1/Trong mỗi viên pin (từ pin tiểu, pin đũa, pin trung đến pin đại,…) đều có những thành phần kim loại nặng như chì, kẽm, thủy ngân, thạch tín... Tùy vào kích cỡ pin khác nhau mà các thành phần này sẽ có khối lượng khác nhau. Khi những viên pin không được tiêu hủy đúng cách, thải thẳng ra môi trường có nguy cơ lớn gây ô nhiễm, từ đó gián tiếp ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Thủy ngân có thể gây ô nhiễm 500l nước hoặc 1m3 đất tới 50 năm, khi con người nhiễm độc thủy ngân sẽ ảnh hưởng đến não bộ, cơ quan sinh sản, nội tiết... Hay kim loại chì khi vào cơ thể có thể gây thiếu canxi, mục xương hoặc thay thế sắt trong máu gây thiếu máu... Khi đốt, các chất kim loại trong pin sẽ chuyển thành dạng khói độc gây ô nhiễm không khí, khiến cho con người tăng khả năng mắc các bệnh về đường hô hấp.
Nhận biết được mối nguy hại cùng những viên pin cũ gây ra, nhiều tổ chức cá nhân, nhà nước đã thành lập những điểm thu gom pin cũ để có thể đem đi tiêu hủy và tái chế đúng cách, nhằm bảo vệ môi trường và bảo vệ chính sức khỏe của chúng ta.
Tháng 3 vừa qua, Hội Phụ nữ phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình, Hà Nội) cùng Đoàn Thanh niên phường đã thành lập nhiều điểm tập kết có tên gọi “Nhà của pin” để người dân có thể thu gom pin đã qua sử dụng và được sự ủng hộ của người dân trên địa bàn. Những “ngôi nhà của pin” này là những hộp kim loại kín chống gỉ, có mái che, chịu được mưa nắng và được treo tại những vị trí đông dân cư, trang trí bắt mắt, giúp người dân có thể dễ dàng tập kết chất thải rắn này.
Sau hai tháng triển khai, “Nhà của pin” thu được hơn 80kg pin cũ các loại. Số pin này sẽ được đem thẳng đến các điểm thu pin của thành phố và tiêu hủy đúng nơi, tái chế theo đúng quy trình để bảo đảm an toàn cho môi trường. Việc truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường bằng từng viên pin ngay tại khu vực sinh sống sẽ giúp cho thế hệ trẻ hiểu hơn về trách nhiệm của bản thân trong việc nâng cao ý thức bảo vệ cuộc sống xanh và nhận thấy sự nguy hiểm khi thải những cục pin vào môi trường.
2/Để khuyến khích phong trào được sôi nổi hơn và người dân có động lực hơn, nhiều tổ chức, câu lạc bộ đã có những sự kiện đổi pin lấy quà. Mới đây, chương trình “Thu hồi pin cũ - Bảo vệ trái đất xanh 2023” được thương hiệu Cocoon và Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh phối kết hợp thực hiện. Với 10 viên pin đã qua sử dụng đem đến điểm thu đổi, khách hàng sẽ nhận được một phần quà là một sản phẩm dưỡng da đến từ thiên nhiên. Trong năm 2022, nhiều sự kiện “giải cứu pin cũ” đổi lấy cây sen đá, lấy sách cũ... cũng đã được thực hiện và thu được một lượng pin lớn đi tái chế theo đúng quy định. Những món quà không có giá trị lớn về mặt vật chất nhưng có tính khích lệ và cổ động, giúp cho mỗi người đều cảm thấy vui vẻ vì mình vừa làm được việc có ích.
Trước đây, mô hình “Nhà của pin” đã được các bạn trẻ tại phường Phước Ninh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) triển khai ở nhiều tuyến đường trên địa bàn và duy trì đến nay. Hay tại xã Vân Canh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) cũng đã lắp những mô hình này tại các điểm thu gom trên toàn xã.
Tuy nhiên, các mô hình thu gom hầu như diễn ra tại các thành phố lớn và cũng chưa được phủ rộng, những sự kiện hay các điểm thu gom pin cũ vẫn còn thiếu nhất quán, thiếu tính bền vững. Điều này phần nào gây khó khăn cho người dân đến trao pin.
Việc tạo ra nhiều điểm thu gom như “Nhà của pin” không chỉ hạn chế được số lượng pin bị vứt bừa bãi, mà còn tạo thuận tiện cho người dân, góp phần nâng cao ý thức của mọi người, giảm những tác động tiêu cực tới môi trường sống.
Trên địa bàn Hà Nội hiện có 5 địa điểm thu gom pin miễn phí và dài hạn là Nhà văn hóa phường Nghĩa Tân, đối diện số 45 phố Nghĩa Tân (phường Nghĩa Tân, Cầu Giấy); Nhà văn hóa phường Yên Hòa, số 288, đường Trung Kính (phường Yên Hòa, Cầu Giấy); UBND phường Quán Thánh, số 12-14 đường Phan Đình Phùng (Quán Thánh, Ba Đình); Bảo tàng Chiến thắng B52, số 157 Đội Cấn (Đội Cấn, Ba Đình) và UBND phường Thành Công, số 9 đường Thành Công (Thành Công, Ba Đình).