Bất cập cầu vượt cho người đi bộ

Cầu vượt dành cho người đi bộ từng được trông đợi sẽ góp phần giải tỏa ách tắc, hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Tuy nhiên, thực tế ở nhiều nơi loại công trình này chưa cho thấy hiệu quả sử dụng.

Cần siết chặt quản lý để cầu vượt dành cho người đi bộ phát huy hiệu quả.
Cần siết chặt quản lý để cầu vượt dành cho người đi bộ phát huy hiệu quả.

Thiếu hiệu quả

Đối với những ai thường xuyên di chuyển qua ngã tư Xuân Thủy - Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) chắc không lạ tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra thường xuyên, dù không phải giờ cao điểm. Nguyên nhân là do khu vực này tập trung nhiều trường đại học lớn, cứ đến giờ tan học là tình hình giao thông càng thêm phức tạp. Chỉ một đoạn đường ngắn nhưng lại tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm và gây áp lực cho người qua đường. Thực trạng là vậy, nhưng tại đây lại không có cầu vượt dành cho người đi bộ khiến nhiều người cảm thấy bất an khi sang đường.

Trong khi đó, ở nút giao Lương Định Của - Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa) có một cây cầu bộ hành xây dựng đã nhiều năm nhưng vắng bóng người qua lại. Điều tương tự cũng xảy ra ở cầu vượt Giảng Võ - Ngọc Khánh (quận Ba Đình), dù được xây dựng hiện đại nhưng số người sử dụng trong giờ cao điểm lại không nhiều. Đây là những thí dụ cho việc xây dựng cầu đi bộ chưa sát với thực tế, khi những nơi có nhu cầu qua lại nhiều thì chưa được đầu tư, còn những nơi vắng người đi bộ thì lại xây lắp.

Không chỉ bất cập về tình trạng nơi cần nhưng không có, nơi có thì không cần, những cây cầu đi bộ ở nhiều nơi trên địa bàn thành phố cũng đang bị sử dụng sai mục đích. Nơi thì bị biến thành quán nước, nơi thì trở thành chốn... hẹn hò. Không ít cầu vượt đi bộ ban ngày thưa thớt người qua lại, nhưng đến tối lại trở thành tụ điểm ưa thích của các bạn trẻ, phần lớn là sinh viên đến để trò chuyện và hóng mát. Điển hình như cầu đi bộ trên phố Trần Đại Nghĩa, trước cổng Trường đại học Kinh tế quốc dân còn trở thành nơi để kinh doanh trà đá, nước giải khát. Cùng với đó, cầu đi bộ cũng trở thành nơi treo những tấm biển quảng cáo khổ lớn của nhiều nhãn hàng khiến khoảng thoáng hai bên, bên trong cầu vượt đi bộ như một cái hộp. Vào ngày nắng thì nóng bức, vào ngày mưa thì ẩm ướt, thậm chí do bị bịt kín hai bên nên nhiều cầu đi bộ đang trở thành tụ điểm của nhiều loại tệ nạn xã hội…

Cần quản lý chặt chẽ

Mới đây, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã có văn bản trả lời Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội về việc thẩm định chủ trương đầu tư dự án xây dựng ba cầu vượt cho người đi bộ kết hợp đi xe đạp qua sông Tô Lịch, và dự án xây dựng ba cầu vượt cho người đi bộ. Hiện tại, nhu cầu di chuyển qua đường Láng để sang phần đường đi bộ ven sông Tô Lịch cũng như nhu cầu đi bộ, đi xe đạp qua sông Tô Lịch để sang làn đường đi bộ, đi xe đạp của người dân là rất lớn. Vì thế, việc đầu tư xây dựng cầu vượt cho người đi bộ ở khu vực này là cần thiết. Tổng mức đầu tư dự án là hơn 36 tỷ đồng, được lấy từ ngân sách thành phố, dự kiến sẽ được khởi công và hoàn thành giai đoạn 2019 - 2020.

Những năm trước đây, khi thành phố tiến hành đầu tư xây dựng hàng loạt cầu vượt dành cho người đi bộ, đã có nhiều ý kiến cho rằng chúng không hiệu quả và làm mất mỹ quan đô thị. Và thực tế, đã có những nơi, khi cầu xây xong không được nhiều người sử dụng.

Điều đáng nói, chi phí xây dựng mỗi cây cầu đi bộ khoảng 7 - 10 tỷ đồng (tùy vào quy mô và thiết kế của cầu) là một con số không hề nhỏ, nhất là chỉ để phục vụ việc qua đường của người dân. Vì thế, nếu ý thức của người đi bộ không cải thiện thì có lẽ thành phố đầu tư bao nhiêu cũng không đủ. Cách đây vài năm, dư luận có nhiều ý kiến khác nhau về việc người đi bộ đi sai luật cũng có thể bị xử phạt từ 60.000 - 80.000 đồng. Nhưng đến nay mọi việc lại “đâu vào đấy”, không ai xử phạt, người đi bộ tiếp tục dửng dưng, còn nhà đầu tư thì vẫn cho xây những cây cầu mới.

Mặc dù những cây cầu bộ hành được xây lên với nhiệm vụ giúp giải tỏa giao thông trong thành phố, nhưng có lẽ loại công trình này chưa thể làm tròn trọng trách. Có thể thấy, sự thiếu sót trong khâu quản lý và sử dụng đã khiến những cây cầu có chi phí hàng tỷ đồng trở nên lãng phí và ngày càng rời xa những kỳ vọng ban đầu. Vì thế, rất cần sự phối hợp, điều hành của các cơ quan chức năng trong việc nâng cao hiệu năng hoạt động của những cây cầu đi bộ, tránh lãng phí, đầu tư tràn lan nhưng sau đó không ai quản lý, sử dụng.