Bảo đảm lương, thưởng Tết cho người lao động

Theo Chỉ thị số 30/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm...
0:00 / 0:00
0:00
Gian hàng không lợi nhuận hỗ trợ người lao động sắm Tết tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Ảnh: BẮC SƠN
Gian hàng không lợi nhuận hỗ trợ người lao động sắm Tết tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Ảnh: BẮC SƠN

Tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho người lao động

Trong quý IV/2023, nhiều doanh nghiệp phục hồi, tăng trưởng trở lại sau dịch Covid-19, nhưng cũng có không ít đơn vị vẫn “ngóng” đơn hàng, cắt giảm giờ làm, tiền lương của người lao động. Dù vậy doanh nghiệp vẫn nỗ lực lo mức thưởng Tết năm 2024 trong khả năng có thể.

Theo đại diện công đoàn công ty ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội), phần lớn các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh do đơn hàng giảm nhưng nhiều công ty vẫn cố gắng duy trì mức thưởng Tết như mọi năm. Ông Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Matsuo Industries Việt Nam, cho biết: Nếu tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp quá khó khăn, mức thưởng Tết sẽ giảm hơn năm trước nhưng không quá nhiều. Bởi các đơn vị vẫn muốn giữ chân người lao động để chờ nền kinh tế phục hồi vào năm 2024.

Chủ tịch Công đoàn cơ sở, Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (Khu công nghiệp Thạch Thất, Hà Nội) Phan Thanh Hải cho biết, theo quy định, vấn đề lương cơ bản, tiền lương hằng năm sẽ do công đoàn cơ sở thương lượng, đàm phán với chủ doanh nghiệp. Điều này sẽ xảy ra hai tình huống: Một là nếu đúng vào thời điểm doanh nghiệp làm ăn tốt thì việc thương lượng không phải vấn đề quá khó khăn. Còn khi tình hình kinh doanh của doanh nghiệp không như kế hoạch đề ra thì việc đàm phán không đơn giản. Sở dĩ như vậy vì cán bộ công đoàn cơ sở hầu hết là kiêm nhiệm, ăn lương của chủ doanh nghiệp. Hiện tại, Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam có hơn 5.000 công nhân, lao động. Ban Giám đốc, Công đoàn đang cố gắng hỗ trợ người lao động có cái Tết đủ đầy. Mức thưởng Tết Quý Mão 2023 là một tháng lương; dự kiến Tết Giáp Thìn 2024 mức thưởng cũng tương đương.

Tại TP Hồ Chí Minh, nhiều công nhân cũng đang thấp thỏm về tình hình thưởng Tết. Phó Chủ tịch Công đoàn các khu chế xuất - công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thái Thành thông tin, những năm trước, thưởng Tết bình quân của các doanh nghiệp là 1,3 tháng lương, những đơn vị khó khăn nhất cũng thưởng tháng lương thứ 13. Năm nay, tuy chưa nhiều đơn vị công bố nhưng theo trao đổi nhanh với các công đoàn cơ sở thì Tết Giáp Thìn 2024, phần lớn các doanh nghiệp thưởng 1 tháng lương thứ 13, cá biệt có doanh nghiệp sẽ không có thưởng.

Tại tỉnh Đồng Nai, bên cạnh các doanh nghiệp gặp khó khăn, nhiều nơi ban giám đốc đã sớm chốt lương, thưởng Tết để người lao động yên tâm làm việc và có kế hoạch nghỉ Tết. Tại Công ty TNHH Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu), gần 40.000 công nhân phấn khởi khi công ty công bố nâng lương, thưởng Tết vào cuối tháng 11. Tỷ lệ thưởng căn cứ vào thời gian làm việc của người lao động. Cụ thể, người mới được tuyển vào tháng 1/2024 được thưởng 500.000 đồng. Công nhân làm việc từ 20 năm trở lên được thưởng 200% lương cơ bản và lương công việc...

Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, mặc dù phần lớn doanh nghiệp bảo đảm được đời sống, việc làm cho người lao động, song một bộ phận công ty, đơn vị vẫn tiếp tục thiếu đơn hàng hoặc suy giảm sức chống chọi sau thời gian dài bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. “Chưa đến thời điểm phải công bố nhưng chúng tôi nhận định lương, thưởng Tết năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn”, ông Ngọ Duy Hiểu nói.

Hiện tại, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã giao cấp cơ sở phân loại mức độ khó khăn của doanh nghiệp để lựa chọn hình thức thương lượng phù hợp, bảo đảm quyền lợi cho người lao động, từ đó hạn chế tranh chấp, ngừng việc tập thể. Đồng thời, kịp thời phát hiện và có các giải pháp bảo đảm quyền lợi của đoàn viên, người lao động ở doanh nghiệp gặp khó khăn, nợ lương, không có khả năng trả thưởng, chủ bỏ trốn hoặc tạm dừng hoạt động, giải thể, phá sản. Về phía công đoàn, với mong muốn hỗ trợ tích cực cho người lao động, năm nay nhiều tỉnh, thành phố đã xây dựng chương trình “Chợ Tết Công đoàn” rất phong phú.

Tại thành phố Hà Nội, dự kiến Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức “Chợ Tết Công đoàn” vào ngày 16 và 17 tháng Chạp năm Quý Mão tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt - Xô. Liên đoàn Lao động quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, Công đoàn cơ sở trực thuộc Liên đoàn Lao động thành phố đã vận động được nhiều doanh nghiệp đăng ký, tham gia bán các sản phẩm hàng thiết yếu với giá ưu đãi, phục vụ đoàn viên, người lao động.

Dự kiến, sẽ có tới 80 gian hàng giảm giá ít nhất 10%, ba gian hàng “0 đồng” với 7.000 suất quà, trị giá 260.000 đồng/suất. Đồng thời, Công đoàn sẽ dành tặng 7.800 phiếu mua hàng 500.000 đồng cho 7.800 đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cũng đã lên kế hoạch hỗ trợ đưa đón khoảng 5.000 công nhân lao động tại các khu công nghiệp về quê và trở lại sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Các công nhân ở tỉnh xa được đưa đón có thể kể đến như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hà Giang, Điện Biên, Lào Cai, Lạng Sơn...

Còn ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế..., trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, công đoàn các cấp trên cơ sở chủ động báo cáo cấp ủy đảng, tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền, xây dựng và tổ chức chương trình “Chợ Tết Công đoàn” của cấp mình tại các địa bàn, nơi tập trung đông người lao động làm việc, sinh sống với nội dung, hình thức phù hợp.

Trong đó, đặc biệt ưu tiên người có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mắc bệnh hiểm nghèo, giảm thời gian làm việc, mất việc làm, công nhân nhiều năm chưa có điều kiện về quê, người lao động ở lại dịp Tết để sản xuất... Tổ chức phương tiện đưa, đón miễn phí hoặc hỗ trợ vé tàu, xe, máy bay cho người lao động về quê đón Tết và quay lại nơi làm việc, bảo đảm an toàn, thuận lợi, chu đáo.

Bảo đảm lương, thưởng Tết cho người lao động ảnh 1

Nhiều doanh nghiệp cố gắng chăm lo thưởng Tết để giữ chân người lao động. Ảnh: PHONG HẢI

Hỗ trợ người lao động bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm...

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, nắm tình hình đời sống của các đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn (hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, công nhân, người lao động, người bị mất việc làm…), để quan tâm, chăm lo, kịp thời có chính sách hỗ trợ phù hợp. Đồng thời, tổ chức thăm hỏi, tặng quà đúng đối tượng, đúng chế độ, công khai, minh bạch, tránh trùng lặp, chồng chéo, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, bảo đảm tất cả các đối tượng chính sách đều có quà và được nhận quà trước Tết, không để ai không có Tết.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo dõi, nắm bắt tình hình lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, đặc biệt là những địa phương tập trung nhiều lao động, tạo thuận lợi cho người lao động nghỉ Tết và trở lại làm việc sau Tết. Đặc biệt quan tâm hỗ trợ người lao động bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, kinh doanh.

Cùng với đó, thực hiện các giải pháp duy trì chuỗi cung ứng nguồn nhân lực, đáp ứng kịp thời lao động cho doanh nghiệp trước và sau Tết Nguyên đán. Tăng cường kiểm tra và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, bảo đảm công chức, viên chức, người lao động được chi trả đầy đủ lương, tiền thưởng và bố trí nghỉ Tết đúng chế độ. Ngoài ra, cần thực hiện đầy đủ chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; chủ động xây dựng các giải pháp phòng ngừa, xử lý tranh chấp lao động có thể xảy ra trong dịp Tết Nguyên đán.

Trước đó, để nắm bắt thông tin về lương, thưởng dịp Tết, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã có văn bản đề nghị các địa phương khảo sát, rà soát và báo cáo tình hình lương, thưởng Tết và quan hệ lao động tại doanh nghiệp. Bên cạnh việc rà soát, báo cáo tình hình lương, thưởng Tết, Bộ này cũng sẽ tiếp tục theo dõi, nắm bắt tình hình cắt giảm đơn hàng, giảm việc làm tại một số ngành nghề; đồng thời chỉ đạo Cục Việc làm và trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố tăng cường kết nối thị trường lao động cuối năm. Các trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức thực hiện kịp thời chính sách bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động bị mất việc làm; hỗ trợ tư vấn, bồi dưỡng kỹ năng nghề, giới thiệu người lao động tìm kiếm việc làm mới.