Bản án kỷ lục với “trùm tiền ảo” Thổ Nhĩ Kỳ

Mới đây một tòa án ở Thủ đô Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) đã kết án “trùm tiền ảo” Faruk Fatih Ozer (trong ảnh), đối tượng điều hành sàn giao dịch tiền điện tử Thodex, tới hơn 11 nghìn năm tù vì các tội danh lừa đảo, rửa tiền.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh: GAZETE OKSIJEN
Ảnh: GAZETE OKSIJEN

Faruk Fatih Ozer (29 tuổi) đã sáng lập sàn trao đổi tiền điện tử Thodex vào năm 2017, là một trong những sàn giao dịch lớn nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm đó. Thodex ban đầu được thành lập với tên gọi Koineks, là sàn giao dịch tiền điện tử lớn thứ tư ở quốc gia này, đồng thời sở hữu máy ATM Bitcoin đầu tiên tại Thổ Nhĩ Kỳ. Sàn giao dịch đã nhanh chóng vươn ra toàn cầu vào năm 2020 sau làn sóng tăng giá chóng mặt của đồng Bitcoin và đổi tên thành Thodex vào tháng 3/2020. Tính đến tháng 11 cùng năm, tổng khối lượng giao dịch trên sàn này ước tính đạt tới ba tỷ USD. Khi bị giới chức Istanbul “đóng băng” vào tháng 4/2021, Thodex đang có tới 391.000 người dùng.

Khi Thodex sụp đổ, Faruk Fatih Ozer đã trốn sang Albania, mang theo số tiền điện tử và khối tài sản trị giá hàng triệu USD. Kết quả là hàng nghìn người dùng Thodex không thể truy cập vào tài khoản của họ. Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ nhiều người liên quan sàn giao dịch, triển khai điều tra và thực hiện các hành động pháp lý trên diện rộng để dẫn độ Ozer về nước vào đầu năm nay. Sau một quá trình tố tụng kéo dài, tòa án ở Istanbul đã đưa ra phán quyết ngày 7/9, kết án ông chủ sàn điện tử Thodex lên tới 11.196 năm tù do các tội danh lừa đảo nghiêm trọng, cầm đầu tổ chức tội phạm và rửa tiền.

Theo Bloomberg, Faruk Fatih Ozer không có chuyên môn tài chính công nghệ đặc biệt, y đã bỏ ngang khi mới đang học trung học. Khi thành lập sàn giao dịch tiền ảo, y cùng đồng bọn đã tung ra nhiều chiến dịch trao thưởng để thu hút người dùng mới và huy động vốn. Ở thời điểm năm 2021, sàn Thodex đã nhanh chóng nở rộ cùng sự bùng nổ của tiền điện tử, trở thành nơi gửi gắm tiền tiết kiệm của nhiều người do lo ngại tình trạng lạm phát tràn lan và đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ mất giá. Sau khi Thodex bất ngờ sụp đổ, Ozer đã thực hiện giao dịch chuyển số tài sản của các nhà đầu tư đến ba tài khoản ngầm và bỏ trốn.

Theo cáo trạng của các công tố viên, ước tính số tiền của các nhà đầu tư bị chiếm đoạt lên tới 356 triệu lira (khoảng 13 triệu USD), nhưng báo chí Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin con số có thể lên tới hai tỷ USD. Một thống kê khác đưa ra giá trị tiền điện tử bị mất tại Thodex tương đương 2,6 tỷ USD và luật sư của các nạn nhân cho biết, số tiền đầu tư của hơn 391.000 người dùng đang hoạt động ở thời điểm sàn bị “đóng băng” giao dịch là “không thể thu hồi được”. Mặc dù vậy, Ozer kiên quyết phản đối các con số được nêu trên, cho rằng chỉ có khoảng 30.000 người dùng bị ảnh hưởng.

Trong phiên điều trần cuối cùng, Ozer không hề tỏ ra ăn năn mà vẫn cho rằng bản thân “đủ thông minh để lãnh đạo bất kỳ tổ chức nào trên thế giới”. Hãng thông tấn Anadolu dẫn biện hộ trước tòa của bị cáo 29 tuổi: “Điều đó thể hiện rõ ở công ty mà tôi thành lập năm mới 22 tuổi. Tôi sẽ không hành động nghiệp dư như vậy nếu đây là một tổ chức tội phạm”. Trước đó, các công tố viên của tòa đã đề nghị mức án lên tới 40.562 năm đối với y.

Thời hạn tù kéo dài hàng nghìn năm có thể gây ngạc nhiên ở các quốc gia khác, nhưng lại khá phổ biến ở Thổ Nhĩ Kỳ do nước này đã bãi bỏ án tử hình vào năm 2004. Năm 2016, một lãnh đạo tôn giáo đã bị kết án 1.900 năm tù vì cáo buộc tổ chức một cuộc đảo chính thất bại. Năm ngoái, một người bị kết án về một loạt tội danh, trong đó có tấn công tình dục, phải lĩnh án hơn 8.600 năm tù. Vụ việc của “ông trùm” sàn Thodex nêu bật những rủi ro và lo ngại chung quanh ngành công nghiệp tiền điện tử, đặc biệt là việc thiếu các biện pháp quản lý và bảo mật.