Kỷ niệm 79 năm Quốc khánh 2/9 và 55 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Báo xưa “kể chuyện” dịp Tết Độc lập (kỳ 3)

Kỳ 3: Sôi nổi không khí kỷ niệm trong kháng chiến
0:00 / 0:00
0:00
Báo Độc Lập, cơ quan tuyên truyền, tranh đấu, nghị luận của Việt Nam Dân chủ đảng trong Mặt trận Việt Minh, số 237, ra ngày 5/9/1946.
Báo Độc Lập, cơ quan tuyên truyền, tranh đấu, nghị luận của Việt Nam Dân chủ đảng trong Mặt trận Việt Minh, số 237, ra ngày 5/9/1946.

Khi bắt đầu thực hiện bài viết, chúng tôi hy vọng sẽ được tiếp cận những tư liệu quý trên báo chí cách mạng đúng dịp Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9/1945. Tuy nhiên theo nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng, ở thời điểm đó, báo chí cách mạng đều phải hoạt động bí mật. Sau này, trong những năm kháng chiến chống Pháp, tư liệu lưu trữ được cũng rất hạn chế do bối cảnh lịch sử. Phải đến sau năm 1954, khi miền bắc được giải phóng, thông tin báo chí mới được lưu trữ đầy đủ hơn.

Năm đầu tiên có Tết Độc lập

Theo nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng, người Nam Định bây giờ hầu như không biết đến sự tồn tại của một tờ báo mang tên Nỗ Lực, tờ báo của ngành công thương Nam Định. Trong số 3, phát hành ngày 20/8/1946, tờ Nỗ Lực số đặc biệt 19/8/1946 có bài “Công thương với ngày kỷ niệm 19 tháng 8”:

… Cho nên, ngày 19 tháng tám phải là một ngày kỷ niệm vĩ đại, ngày kỷ niệm sự thành công của 80 năm cách mạng, ngày giải phóng giống nòi, ngày tự do của 25 triệu đồng bào, ngày QUỐC-KHÁNH của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

So với trận Bạch-Đằng thời nhà Trần, trận Đống-Đa của Nguyễn Huệ, cuộc Tổng khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của HỒ-CHỦ-TỊCH không kém phần oanh liệt. Một kỷ nguyên mới đã bắt đầu trong lịch sử dân tộc, một giai đoạn mới đã đến với chúng ta.

Bởi vậy cũng như các đoàn thể khác, giới công thương sửa soạn kỷ niệm ngày 19 tháng 8 một cách thực tưng bừng náo nhiệt.

Ở trang bên, tờ Nỗ Lực trang trọng đăng tải “Chương trình ngày Quốc khánh tại Nam-Định. Vào ngày 18/8/1946, từ 7 giờ 30 phút đến 9 giờ sáng là các chương trình “Khai mạc ngày kỷ niệm, cắt băng khai mạc diễn văn của ban Tổ-chức của U.B.H.C. Làm lễ trước Bàn thờ Tổ quốc. Đặt vòng hoa ở đài Kỷ niệm chiến sĩ”; “Thiếu nhi Duyệt Binh U.B.H.C cùng các thân sĩ đại biểu các đoàn thể đi thăm các gian hàng và khánh thành phòng Triển lãm ở Thông Tin Tuyên Truyền”.

Từ 9 giờ đến 20 giờ, diễn ra hàng loạt sự kiện văn hóa, thể thao: “Bóng chuyền tay sân quần Câu Lạc Bộ. Thiếu nhi tập trận giả tại Công viên”; “Bóng bàn. Chọi gà. Cờ bỏi. Thi xe đạp lái khéo”; “Quần vợt ở sân quần Câu Lạc Bộ”; “Phát chẩn ở nhà thờ Chính sứ”; “Đốt pháo xanh đỏ ở Nhà Thờ, diễn kịch ở Câu Lạc Bộ, chiếu bóng, hát tuồng ở các rạp không lấy tiền”.

Sang ngày 19/8/1946, tại Nam Định tiếp tục diễn ra các chương trình kỷ niệm trong cả ngày, tiêu biểu có “Mít-tinh ở Công viên Biểu tình không mang võ khí”; “Một hồi còi dài hơn thường lệ, toàn dân im lặng hướng về nam, lễ cầu hồn tại các nhà Thờ và Đình Chùa”; “Biểu diễn võ ta, quyền kiếm, âm nhạc, ca hát tại Công viên”; “Chấm thơ, bình văn tại Công viên”…

Cuối trang báo, dưới các chương trình có dòng chữ: “Suốt ngày 18, 19 đủ các trò vui tại các gian hàng”.

Báo Độc Lập, cơ quan tuyên truyền, tranh đấu, nghị luận của Việt Nam dân chủ đảng trong Mặt trận Việt Minh, số 237, ra ngày 5/9/1946 có bài “Ngày độc lập tại Thủ-đô. Một cuộc duyệt binh vĩ-đại đầu tiên của nước Việt Nam. 50 vạn người đi biểu tình. Một rừng cờ và một rừng biểu-ngữ chói lọi mầu sắc”. Không khí đón mừng Ngày độc lập được tái hiện sinh động bằng những câu trần thuật:

Sáng mồng 2 tháng 9, tại vườn hoa Chí-Linh đã cử hành lễ duyệt binh. Từ sớm, mấy vạn người tới đứng đông nghịt xung quanh hồ Hoàn-Kiếm. Các quan khách lần lượt tới khán đài. Cụ quyền Chủ-tịch (Chủ tịch Hồ Chí Minh - PV), ông Võ-Nguyên-Giáp, tướng Thiết-Hùng, các ông Bộ trưởng cùng hai ông chánh, phó chủ-tịch U.B.H.C Hà Nội có tới dự. Các quan khách ngoại quốc có lãnh sự Mỹ, tướng Morlière, đại tá Crépin và các đại biểu Trung-Hoa.

... Buổi chiều, đúng hai giờ như năm ngoái có cuộc mít tinh tại công trường Nhà Hát Lớn. Mặc dầu trời nắng, các đoàn thể và các giới đều giữ trật tự rất đáng khen tại những nơi đã định trước. Thỉnh thoảng tiếng vỗ tay và hoan hô nổi lên vang dậy để chào mừng những chiếc xe hoa mới tới.

Đúng 2 giờ, cụ quyền Chủ-tịch nói mấy câu khai mạc. Tiếp lời cụ, ông Võ-Nguyên-Giáp đọc một bài diễn văn. Ông vạch rõ tình hình trong nước từ lúc khởi nghĩa đến nay, trải qua bao nỗi khó khăn. Ông nhắc lại những thắng lợi do chính quyền nhân dân đã đạt được, dưới quyền lĩnh đạo của Hồ-Chủ-tịch; ngoại giao sáng suốt, nội tình vững vàng, chế độ Ủy-ban được kết quả, những trở lực về tài chính, kinh tế, đều được vượt qua. Ông đã không quên chỉ dẫn những điểm chính của nhiệm vụ mới trong giai đoạn hiện thời.

Sau đó, cuộc biểu tình tuần hành bắt đầu. Các đoàn thể xếp hàng lần lượt kéo đi rất có kỷ luật dưới bóng một rừng cờ và biểu ngữ. Ta thấy các đoàn Công nhân, Tự vệ, anh em Vệ quốc đoàn, Thiếu sinh, Thiếu nữ, Hướng đạo, Phụ lão, các giới Công chức, đoàn thanh niên Việt Nam, Cựu binh sĩ, Sinh viên.

Báo xưa “kể chuyện” dịp Tết Độc lập (kỳ 3) ảnh 1

Báo Nỗ Lực, tờ báo của ngành công thương Nam Định, số 3, phát hành ngày 20/8/1946.

Tết Độc lập trong kháng chiến

Báo Cứu Quốc, cơ quan tuyên truyền, cổ động, tranh đấu của Trung ương Liên Việt và Tổng bộ Việt Minh, số 1640 ra ngày 8/9/1950 đăng tin “Khen thưởng huân chương nhân dịp Ngày Độc lập 2-9-1950”, phía dưới là tin chiến sự “Trên chiến trường Thủ đô trong 10 tháng: Gần 800 địch chết và bị thương, 36 tên bị bắt, nhiều lính địch sang hàng ta mang theo cả võ khí”. Gây ấn tượng là phần quảng cáo “Sắp có bán: Đặc san cứu quốc 19-8 và 2-9 kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Ngày Độc lập. Nhiều bài đặc sắc. Nhiều ảnh kèm. Bìa 3 mầu. 32 trang in trên giấy đặc biệt. Giá 100d”.

Trên trang nhất Báo Nhân Dân năm thứ nhất, số 23, ra ngày 2/9/1951 có bài “Kỷ niệm lần thứ 6 ngày thành lập nước cộng hòa dân chủ Việt Nam” của đồng chí Trường Chinh. Đồng chí viết:

Ngày 2 tháng 9 là một ngày vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Đó cũng là một ngày quan trọng trong lịch sử phong trào giải phóng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa.

Ngày ấy, chế độ cộng hòa dân chủ nhân dân thành lập đầu tiên ở một nước Đông Nam Á, một nước nông nghiệp và thuộc địa, nhân dân sống hàng nghìn năm dưới chế độ phong kiến và gần một trăm năm dưới ách thực dân.

... Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ-Chí-Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập ở vườn hoa Ba-Đình Hà-Nội. Tiếng nói Ba-Đình chẳng những đã mở ra một cuộc đời mới cho dân tộc Việt Nam, mà còn mở ra những triển vọng mới cho nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới.

... Nhưng nhân dân Việt Nam, nước Cộng hòa trẻ tuổi Việt Nam kiên quyết chiến đấu để tự vệ và bảo vệ hòa bình thế giới. Cuộc kháng chiến trường kỳ của Việt Nam đã nổ ra và hiện nay đang tiến mạnh trên giai đoạn thứ hai.

Bọn đế quốc tưởng dễ nuốt trôi Việt Nam, nhưng chúng lầm. Kế hoạch ăn cướp của chúng đã thất bại và ngày càng thất bại đau đớn, vì chúng không nhận thấy rằng trong 6 năm nay, nhiều thay đổi lớn đã diễn ra ở Việt Nam.

Do kinh nghiệm bản thân, nhân dân Việt Nam đã ghét cay ghét đắng bọn đế quốc và chế độ thuộc địa dã man của chúng. Họ “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!”.

Do kinh nghiệm bản thân, nhân dân Việt Nam đã nhận rõ chế độ dân chủ nhân dân rất thích hợp với quyền lợi của mình. Nó đã cải thiện một phần nào đời sống vật chất và tinh thần của họ. Cho nên họ chết sống bảo vệ chế độ đó, quyết đánh bại mọi mưu mô xâm lược của bọn đế quốc.

Cũng trong số này, có bài viết về cuộc đời và sự nghiệp đồng chí Phạm Văn Đồng; các bài về tình hình thời sự quốc tế quan trọng như “Nhiệt liệt ủng hộ thông điệp hòa bình của Liên-xô”, “Đế quốc Mỹ cố ý phá cuộc đàm phán Khai-thành”...

Số tiếp theo Báo Nhân Dân ra ngày 6/9/1951, cũng trên trang nhất, bên cạnh bài “Đẩy mạnh chiến tranh du kích” của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Báo Nhân Dân có bài “Mùa thu đến”, trong đó có đoạn:

Mùa thu đến làm cho ta nhớ những ngày sôi nổi và tưng bừng của Cách mạng Tháng Tám. Nó nhắc chúng ta trận thắng lớn ở biên giới năm qua. Song nó cũng nhắc chúng ta: mùa mưa ở bắc sắp hết, mùa lạnh sắp bắt đầu; địch thường hay lợi dụng thời tiết thuận lợi để tiến công ta. Vì vậy, ta phải tỉnh táo đề phòng.

Đặc biệt năm nay, dân ta thi đua vụ mùa thắng lợi, Chính phủ bắt đầu thu thuế nông nghiệp. Mùa thu đến nhắc dân quê chăm nom đồng ruộng để thu hoạch được nhiều, chuẩn bị chu đáo để nộp thuế nông nghiệp cho Chính phủ.

Đề phòng thu đông, chuẩn bị gặt vụ mùa thắng lợi, chuẩn bị nộp thuế nông nghiệp. Ba việc mà là một. Ba nhiệm vụ liên hệ mật thiết với nhau. Muốn gặt vụ mùa thắng lợi và nộp thuế nông nghiệp, phải đề phòng địch tiến công thu đông, càn quét, phá hoại mùa màng. Muốn nộp thuế nông nghiệp cho đầy đủ, nhanh chóng, phải gắng thu hoạch vụ mùa thắng lợi và giữ gìn lúa mới.

Báo Nhân Dân số 25, ra ngày 13/9/1951 dành trọn trang nhất đăng tải “Thư Trung thu gửi các cháu nhi đồng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cột tin “Liên-xô, Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân Đông Âu chúc mừng Ngày Độc lập của Việt Nam”. Bức thư được mở đầu bằng một đoạn thơ tâm tình của Bác:

Trung thu trăng sáng như gương.

Bác Hồ ngắm cảnh, nhớ thương nhi đồng,

Sau đây Bác viết mấy giòng,

Gửi cho các cháu, tỏ lòng nhớ nhung.

Trước hết, Bác nói cho các cháu biết rằng: Bác thường nhận được thư nhi đồng ở vùng tạm bị chiếm mách với Bác thực dân và bù nhìn hung ác thế nào, các cháu ấy khổ sở thế nào và đấu tranh oanh liệt thế nào. Những thư ấy làm cho Bác đau đớn, vì các cháu ấy bị đày đọa. Làm cho Bác vui lòng, vì các cháu ấy dũng cảm. Làm cho Bác và tất cả đồng bào càng căm ghét bọn thực dân và bù nhìn.

… Thế là: các anh các chị trong bộ đội, thì thi đua diệt giặc, để bảo vệ các cháu.

Các chú, bác, anh, chị ở hậu phương, thì thi đua tăng gia sản xuất để các cháu được ấm no.

Các cô, các thím, các anh, các chị ở Liên-xô,

Trung Quốc, các nước bạn và các nước khác cũng lo nghĩ đến các cháu.

Vậy các cháu nên thế nào?

Các cháu phải ghét, ghét cay ghét đắng bọn thực dân Pháp, bọn can thiệp Mỹ, bọn Việt-gian bù nhìn. Vì chúng nó mà ta khổ.

Các cháu phải yêu, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, yêu lao động.

Các cháu phải gắng, gắng giúp đỡ thương binh và gia đình chiến sĩ, gắng giữ gìn vệ sinh và giữ gìn kỷ luật, gắng học hành.

… Bác chúc các cháu vui khỏe và cố gắng.

Bác gửi các cháu nhiều cái hôn.

BÁC HỒ

Báo xưa “kể chuyện” dịp Tết Độc lập

Báo xưa “kể chuyện” dịp Tết Độc lập (Kỳ 2)