Bảo vệ và hỗ trợ khối doanh nghiệp tư nhân

Chính phủ vừa ban hành Chương trình hành động phát triển kinh tế tư nhân với mục tiêu có 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân là 55% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Theo các doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế, đây là mục tiêu cao, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn.
0:00 / 0:00
0:00
Khu vực kinh tế tư nhân đã có nhiều thương hiệu mạnh, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội.
Khu vực kinh tế tư nhân đã có nhiều thương hiệu mạnh, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội.

Chính phủ vừa công bố Nghị quyết 45/NQ-CP (Nghị quyết 45) ngày 31/3/2023 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị Trung ương 5 khóa XII của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết 10).

Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025 có 1,5 triệu doanh nghiệp, đến năm 2030 có ít nhất hai triệu doanh nghiệp. Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp 55% GDP vào năm 2025 và 60-65% GDP năm 2030. Năng suất lao động tăng khoảng 5%/năm; hằng năm, khoảng 35-40% số doanh nghiệp tư nhân có hoạt động đổi mới sáng tạo…

Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân lần thứ hai năm 2023 do Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam tổ chức sáng 2/4/2023 với chủ đề “Để kinh tế tư nhân thật sự là động lực quan trọng của nền kinh tế trong tình hình mới”, chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết, kinh tế tư nhân đã đồng hành cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội cả nước qua nhiều thời kỳ và từ lâu đã được Đảng và Nhà nước ta xác định là “động lực quan trọng”.

Đến nay, khu vực kinh tế tư nhân đã có nhiều thương hiệu mạnh, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, như các tập đoàn Vingroup, Trường Hải Thaco, Hòa Phát, Masan, FPT, Vinamilk, BRG... Đội ngũ doanh nghiệp tư nhân ngày càng lớn mạnh. Hiện, cả nước có hơn 786 nghìn doanh nghiệp tư nhân (chiếm 98% trong tổng số khoảng 800 nghìn doanh nghiệp) đóng góp trung bình gần 46% GDP mỗi năm trong giai đoạn 2016-2021, riêng năm 2021 đóng góp 18,5% tổng thu ngân sách.

Tuy đã đạt được một số thành tựu nhất định, nhưng theo TS Cấn Văn Lực, mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025 là rất cao, là nhiệm vụ rất khó khăn đối với nền kinh tế và doanh nghiệp. Bởi lẽ, tại Nghị quyết 10, chúng ta đã từng đặt kế hoạch có một triệu doanh nghiệp, đóng góp 55% GDP vào năm 2020 nhưng chưa đạt được. Hiện tại mới có 800 nghìn doanh nghiệp, đóng góp khoảng 46% GDP.

Mặt khác, những năm gần đây tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân đang giảm, kinh tế tư nhân của Việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, vốn ít, sức chống chịu kém, năng lực hội nhập và cạnh tranh kinh tế quốc tế còn hạn chế, mức độ tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu ở mức thấp… Để đạt được chiến lược phát triển kinh tế tư nhân như trên, ông Lực cho rằng, Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường hoàn thiện thể chế, cải thiện thực chất, mạnh mẽ về môi trường đầu tư - kinh doanh, tiến tới “minh bạch, công bằng, ổn định, nhất quán, dự báo được, kịp thời và thực thi tốt” đối với các cơ chế, chính sách; đồng thời có cơ chế, chính sách và cách làm phù hợp để khuyến khích hộ kinh doanh nâng cấp thành doanh nghiệp.

Chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa nêu thực trạng, trong giai đoạn 2016-2020, khu vực kinh tế tư nhân có tỷ trọng vốn đầu tư trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng từ 38,9% lên 44,9% nhưng mức độ đóng góp vào GDP lại giảm từ 39,21% xuống còn 39,19%. Điều này cho thấy hiệu quả sử dụng vốn đầu tư chưa cao. Trong khi đó, khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có nguồn vốn đầu tư thu hẹp từ 23,6% xuống 21,5%, song đóng góp vào GDP lại tăng vững chắc từ 18,07% lên 20,13%.

Điều này báo hiệu xu hướng tăng trưởng kinh tế phụ thuộc ngày càng nhiều vào FDI. Điều này cũng cho thấy mặc dù Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) nhưng khu vực FDI tận dụng lợi thế của FTA tốt hơn nhiều so với các doanh nghiệp trong nước. Số liệu thống kê quý I/2023 cho thấy, 76% giá trị xuất khẩu của Việt Nam đến từ khối FDI, chỉ có 24% do doanh nghiệp trong nước làm ra. “Doanh nghiệp Việt đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt của doanh nghiệp nước ngoài, đòi hỏi Chính phủ phải có chiến lược dài hơi, cụ thể để phát triển kinh tế tư nhân, đặc biệt cần có cơ chế bảo hộ cho hàng hóa trong nước như bài học kinh nghiệm của Hàn Quốc, cả đất nước họ dùng điện thoại Samsung, đi xe Hyundai, xem tivi LG…”, ông Nghĩa khuyến nghị.

Từ góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG cho biết, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện nay đang quá khó khăn, từ nguồn vốn đến nâng cao sức cạnh tranh, chủ động chuỗi cung ứng, hội nhập quốc tế… Để doanh nghiệp tư nhân phát triển như mục tiêu Nghị quyết 45 đề ra thì Chính phủ cần có cơ chế khuyến khích, tạo môi trường kinh doanh thân thiện để kinh tế cá thể phát triển thành doanh nghiệp chứ không thể tăng gấp đôi số lượng doanh nghiệp bằng cách chờ đợi doanh nghiệp mới thành lập chỉ sau hai - ba năm.

Trao đổi ý kiến với phóng viên, ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Tập đoàn bất động sản Đông Á, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đề nghị, Chính phủ cần chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giảm thêm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. “Trong bối cảnh hiện nay, phần lớn doanh nghiệp tư nhân đang ốm yếu, suy kiệt, ngân hàng cần giảm biên lợi nhuận ròng (NIM), giảm trích lập dự phòng để có thêm dư địa giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp”.

Ngoài ra, ông Đoan cũng cho rằng, cần có chính sách ưu đãi phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa vì khu vực này chiếm đến 95% tổng số doanh nghiệp tư nhân, đây chính là khối doanh nghiệp cần được bảo vệ và hỗ trợ phát triển, để nền kinh tế giảm sự phụ thuộc vào khối doanh nghiệp FDI.