Ngập nước, kẹt xe, lại thêm sạt lở lan rộng
Ghi nhận của phóng viên trong cơn mưa chiều kéo dài đến tối 14/9, khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh xảy ra ngập nước, kẹt xe, người dân rất vất vả để có thể về nhà giờ tan tầm. Tại các tuyến đường như Quang Trung, Lê Văn Thọ, Nguyễn Văn Khối... (quận Gò Vấp) cơn mưa lớn làm ngập nước, kẹt xe khắp nơi, xe cộ đi lại khó khăn. Dòng xe từ các phía xung đột nhau khiến hàng nghìn người dân vật lộn dưới mưa.
Tương tự, các tuyến đường trên địa bàn quận Bình Thạnh, nhất là khu vực ngã tư Hàng Xanh vào Bến xe Miền Đông cũ xe cộ xếp hàng dài. Đường Hoàng Minh Giám (quận Phú Nhuận) kẹt xe kéo dài hơn 1 km, đoàn người chôn chân dưới trời mưa chờ qua quãng kẹt. “Mình ra về từ lúc khoảng 5 giờ chiều, về tới đường Hoàng Minh Giám thì gặp mưa lớn rồi kẹt cứng tới gần 7 giờ tối vẫn chưa về tới nhà”, anh Uông Văn Đức (quận Gò Vấp) ngán ngẩm nói.
Ở cửa ngõ TP Hồ Chí Minh, đường Lã Xuân Oai (TP Thủ Đức) ngập sâu từ 40-50 cm, mực nước dâng cao đến yên xe máy. Đây cũng là điểm đen về tình trạng ngập nước mỗi lần mưa lớn nhiều năm qua. Cùng cảnh ngộ, đường Nguyễn Xiển (TP Thủ Đức) ngập sâu đến nỗi xe chết máy hàng loạt. “Tuyến đường này cứ mưa lớn là ngập sâu trong nước. Rất mong cơ quan chức năng sớm nâng nền đường, đầu tư hệ thống cống thoát hoàn chỉnh để người dân bớt khổ”, chị Cù Thị Lý (sống trên tuyến đường Nguyễn Xiển) mong mỏi.
Phó trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh) Nguyễn Ngọc Minh Phú cho biết, thời gian qua, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm giải quyết tình hình ngập. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để tình hình ngập nước cần có lộ trình và kế hoạch triển khai từng năm phù hợp điều kiện của thành phố. Một số nguyên nhân chủ yếu gây nên tình hình ngập trên địa bàn thành phố như hệ thống thoát nước đã được đầu tư qua nhiều thời kỳ; có nhiều đường cống xây bằng gạch thẻ không đủ tiết diện để thoát nước; nhiều khu vực chưa có hệ thống thoát nước; việc lấn chiếm kênh rạch, cửa xả thoát nước làm ảnh hưởng khả năng thoát nước ở hạ lưu...
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Minh Phú, do tác động của biến đổi khí hậu, cường độ mưa rất lớn làm quá tải hệ thống thoát nước. Từ năm 2000 trở về trước, 5 năm mới xuất hiện một trận mưa cường độ hơn
95 mm, nhưng những năm gần đây thì năm nào cũng xuất hiện trên ba trận mưa hơn 100 mm, có những trận mưa trong vòng một giờ đồng hồ đã đạt hơn 150 mm. Mặt khác, hệ thống thoát nước của thành phố chưa được đầu tư hoàn thiện nên những khu vực chưa được đầu tư xong khi gặp mưa lớn vẫn xảy ra tình trạng ngập nước.
Ngập nước lâu nay không phải là chuyện xa lạ đối với người dân TP Hồ Chí Minh, nhưng hiện nay thành phố còn đối mặt với tình trạng sạt lở nghiêm trọng và liên tiếp, đe dọa cuộc sống của nhiều hộ gia đình. Theo một số chuyên gia, thành phố đang trả giá cho việc quy hoạch chưa khoa học, không theo quy luật tự nhiên.
Thực tế, tại khu vực bờ kè kênh Thanh Đa (quận Bình Thạnh), Trung tâm Quản lý đường thủy thuộc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh ghi nhận hiện tượng sụt lún, chuyển vị tiếp tục diễn biến phức tạp. Độ lún và chuyển vị đỉnh kè quá lớn đã làm mất ổn định công trình, phá vỡ các kết cấu chính. Lực lượng quan trắc đánh giá có thể hình thành khung trượt ở cả ba phương với tốc độ 2 cm/ngày. Nghĩa là bờ kênh Thanh Đa mỗi ngày đang sụt lún tới 2 cm.
Trước đó, Sở GTVT Thành phố Hồ Chí Minh cũng phát hiện thêm một vụ sạt lở mới cách cầu Phú Long khoảng 2 km về phía hạ lưu (Quận 12). Hiện trạng sạt lở dọc sông khoảng 40 m, sâu 20 m. Ngoài ra, khu vực này có một vết nứt rộng khoảng 6 - 10 cm, với chiều dài dọc sông khoảng 30 m. Nguyên nhân sơ bộ của vụ sạt lở được xác định do triều cường, dòng chảy mạnh và đất nền yếu.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố có đến 32 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch. Trong đó, có tám vị trí đặc biệt nguy hiểm, 24 vị trí nguy hiểm, tăng ba vị trí so với năm 2021 và gây ảnh hưởng đến 1.328 hộ dân. Đáng nói, bên cạnh những điểm sạt lở, sụt lún nghiêm trọng được đưa vào báo cáo, thỉnh thoảng, người dân lại phát hiện những điểm sụt lún tạo thành những hố sâu vài chục mét trên mặt đường, bên bờ kè hoặc bên tuyến cống gần nhà…
Khi nào các dự án mới hoàn thành
GS, TS Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Khoa học công nghệ và quản lý môi trường (Trường đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh) cho rằng, để giải quyết căn cơ tình trạng ngập, thành phố phải xây dựng được cơ chế thu hút các nguồn vốn xã hội đầu tư vào hệ thống thoát nước để có thể đồng bộ hóa toàn bộ hệ thống thoát nước cho thành phố. Bên cạnh đó, thành phố nên nghiên cứu xây dựng hồ chứa nước. “Nói tóm lại, thành phố cần phải dựa vào tự nhiên, thuận vào tự nhiên để chống ngập mới mang lại hiệu quả”, GS, TS Lê Huy Bá nhấn mạnh.
Về các giải pháp chống ngập nước, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh) Đỗ Tấn Long cho biết, UBND thành phố đã ban hành Đề án chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020 - 2045 và kế hoạch chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020 - 2030. Theo đó, mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025 là giữ vững kết quả đạt được, không để tái ngập tại các vị trí đã được giải quyết; tập trung giải quyết ngập bền vững cho vùng trung tâm thành phố rộng khoảng 106 km, cơ bản giải quyết thoát nước cho các vùng còn lại của thành phố.
Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ tập trung thực hiện các dự án, nâng cấp cải tạo hệ thống thoát nước giải quyết 18 tuyến đường ngập do mưa còn lại; xây dựng mới, hoàn thiện hệ thống thoát nước tại khu vực chưa có hệ thống thoát nước đặc biệt khu vực phía đông thành phố; nạo vét các trục tiêu thoát nước lớn nhằm tăng cường khả năng thoát nước cho khu vực trung tâm về phía nam. Đồng thời, tập trung thực hiện dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng ven rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật, quận Bình Thạnh và Gò Vấp); triển khai các dự án xây dựng hệ thống thoát nước lưu vực Tây Sài Gòn và lưu vực Tham Lương - Bến Cát.
Ngoài ra, tập trung cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi – Tẻ (giai đoạn 3) nhằm hoàn thiện hệ thống thoát nước, chỉnh trang đô thị cho các lưu vực trên; thực hiện nhiều dự án trọng điểm, trong đó, dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực thành phố có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu và dự án bờ tả sông Sài Gòn sẽ giải quyết ngập một vùng rộng lớn cho thành phố. Đến nay, các dự án này vẫn đang dang dở…
Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố áp dụng rất nhiều giải pháp chống ngập bao gồm cả giải pháp công trình, phi công trình và cả giải pháp huy động vốn. Bên cạnh đó, đã có nhiều hội thảo được tổ chức, thành phố cũng đã tiếp thu và xây dựng những kế hoạch ngắn hạn, trung hạn, dài hạn để từng bước thực hiện.
Về tình hình sạt lở, số liệu từ Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) cho thấy, việc khai thác nước ngầm đáng báo động, nhiều khu vực dù đã được lắp đặt đồng hồ nước nhưng các hộ gia đình lại không sử dụng nước sạch mà dùng nước giếng tự khoan; nhiều đồng hồ chỉ sử dụng mỗi kỳ từ 0 - 4 m³ nước. Năm 2022, tỷ lệ khai thác nước ngầm là 16%, trong 5 tháng đầu năm 2023 xấp xỉ 15%. Việc vận động người dân sử dụng nguồn nước sạch thay vì khai thác nước ngầm được nhận định là quá trình khó khăn, nhiều thách thức.
Trước mức độ nguy hiểm tại các điểm sạt lở, đặc biệt mùa mưa bão này, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường yêu cầu các chủ đầu tư đang triển khai thực hiện các dự án kè chống sạt lở, gồm: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông; Ban Quản lý đầu tư xây dựng khu vực TP Thủ Đức, huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt và sớm triển khai thi công các dự án kè phòng, chống sạt lở thuộc thẩm quyền để sớm đưa vào sử dụng, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản người dân. Sở Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên cân đối, bố trí vốn đầu tư cho các dự án công trình kè chống sạt lở để các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện kịp tiến độ. Đồng thời, yêu cầu UBND Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện phải phối hợp chặt chẽ với Sở TNMT, các chủ đầu tư trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của các dự án để sớm có mặt bằng thi công, hoàn thành các dự án kè trên địa bàn thành phố.
Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, Chương trình chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2021-2025 đã giải quyết được 5 trong tổng số 18 tuyến đường ngập do mưa. Từ đây đến năm 2025, chương trình sẽ giải quyết tình trạng ngập do mưa cho 13 tuyến đường còn lại.