Băn khoăn hướng đi của đơn vị nghệ thuật ở Đà Nẵng

Xu hướng tự chủ một phần là điều tất yếu và buộc phải triển khai của các đơn vị nghệ thuật công lập hiện nay theo quy định. Tuy nhiên, bằng cách nào để giải quyết bài toán vừa ổn định được sự phát triển của các đơn vị nghệ thuật công lập, vừa bảo đảm nguồn thu để tự chủ?
0:00 / 0:00
0:00
Chương trình nghệ thuật Hồn Việt của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.
Chương trình nghệ thuật Hồn Việt của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.

Quá nhiều khó khăn

Đà Nẵng hiện có hai nhà hát là đơn vị biểu diễn nghệ thuật gồm Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh và Nhà hát Trưng Vương. Thời gian qua, dù dịch diễn biến phức tạp nhưng hai nhà hát vẫn nỗ lực dựng vở để sân khấu đỏ đèn. Tuy nhiên, các nhà hát vẫn gặp nhiều khó khăn vì phải đóng cửa, hủy nhiều chương trình biểu diễn. Nhà hát Trưng Vương đã có nhiều ưu đãi cũng như hỗ trợ đặc biệt nhưng các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên hệ hợp tác còn rất hạn chế. Sáu tháng đầu năm 2022, Đoàn ca múa nhạc thực hiện được 25 buổi diễn, tại rạp tổ chức được 13 chương trình/sự kiện. Doanh thu nhà hát ước khoảng 811 triệu đồng, chỉ đạt 32% so kế hoạch giao. Nhà hát không có đủ kinh phí để cân đối tham gia Cuộc thi ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2022.

Thực tế, từ năm 2016-2019, nhà hát bắt đầu tự chủ một phần tài chính. Nhưng rồi Đà Nẵng liên tiếp bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, việc triển khai cơ chế tự chủ gặp nhiều khó khăn, trong khi đầu tư trang thiết bị cho một nhà hát hàn lâm chưa thật sự thỏa đáng. Những áp lực này khiến cho cán bộ, nghệ sĩ chới với. Nguồn kinh phí 7 tỷ đồng/năm cho mọi hoạt động của nhà hát và trả lương cho 70 nhân sự là không đủ. Thậm chí nhiều chương trình nhà hát xây dựng vượt ngoài dự toán rất xa, trong khi kinh phí eo hẹp.

Đà Nẵng cần đẩy mạnh xã hội hóa để bứt phá các lĩnh vực thuộc thế mạnh công nghiệp văn hóa. Trong khi đó, như chia sẻ của NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, thì nghệ thuật truyền thống hiện nay rất khó khăn trong quá trình thực hiện công nghiệp văn hóa. Việc tự chủ một phần, riêng đối với nghệ thuật truyền thống lại càng khó khăn hơn. Hiện nay nguồn thu của tuồng rất thấp.

Ngoài ra, gần 10 năm trở lại đây, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã xây dựng nhiều đề án bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Nhưng, vẫn còn những “điểm nghẽn”. Đơn cử như Đà Nẵng có duy nhất Trung tâm văn hóa-Điện ảnh TP Đà Nẵng là đơn vị sự nghiệp công lập, nhưng 10 năm qua, trụ sở tạm của đơn vị này liên tục di chuyển. Thành phố đã có chủ trương cho xây dựng công trình nhưng hiện vẫn phải... chờ.

Phải đủ cánh mới bay được

“Phải trang bị cho đôi cánh rồi mới mong bay xa”, đó là ví von của ông Trần Văn Hào, Giám đốc nhà hát. Ông Hào cho rằng: Chúng tôi cần sự quan tâm thấu đáo, sâu sắc hơn nữa. Việc cấp vốn hằng năm, các cơ quan quản lý cần căn cứ vào các chương trình cụ thể của đơn vị để cân đối ngân sách cho phù hợp. Bởi việc cấp kinh phí hoạt động thường niên nhỏ giọt khiến nhà hát phải tự cố gắng xoay xở.

Thành phố Đà Nẵng đang được mong mỏi cần tinh chọn và tập trung đầu tư xứng tầm, lấy nhà hát Trưng Vương là trung tâm nghệ thuật biểu diễn, từ đó đầu tư các gói trang thiết bị âm thanh, ánh sáng cơ bản đáp ứng được yêu cầu hiện nay về công nghệ và nguồn nhân lực bởi hiện nay nhà hát này đang thiếu nhân lực. Có một thách thức là việc tuyển dụng những vị trí quan trọng thì nhân sự yêu cầu mức lương phải tới 25 triệu đồng/tháng. Do đó, cần có tầm nhìn xa hơn để khi nhà hát triển khai cơ chế tự chủ tài chính, thì bản thân các nghệ sĩ, cán bộ, công chức phải có mức lương cơ bản để sống ổn định. “Phải xây dựng nhà hát thành cái lõi trọng tâm, từ đó, kết nối với nguồn nhân lực tại các đơn vị, địa phương, để không chỉ hoạt động đơn thuần là biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị mà còn phục vụ, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Như vậy mới thật sự lan tỏa được giá trị văn hóa, nghệ thuật của thành phố Đà Nẵng”, Giám đốc Trần Văn Hào nhấn mạnh. Còn như ý kiến NSƯT Trần Ngọc Tuấn, thì Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cần có cơ chế phù hợp để xây dựng các chương trình nghệ thuật truyền thống, tạo thành sản phẩm du lịch. Cùng với đó, nhà hát cần được tăng biên chế và tuyển các ngành khác như nhạc, múa…

Đạo diễn, NSND Huỳnh Văn Hùng, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Đà Nẵng cho rằng, Đà Nẵng cần đẩy mạnh xã hội hóa để bảo tồn di tích và phát huy nguồn lực văn hóa du lịch. Cùng với đó, là phối hợp ngành văn hóa với du lịch để phát huy nguồn lực văn hóa du lịch, vực dậy các hoạt động của các nhà hát trong thời điểm khó khăn này.

Nhà hát Trưng Vương phải tận dụng các mối quan hệ để nhờ giúp đỡ vì không đủ tiền để thuê địa điểm. Nhiều chương trình phải thuê giàn âm thanh ánh sáng với số tiền cả trăm triệu đồng, vượt quá khả năng.