Bảo vệ nguồn tài nguyên nước

“Đo đếm từng hạt mưa - Chắt chiu từng giọt nước”, thông điệp của Ngày Nước thế giới (22-3) và Ngày Khí tượng thế giới (23-3) đã cùng chia sẻ chủ đề: Khí hậu và Nước. Đây là một trong những mục tiêu toàn cầu về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu (BĐKH) và giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt vẫn xảy ra ở các thành phố lớn.
Tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt vẫn xảy ra ở các thành phố lớn.

Thiếu nước sạch sinh hoạt

Hiện nay, tại các thành phố lớn, nhất là tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nhiều nơi vẫn đang thiếu nước sạch sinh hoạt. Việc khoan giếng lấy nước ngầm xảy ra tràn lan, không những gây thất thoát, lãng phí mà còn có nguy cơ làm ô nhiễm nguồn nước. Chưa kể, trên khắp cả nước, đâu đâu cũng thấy những bãi rác, nơi chôn cất, xử lý rác thải không được thực hiện theo đúng quy định và quy trình bảo vệ môi trường. Một trong những hệ lụy là hệ thống sông, hồ bị ô nhiễm, chất lượng nguồn nước bị suy giảm, hiện đã ở mức báo động.

Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội cho thấy, lượng nước thải mà cư dân Thủ đô cùng các nhà máy công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thải ra mỗi ngày lên đến 300.000 tấn. Trong lượng nước thải này chứa nhiều chất độc hại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, cụ thể mỗi năm, lượng chất thải thải ra các sông ngòi, ao hồ tự nhiên là 3.600 tấn hữu cơ, 317 tấn dầu mỡ, hàng chục tấn kim loại nặng, dung môi cùng nhiều kim loại khác.

Theo đánh giá, lượng nước thải sinh hoạt chiếm khoảng 350.000 - 400.000 m³ mỗi ngày và hơn 1.000 m³ rác mỗi ngày được thải ra ở khu vực Hà Nội, trong đó chỉ có 10% được xử lý, số còn lại đều bị đổ thẳng vào các ao, hồ, sông ngòi. Hiện chỉ có 5/31 bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải; 36/400 cơ sở sản xuất có hệ thống xử lý nước thải. Trong số các ao, hồ bị ô nhiễm và có dấu hiệu ô nhiễm trên địa bàn các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ, trong đó quận Đống Đa có số lượng ao, hồ có nguồn nước bị ô nhiễm nặng và rất nặng nhiều nhất.

Hiện nay, toàn thành phố có hơn 20 nhà máy và 15 trạm sản xuất nước, chủ yếu khai thác nguồn nước ngầm từ hơn 280 giếng, trong đó khu vực phía bắc sông Hồng có 24 giếng và khu vực phía nam sông Hồng có 227 giếng, khu vực Hà Đông, Sơn Tây, Xuân Mai có hơn 20 giếng. Tuy nhiên, với sản lượng nước hiện nay, nhiều hộ ở TP Hà Nội, nhất là các thị xã, thị trấn, thị tứ vẫn chưa được sử dụng nước sạch.

Theo PGS, TS Lê Trình, Viện Khoa học Môi trường và Phát triển Việt Nam (VESDEC), hiện nay tại Hà Nội có khoảng 20% số giếng khoan bị suy thoái, giảm lưu lượng cần được cải tạo thay thế. Nước dưới đất bị nhiễm bẩn hợp chất nitơ, đặc biệt là NH4+ rất nguy hại cho sức khỏe.

Cần sự chung tay cộng đồng

Mối liên hệ rõ ràng giữa nước và BĐKH trong một thời gian dài đã bị bỏ qua trong các hội nghị cấp cao về khí hậu quốc tế. BĐKH làm tăng cường độ và tần suất của thiên tai. Ủy ban Nước của LHQ (UN-Water) cũng dự đoán, hai phần ba dân số thế giới có thể bị ảnh hưởng bởi thách thức về nguồn nước vào năm 2025. Khi dân số toàn cầu tăng lên, nhu cầu về nước tăng cũng khiến tài nguyên thiên nhiên trở nên cạn kiệt và tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra ở nhiều nơi.

Việt Nam được biết đến là một đất nước có rất nhiều bão, lũ hằng năm, đặc biệt có nhiều dòng sông chảy xuyên biên giới. Vì thế, công tác quan trắc, dự báo khí tượng - thủy văn luôn là nhiệm vụ khó khăn và phức tạp, đặc biệt trong bối cảnh BĐKH đang diễn ra và tác động đến các điều kiện tự nhiên. Hằng năm, LHQ đều chọn các chủ đề khác nhau cho Ngày Nước thế giới nhằm kêu gọi sự quan tâm của toàn thế giới về các vấn đề nóng liên quan tài nguyên nước mang tính toàn cầu. Cùng với đó là tìm kiếm các giải pháp quản lý bền vững nguồn nước, giúp giảm thiểu tác động và tăng tính thích ứng với BĐKH.

Nhấn mạnh những từ mang tính thức tỉnh như “đo đếm”, “chắt chiu”, chủ đề Ngày Nước thế giới năm 2020 cho thấy việc giải quyết các vấn đề về tài nguyên nước chính là chìa khóa giúp thích ứng tốt hơn, giảm tác động tiêu cực của BĐKH. Theo đó, các nhà hoạch định chính sách phải coi tài nguyên nước như một giải pháp thiết thực giúp thích ứng BĐKH. Riêng đối với cộng đồng, thông qua các hoạt động nhỏ hằng ngày như sử dụng tiết kiệm nước cũng đã góp phần nhỏ cho những hành động lớn về sau.