Bấm máy ở làng Nôm

Chúng tôi đưa thí sinh đi thi ở ngoài trường…

Hôm nay, các thí sinh quay phim và nhiếp ảnh được thi thực hành chụp ảnh dã ngoại để đánh giá năng lực cảm thụ hình ảnh, khả năng xử lý hiệu ứng ánh sáng, cách bố trí các yếu tố khác nhau trong một khung ảnh… Lần này, công việc ấy diễn ra ở một… làng cổ.

Làng Nôm, xã Đại Đồng, Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, cách Hà Nội khoảng 30 km về phía đông. Nơi ấy người ta biết đến với câu ca dao: “Ai về cầu đá làng Nôm/Mà xem phong cảnh nước non hữu tình”. “Bạo liệt” nữa thì: “Đồng nát thì về cầu Nôm/Con gái nỏ mồm về ở với cha”. Tôi cứ buồn cười một cách thú vị, rằng hình thức thi cử này như… hoạt động bí mật vậy! Bởi không thí sinh nào được biết trước điểm đến, để bảo đảm sự công bằng.

Chúng tôi qua cổng vào làng, gặp ngay cây cầu đá hơn 200 năm tuổi, bắc qua sông Nguyệt Đức hiền hòa. Khoảng thế kỷ 16, cầu được làm bằng gỗ lim, đến thời Vua Tự Đức thì được làm lại bằng đá xanh nguyên khối và tồn tại đến ngày nay. Chín nhịp và 16 trụ, tám dầm cầu có trạm trổ họa tiết hình mây. Tôi ngỡ ngàng nhìn mặt cầu, dầm cầu, trụ cầu được xếp lên nhau mà không cần bất cứ một vật liệu kết dính nào.

Chỉ gần đó 200 m thôi, chùa cổ Linh Thông, tục gọi là chùa Nôm tên gọi Linh Thông cổ tự, còn nguyên vẹn tam quan. Nghe bảo, nơi đây xưa có rừng thông cổ thụ. Qua tam quan, những tăng đường, chính điện, bái đường, tôi như bị cuốn vào những bước chân dọc hành lang, ngang qua ban thờ chính điện, chiêm ngưỡng hàng trăm bức tượng đất nung cổ còn nguyên vẹn. Nghe nhà chùa kể, mỗi bức tượng đều có kích cỡ riêng và đã ngâm mình trong nhiều trận nước lụt, may thay tượng vẫn được bảo tồn không đến mức hư hại. Kỳ lạ là nghe nói xưa chùa còn có quyển sách… bói vui nữa. Đầu xuân năm mới lên lễ chùa, người ta cứ bắt đầu khởi hành từ một cửa hành lang, theo dọc hàng tượng mà đếm. Tuổi mới năm ấy trùng với bức tượng thứ bao nhiêu theo thứ tự đếm, thì mở sách ra mà xem, sẽ đoán tài lộc, may rủi của năm ấy. Âu cũng là một “trò chơi” phảng phất tâm linh của người xưa để cho cửa thiền thêm hòa đồng với cõi hồng trần. Tiếc là sách cổ qua tay người mượn nơi này nơi khác, nay đã chẳng còn…

Ngay bên cạnh chùa, xưa đến nay, nhịp sống còn nguyên hối hả thường nhật, ấy là chợ Nôm, còn giữ được dáng hình, phong vị của những phiên chợ dân gian. Chợ ấy đã đi vào ca dao với câu: “Cái Bống đi chợ cầu Nôm…”. Cảnh quan cổ kính, nào cây nào nước phong quang, hữu tình, nếp sinh hoạt văn hóa trong đời sống người dân làng Nôm bày ra trước mắt với bao mời gọi khám phá, trải nghiệm. Tôi không biết hết các bạn trẻ cầm máy đã gặp được những gì để mà bỡ ngỡ, ngâm ngợi những gì để rồi từ lạ lẫm nét quê chuyển sang thích thú, lưu luyến. Nhưng một buổi thi năng khiếu cho các bạn thỏa sức rong ruổi, ngắm nghía trong không gian làng cổ, dường như đã đánh thức trong lòng những người trẻ tiếng gọi thôn dã từ gốc gác bao đời xưa gia đình, họ hàng mình, cũng từ lúa ngô khoai sắn mà vươn dậy.

Một cuộc bấm máy ở làng Nôm, có lẽ với nhiều người, sẽ như một cái cớ cho những chuyến tìm về, để còn đi tới.