Kỷ niệm 79 năm Quốc khánh 2/9 và 55 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Báo xưa “kể chuyện” dịp Tết Độc lập (Kỳ 2)

Kỳ 2: Những luận giải cách mạng sâu sắc, khoa học
Các bài viết của đồng chí Trường Chinh và Nguyễn Khánh Toàn trên Báo Sự Thật số 117, ra ngày 19/8/1949.
Các bài viết của đồng chí Trường Chinh và Nguyễn Khánh Toàn trên Báo Sự Thật số 117, ra ngày 19/8/1949.

Trong tờ Sự Thật số 117, ra ngày 19/8/1949, bên cạnh trang đăng bài “Kế hoạch trung du Bắc bộ của địch” do đồng chí Trường Chinh chắp bút (phân tích mưu đồ, kế hoạch của thực dân Pháp trong động thái mở rộng phạm vi tấn công lên Bắc Giang, Bắc Ninh và Phúc Yên), có bài viết “Cách mạng Tháng Tám, một thành công lớn của khoa học cách mạng”, tác giả là đồng chí Nguyễn Khánh Toàn.

1/Đó là một tác phẩm công phu, phủ kín 3 trang báo, được đồng chí Nguyễn Khánh Toàn tổ chức thành các mục lớn gồm I-Lãnh đạo phong trào; II-Chủ trương và hình thức đấu tranh; III-Tổ chức những lực lượng chiến đấu.

Đồng chí Nguyễn Khánh Toàn đặt vấn đề:

Cách mạng là cốt để đạt nguyện vọng của một giai cấp tiến bộ hay của một dân tộc muốn sinh tồn và tiến bộ. Nguyện vọng đó thành đạt hay không trước hết là do ở chỗ ai đứng lên, từng lớp nào, giai cấp nào đứng lên tiêu biểu cho nguyện vọng đó để thực hiện nguyện vọng đó và thực hiện bằng cách nào? Nội dung của cách mạng, nghĩa là nhiệm vụ căn bản mà cách mạng phải giải quyết, là do những điều kiện xã hội thực tại của một nước định đoạt, nghĩa là xã hội đó, nước đó đang ở vào giai đoạn phát triển nào?

Trong gần một trăm năm bị thực dân Pháp cai trị, nguyện vọng tối cao của dân tộc ta là giành lại quyền độc lập. Nhưng qua các giai đoạn giải phóng trong lịch sử giải phóng dân tộc ở nước ta, ta thấy rằng những người đứng ra làm tiêu biểu cho nguyện vọng ấy trong từng thời kỳ, đều không giống nhau. Điều đó có quan hệ quyết định đến sự thành bại của phong trào.

Trong các phần luận giải chính sau đó, đồng chí Nguyễn Khánh Toàn điểm lại các cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược của vua quan triều Nguyễn; các phong trào “Đông du” và “Duy tân” của những sĩ phu tiến bộ; từ sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất đến năm 1930 là phong trào của trí thức tư sản và tiểu tư sản cấp tiến. Đồng chí phân tích những mâu thuẫn, khuyết điểm khiến các phong trào này thất bại, đồng thời khẳng định:

Từ 1941, nghĩa là sau khi mặt trận Việt-minh ra đời, nhiệm vụ của những nhà cách mạng Việt-nam dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch là cốt giải quyết những mâu thuẫn, khuyết điểm nói trên: Muốn giành độc lập phải củng cố vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân, giai cấp cách mạng nhất, làm cho công nông liên hiệp chặt chẽ và thành lập một mặt trận dân tộc rất rộng rãi, bao hàm tất cả các tầng lớp, các xu hướng và các tôn giáo của xã hội Việt-nam.

Cách mạng tháng Tám thành công tức là đã giải quyết được một cách thắng lợi và huy hoàng sự mâu thuẫn giữa nội dung của cách mạng và quyền lãnh đạo cách mạng.

… Từ 1941, tất cả những hình thức chiến đấu được vận dụng và phối hợp rất hợp lý và mềm dẻo, tùy từng địa phương, tùy từng lúc, tùy từng tầng lớp. Cái đặc sắc là trong những cuộc chiến đấu hàng ngày, những người lãnh đạo phong trào đã giáo dục quần chúng đi từ cuộc đấu tranh giành những quyền lợi thiết thực đến những cuộc đấu tranh bằng võ trang, từ cục bộ đến toàn diện, từ những sự đòi hỏi hàng ngày đến tổng khởi nghĩa. Cái đặc sắc thứ hai là trong cuộc đấu tranh cách mạng, đã nẩy ra những căn cứ địa, là cơ sở chính quyền nhân dân cách mạng đầu tiên và là cơ sở chuẩn bị tổng khởi nghĩa.

Cách mạng tháng Tám là một cuộc thắng lợi huy hoàng của chủ trương và chính sách đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc toàn diện.

… Mặt trận Việt-Minh ra đời là cả một thắng lợi vĩ đại và lịch sử của phong trào dân tộc giải phóng ở nước ta về phương diện tổ chức lực lượng chiến đấu để đi đến thắng lợi. Mặt trận gồm không phải một chính đảng, mà tất cả các chính đảng và toàn thể quần chúng phản đế khác nhau, tổ chức theo nghề nghiệp hay địa vị xã hội, hơn nữa cả tư sản bản xứ, địa chủ cũng đều được tổ chức. Mặt trận không những gồm các chính đảng và tổ chức nghề nghiệp, mà cả các tôn giáo, dân tộc.

Trong lịch sử phong trào giải phóng dân tộc ở các nước nhỏ yếu, ít thấy có một mặt trận dân tộc rộng rãi như thế.

Dưới sự lãnh đạo của mặt trận Việt-Minh mà Hồ Chủ tịch là người sáng lập và linh hồn, Cách mạng tháng Tám thành công là sự thắng lợi của cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc toàn dân.

Báo xưa “kể chuyện” dịp Tết Độc lập (Kỳ 2) ảnh 1

Trang bìa Báo Sự Thật (tiền thân của Báo Nhân Dân) số 117, ra ngày 19/8/1949.

2/Trong bài “Chính quyền nhân dân, một sự nghiệp vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám” đăng trên các trang 14-15 báo Sự Thật số 117, ra ngày 19/8/1949, tác giả Nhân Chính nhìn nhận:

… Sự nghiệp lớn lao của Cách mạng tháng Tám là đã thay thế chế độ thực dân, phong kiến bằng chế độ dân chủ nhân dân. Chính quyền nhân dân lấy dân làm gốc, dựa vào sự đoàn kết của toàn dân chống lại bọn phản quốc bên trong và bọn phản động bên ngoài. Nó đem lại cho dân tộc một khả năng phát triển rất lớn về mọi phương diện: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa xã hội, nhịp theo với sự tiến bộ chung của lực lượng dân chủ nhân dân thế giới.

Chính quyền nhân dân xuất hiện ở nước ta không phải là một sự ngẫu nhiên. Nó là kết quả của quá trình tranh đấu liên tiếp chống chủ nghĩa đế quốc trong 80 năm của dân ta, đặc biệt là trong 20 năm trở lại đây…

… Chúng ta có thể kết luận:

Chính quyền nhân dân dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch tự trong nhân dân đứng lên và vì lợi ích nhân dân là một lực lượng không gì lay chuyển nổi. Trong cuộc kháng chiến, những ưu điểm của nó được phát triển cũng như những khuyết điểm của nó được gột rửa. Nó lãnh đạo nhân dân tiến trên con đường tranh thủ độc lập, thống nhất, dân chủ, phú cường. Ngày thắng lợi đang chờ đợi chúng ta.

3/Trong bài “Hoàn thành nhiệm vụ Cách mạng tháng Tám” trên trang 3 Báo Sự Thật số 139, ra ngày 19/8/1950, đồng chí Hoàng Tùng, người sau này trở thành Tổng Biên tập Báo Nhân Dân cho rằng:

Nhiệm vụ Cách mạng tháng Tám là giải phóng hoàn toàn đất nước, thực hiện chế độ dân chủ nhân dân; bước đường sẽ tới của nó là xã hội chủ nghĩa.

Thắng lợi tháng 8-1945 của ta là một thắng lợi lịch sử vĩ đại và căn bản, nhưng nó mới chỉ là thắng lợi đầu tiên.

Cuộc kháng chiến trường kỳ hiện nay là để hoàn thành nhiệm vụ Cách mạng tháng Tám, tiếp tục sự nghiệp của những anh hùng liệt sĩ đã bỏ mình cho khởi nghĩa tháng Tám thành công. Cuộc kháng chiến đến nay đã 5 năm. Nhân dân ta lớn lên trong khói lửa. Nhưng sự nghiệp lớn vẫn chưa hoàn thành. Chúng ta đang chuyển mạnh cuộc kháng chiến sang giai đoạn tổng phản công giữa lúc lực lượng hòa bình, dân chủ thế giới đã rõ ràng mạnh hơn lực lượng phe đế quốc phản dân chủ, và đang ở thế phát triển ngày càng khả quan. Tình hình quốc tế hiện nay rất thuận tiện cho kháng chiến của ta. Những điều kiện thuận tiện mới ở trong nước là: khối đoàn kết toàn dân trở nên rất kiên cố, mặc dầu quân thù tìm hết cách chia rẽ, lực lượng vũ trang của ta mạnh lên gấp trăm lần năm khởi nghĩa về số lượng cũng như về chất lượng, chính quyền nhân dân vững chãi thêm trong kháng chiến, giai cấp công nhân và bộ tham mưu của nó – hàng ngũ phát triển và củng cố, được tôi luyện trong đấu tranh, nhất là đấu tranh vũ trang, được quảng đại nhân dân tin cậy và ủng hộ. Cuộc kháng chiến đã thật sự là một cuộc chiến tranh nhân dân rộng rãi, v.v...

(Còn nữa)

Báo xưa “kể chuyện” dịp Tết Độc lập (Kỳ 1)