắt đầu “nóng” chuyện vé xe Tết ảnh 1

Bến xe Miền Đông mới ngày giáp Tết.

Cam kết đủ xe

Theo kế hoạch của Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian phục vụ cao điểm đi lại của hành khách là 10 ngày trước và

10 ngày sau Tết. Tại các bến xe khách liên tỉnh trên địa bàn thành phố, dự báo dịp Tết Nguyên đán năm nay phục vụ bình quân 71.946 hành khách/ngày với 3.030 chuyến xe, tăng 18% lượng hành khách so với cùng kỳ.

Để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm đề nghị các bến xe khách liên tỉnh trên địa bàn chủ động xây dựng và triển khai phương án phục vụ Tết, đồng thời, thường xuyên trao đổi với bến xe đầu tuyến thuộc các tỉnh, thành phố nơi đến để cập nhật tình hình tổ chức vận tải hành khách theo tuyến cố định, kịp thời điều động xe khách tăng cường nhằm đáp ứng tình hình đi lại tăng cao của hành khách.

Tại Bến xe Miền Đông mới, dự kiến có gần 110.000 lượt khách lưu thông qua bến xe trong 20 ngày cao điểm trước và sau Tết (tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái).

Trước lo ngại về tình trạng khan hiếm vé, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông mới Nguyễn Lâm Hải khẳng định, Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco - trực tiếp quản lý, khai thác bến xe) sẽ sử dụng vé do Samco phát hành, tổ chức bán vé trước trên một số tuyến đường có nhu cầu tăng đột biến, các tuyến đường có nhu cầu của hành khách nhưng đơn vị vận tải không có phương tiện đưa vào phục vụ. Đồng thời, bến xe đề nghị các đơn vị vận tải tăng cường phương tiện dự phòng để giải tỏa khách trong trường hợp có biến động tăng. Bến xe lưu ý hành khách nên vào bến mua vé để tránh tình trạng bị nâng giá vé lên cao và nhồi nhét khi lên xe. Về giá cước, dự kiến mức phụ thu sẽ từ 40 đến 60% để bù chiều chạy rỗng.

Còn tại Bến xe Miền Đông cũ, dự báo sản lượng hành khách qua bến dịp cao điểm Tết tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, lượt hành khách xuất bến dự kiến đạt hơn 181.000 hành khách trong 20 ngày trước và sau Tết.

Theo Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông cũ Đỗ Phú Đạt, đến nay, bến xe đã tiếp nhận 21/75 đơn vị kê khai tăng giá cước. Theo thông tin từ các đơn vị xe khách, lượng hành khách đặt chỗ các ngày 26, 27, 28 tháng Chạp đạt gần 100%, riêng các ngày cao điểm từ 26 tháng Chạp trở về trước đạt hơn 70% theo kế hoạch đề ra. Mặt khác, bến xe nhận được thông tin từ 8/75 đơn vị vận tải hoạt động tại bến chuẩn bị kế hoạch tăng cường xe dịp Tết Nguyên đán, dự báo vào các ngày 2 đến 7/2/2024 (23-28 tháng Chạp).

Trong khi đó, Phó Giám đốc bến xe Miền Tây Trần Văn Phương cho hay, dịp Tết Nguyên đán 2024, bến xe dự kiến đón hơn 780.000 lượt khách (tăng gần 30% so với cùng kỳ). Lượng khách tăng cao nhất trong các ngày 27, 28 và 29 tháng Chạp với trung bình hơn 45.000 lượt/ngày. Dự báo, lượng khách đi lại những ngày cao điểm Tết có thể lên đến 60.000 lượt và bến xe phải điều xe tăng cường, bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của hành khách.

Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh) Đỗ Ngọc Hải khẳng định, các bến xe lớn trên địa bàn thành phố như bến xe Miền Tây, Miền Đông, Ngã tư Ga, Miền Đông mới đều bảo đảm đủ xe phục vụ khách đi lại.

Mặt khác, đề nghị Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng thành phố phối hợp các đơn vị liên quan điều chỉnh biểu đồ các tuyến xe bus tới các điểm vui chơi, bến xe khách, ga đường sắt Sài Gòn, Cảng Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất... bảo đảm tốt nhu cầu di chuyển của khách trong dịp Tết.

Về phía ngành hàng không, Cục Hàng không Việt Nam sẽ tiếp tục điều chỉnh tham số điều phối giờ cất, hạ cánh (slot) tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, trên cơ sở đánh giá nhu cầu vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam và năng lực phục vụ của các đơn vị, để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao của người dân trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Cụ thể, từ ngày 1 đến hết ngày 21/2 (tức 22 tháng Chạp đến hết ngày 12 tháng Giêng), tăng slot tại Tân Sơn Nhất với các khung giờ ban ngày (6 giờ -23 giờ 55 phút) từ 44 slot/giờ thành 46 slot/giờ; các khung giờ đêm (0 giờ-5 giờ 55 phút) từ 40 slot/giờ thành 42 slot/giờ. Khi đó, Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được xác nhận thêm 48 slot/ngày, tương đương với khoảng 10.000 ghế/ngày để bổ sung thêm vào các đường bay có tỷ lệ đặt chỗ cao, góp phần không để xảy ra tình trạng người dân chậm về quê ăn Tết do không có phương tiện vận chuyển.

Còn đối với ngành đường sắt, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn Thái Văn Truyền cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân về quê đón Tết Giáp Thìn 2024, ngành đường sắt tổ chức chạy thêm sáu chuyến tàu từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Hà Nội, Vinh, Phan Thiết và nối thêm toa tàu, với hơn 7.000 chỗ.

Theo đó, chạy thêm tàu TN4, SE24 từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Hà Nội ngày 30/1 (nhằm ngày 20 tháng Chạp); tàu SE14, SE16 từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Vinh ngày 31/1 (nhằm ngày 21 tháng Chạp); tàu SPT4 từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Phan Thiết các ngày 11 và 12/2 (nhằm ngày mồng 2, 3 tháng Giêng).