Bài toán hạn mức tăng trưởng tín dụng

Câu chuyện cạn “room” (hạn mức tăng trưởng) tín dụng hiện nay đang là vấn đề cấp bách không chỉ của các ngân hàng mà còn liên quan tới rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp cần nguồn vốn.
0:00 / 0:00
0:00
Nhu cầu tín dụng của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp rất lớn trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam mở cửa trở lại. Ảnh: BẮC SƠN
Nhu cầu tín dụng của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp rất lớn trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam mở cửa trở lại. Ảnh: BẮC SƠN

Nhu cầu vốn tăng mạnh

Chị Bích Liên, chủ doanh nghiệp kinh doanh xuất bản phẩm quy mô nhỏ trên phố Hàn Thuyên (Hà Nội) chia sẻ, thời gian gần đây chị rất cần vốn để thanh toán công nợ và mở rộng kinh doanh dịp cuối năm nhưng không sao vay được ngân hàng. Nhân viên tín dụng của ngân hàng chị vẫn vay vốn nhiều năm nay cho biết, hiện ngân hàng đã sắp cạn “room” nên phải ưu tiên cho vay lĩnh vực sản xuất và hàng hóa thiết yếu để phục vụ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch.

“Giờ các ngân hàng đều sắp chạm “trần” hạn mức tăng trưởng tín dụng nên phải cơ cấu lại các khoản vay cũ, hạn chế cho vay mới những lĩnh vực không được ưu tiên, tăng quay vòng vốn bằng cách tăng cho vay ngắn hạn, giảm cho vay dài hạn… Cố gắng cầm cự trong khi chờ được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nới hạn mức rồi tính tiếp”, nhân viên ngân hàng trả lời chị Liên về lý do không tiếp tục cấp tín dụng.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Chủ tịch Hội đồng quản trị RB Group tâm tư: “Từ tháng 4/2022 đến nay, khi nhiều ngân hàng thông báo đã hết “room” tín dụng, hoạt động của nhiều doanh nghiệp bất động sản trở nên vô cùng khó khăn. “Vừa thiếu vốn đầu vào để phát triển dự án (vì khi tín dụng bị thắt chặt thì kênh trái phiếu cũng lập tức sụt giảm) vừa mất thanh khoản vì sản phẩm ra đến thị trường cũng khó bán, do khách hàng không vay được ngân hàng để mua nhà”, ông Ngọc cho hay.

Hiện, nhiều ngân hàng đã sử dụng gần hết, thậm chí vượt hạn mức tín dụng được cấp. Đơn cử, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 10% nhưng 5 tháng đầu năm nay đã đạt hơn 9% (trong đó, dư nợ cho vay các đối tượng được hỗ trợ lãi suất chiếm gần 30% tổng dư nợ ngân hàng).

Chia sẻ với báo chí, ông Trần Phương, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, bắt đầu từ quý IV/2021 đến nay, nhu cầu vay vốn của khách hàng tăng rất mạnh. Trong khi đó, “room” tín dụng 10% năm 2022 của BIDV là không thể đáp ứng. “Rất mong Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nới room tín dụng cho BIDV và các tổ chức tín dụng khác để triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% hiệu quả”, ông Phương đề xuất.

Một lãnh đạo Ngân hàng Thương mại cổ phần quân đội (MB) cũng thông tin, nhu cầu tín dụng của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp rất lớn trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam mở cửa trở lại. Đầu năm nay, MB được Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tạm thời là 15% nhưng đến cuối tháng 3/2022 đã sử dụng gần hết. Ngân hàng mong được nới “room” để áp dụng các chương trình ưu đãi lãi suất 2% hiệu quả.

Dự kiến kịch bản tăng trưởng cao trong năm 2022, trong đó phấn đấu tăng trưởng tín dụng khoảng 16-20% (tùy thuộc sự phân bổ của Ngân hàng Nhà nước), MB đang “ngóng” chính sách nới “room” của cơ quan quản lý cấp trên.

“Nhu cầu vốn hiện nay là rất lớn, nhu cầu tăng trưởng “room” tín dụng của các ngân hàng là có thật. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần cân đối với mức lạm phát để đưa ra ngưỡng tăng trưởng tín dụng hợp lý”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng đề xuất.

Bài toán hạn mức tăng trưởng tín dụng ảnh 1

Các doanh nghiệp đang cần vay vốn để phát triển sản xuất. Ảnh: NAM NGUYỄN

Ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát

Trước đó, câu chuyện “room” tín dụng đã từng làm “nóng” nghị trường kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, diễn ra từ ngày 23/5 đến 19/6/2022. Tại phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng chiều 8/6, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) nêu vấn đề, nhu cầu vay vốn của cá nhân và doanh nghiệp khá cao, nhất là trong bối cảnh triển khai gói hỗ trợ 2% của gói 40.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng hết “room” tín dụng, tất cả trông chờ Ngân hàng Nhà nước nới thêm “room”. Ông An đề nghị Thống đốc cho biết quan điểm điều hành về vấn đề này.

Trả lời đại biểu Trịnh Xuân An, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, dư nợ tín dụng trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam đang ở mức 124% và theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), đây là tỷ lệ thuộc nhóm cao nhất toàn cầu.

Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là phải kiểm soát tăng trưởng tín dụng, tránh để nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào tín dụng ngân hàng, mỗi khi có cú sốc như Covid-19, nếu mọi người dân, doanh nghiệp đang vay ngân hàng mà gặp khó khăn sẽ tác động xấu đến ngân hàng, gây hệ lụy đến cả nền kinh tế.

“Trước đây khi không có chỉ tiêu kiểm soát, các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng rất cao, cá biệt có những năm tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống lên đến 53,8%”, bà Hồng nhấn mạnh.

Mới đây nhất, tại Hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm 2022 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam diễn ra hôm 16/7, cơ quan này đã phát đi thông điệp chính thức về điều hành tăng trưởng tín dụng. Theo đó, cơ quan quản lý ngành ngân hàng kiên định chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 14% (như chủ trương từ đầu năm), tuy nhiên, có điều chỉnh linh hoạt phù hợp diễn biến, tình hình thực tế nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý, hướng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục kiểm soát rủi ro tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Theo cơ quan quản lý, tỷ lệ trên được đưa ra dựa trên tăng trưởng thực tế năm 2021 ở mức 13,61% và năm 2020 là 12,17%. Bên cạnh đó, chỉ tiêu này còn được xây dựng dựa trên mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5%; lạm phát khoảng 4% và dự toán ngân sách Quốc hội giao.

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, Ngân hàng Nhà nước đề nghị các tổ chức tín dụng tập trung quán triệt và chỉ đạo trong toàn hệ thống theo phương châm là tăng trưởng tín dụng phải đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, giảm nợ xấu phát sinh, hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, đồng thời kiểm soát chặt chẽ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tránh việc cạnh tranh không lành mạnh về giá, về lãi suất…

Bà Hà khẳng định, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện để Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tốt các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các chương trình tín dụng thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ngân hàng Nhà nước chủ trương không hạn chế tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro (chứng khoán, bất động sản…), song yêu cầu kiểm soát rủi ro để bảo đảm an toàn hệ thống.

Trước thông điệp này của Ngân hàng Nhà nước, chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa nhận định, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông điệp rất rõ ràng là kiên định chỉ tiêu “room” tín dụng cả năm 14%. Như vậy room còn lại của các ngân hàng từ nay đến cuối năm còn rất ít. Theo ông Nghĩa, tính đến ngày 11/7/2022, tín dụng đã tăng 9,06%, Ngân hàng Nhà nước buộc phải cân nhắc trong hành động bởi nếu nới “room” bây giờ thì sẽ được các ngân hàng dùng hết trong quý III, dẫn đến quý IV không còn để sử dụng.

Trong khi chưa có quyết định nới “room”, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhiều lần đề cập chuyện các ngân hàng “tự thân vận động” bằng cách sàng lọc và cơ cấu lại danh mục tín dụng theo chiều hướng lành mạnh hóa hoạt động cho vay.

Để thích ứng với chủ trương này và bảo đảm nguồn thu nửa cuối năm, lãnh đạo một số ngân hàng cho biết, sẽ cố gắng “xoay xở” trong dư địa ít ỏi còn lại. Theo đó, các ngân hàng sẽ buộc phải đẩy mạnh thu hồi các khoản nợ đến hạn để mở rộng dư địa cho việc cấp mới tín dụng. Tiếp đó, ngân hàng phải tăng tốc độ quay vòng vốn, đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, bán chéo sản phẩm, kinh doanh bảo hiểm… để tăng nguồn thu ngoài lãi.

“Room” tín dụng sẽ không tác động nhiều đến lạm phát nếu kiểm soát tốt chất lượng khoản vay

Theo PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính, việc nới “room” tín dụng cho các ngân hàng sẽ có lợi cho khách hàng và doanh nghiệp và thúc đẩy kinh tế phục hồi tốt hơn. Nới “room” tín dụng sẽ không có nhiều tác động đến lạm phát nếu như việc điều phối của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục linh hoạt và các ngân hàng kiểm soát chặt chất lượng khoản vay.