Bài toán kiểm soát súng đạn ở Mỹ

Một nhân viên ngân hàng 25 tuổi đã nổ súng tại nơi làm việc ở trung tâm thành phố Louisville, bang Kentucky (Mỹ) và phát trực tiếp trên mạng xã hội. Vụ tấn công khiến năm người thiệt mạng, đồng thời khiến vấn đề kiểm soát sở hữu súng đạn một lần nữa “nóng” trở lại tại Mỹ.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh sát bao vây hiện trường vụ xả súng tại Louisville. Ảnh: GLOBAL NEWS
Cảnh sát bao vây hiện trường vụ xả súng tại Louisville. Ảnh: GLOBAL NEWS

Theo CNN, kẻ xả súng được xác định là Connor Sturgeon - nhân viên làm việc tại Ngân hàng Old National (ONB) nơi hắn gây án. Vụ nổ súng hàng loạt bắt đầu lúc 8 giờ 30 phút sáng 10/4 (giờ địa phương), khoảng 30 phút trước khi ngân hàng chính thức mở cửa. Đại diện cảnh sát thành phố Louisville, ông Jacquelyn Gwinn-Villaroel cho biết, cảnh sát đã tiêu diệt tay súng ngay tại hiện trường. CNN dẫn một nguồn tin địa phương cho rằng sự việc xảy ra trong một cuộc họp nhân viên buổi sáng.

Các điều tra viên cho hay, Connor Sturgeon đã làm việc tại ngân hàng hơn một năm nhưng vừa nhận thông báo chấm dứt hợp đồng cách đây không lâu. Có thông tin cho rằng y đã viết một bức thư cho cha mẹ về việc nổ súng tại ngân hàng. Vào ngày diễn ra vụ nổ súng, hung thủ thậm chí đã phát trực tiếp những gì đang diễn ra trên Instagram. Cảnh sát địa phương sau đó can thiệp để gỡ đoạn video xuống, song do không thể gỡ ngay sau vụ việc nên một số hình ảnh rất nhanh chóng đã lan truyền trên mạng làm lo ngại về khả năng kích động bạo lực.

Ngoài ra, vụ việc đã tiếp tục dấy lên nhiều tranh cãi ở “xứ cờ hoa”. Lý lịch của kẻ tiến công không khỏi khiến công chúng bất ngờ. Sturgeon tốt nghiệp Đại học Alabama vào tháng 12/2020, đã có bằng cử nhân và thạc sĩ tài chính. Người này làm thực tập sinh tại ONB từ năm 2018 đến năm 2020 và bắt đầu làm việc toàn thời gian vào tháng 6/2021. Một người bạn học cũ của tay súng trong vụ việc lần này nhận định rằng “chưa bao giờ thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy thảm kịch này có thể xảy ra”.

Vụ bạo lực súng đạn tại ONB là động thái mới nhất phản ánh “căn bệnh trầm kha” của nước Mỹ. Số liệu năm 2021 của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cho biết, ở giai đoạn cao điểm, trung bình mỗi tuần có khoảng 10 vụ xả súng xảy ra. Từ đầu năm đến nay, theo dữ liệu từ trang web Gun Violence Archive, đã có ít nhất 145 vụ xả súng hàng loạt ở Mỹ.

Trong vụ việc lần này, tay súng sử dụng súng trường bán tự động AR-15, là loại súng trường thể thao phổ biến ở Mỹ. Theo Khảo sát vũ khí quốc gia năm 2021, có khoảng 24,6 triệu người Mỹ có AR-15 hoặc súng trường kiểu tương tự. Các nhà điều tra cho biết, đây cũng là loại vũ khí xuất hiện trong nhiều bi kịch thảm sát ở Mỹ, như vụ việc ở Trường Sandy Hook ở bang Connecticut (2012); ở nhà hát Aurora, bang Colorado (2012); ở San Bernardino, bang California (2015); ở siêu thị Buffalo, New York (2022) hay vụ xả súng hàng loạt tại Trường tiểu học ở Nashville cách đây hai tuần.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên án vụ xả súng hàng loạt và kêu gọi hành động để siết chặt luật quản lý và sở hữu súng đạn. Tháng 3 vừa qua, ông Biden đã ký sắc lệnh hành pháp mới nhằm tăng cường xác minh thông tin cá nhân của người mua súng, nhằm ngăn chặn tội phạm hoặc những đối tượng từng có hành vi ngược đãi sở hữu súng đạn. Dù vậy, sắc lệnh này không bao gồm những người có lý lịch “bình thường” như tay súng Connor Sturgeon, vốn là một nhân viên ngân hàng. Hơn nữa, sắc lệnh cũng đã vấp phải sự phản đối của những người ủng hộ quyền sử dụng súng. Hiệp hội Súng trường quốc gia (NRA) được coi là tổ chức có khả năng vận động hành lang mạnh mẽ, đã bác bỏ sắc lệnh này cũng như hầu hết các dự luật về kiểm soát súng đạn khác ở Mỹ.

Bạo lực và kiểm soát súng đạn là một trong những vấn đề nghiêm trọng, kéo dài và gây ra tác động tiêu cực tới đời sống xã hội Mỹ. Song đến nay vẫn có nhiều ý kiến tranh cãi và chia rẽ sâu sắc trong việc kiểm soát súng đạn, khiến giới chức không thống nhất được những điều luật đủ mạnh để ngăn chặn và chấm dứt “căn bệnh” này.