Đây là nơi mảng kiến tạo Ấn Độ ở phía tây gặp mảng Sunda tạo nên phần lớn Đông Nam Á - một đứt gãy có quy mô và chuyển động tương tự như vết đứt gãy San Andreas ở bang California (Mỹ).
Bà Bell cho biết, vết đứt gãy Sagaing rất dài, khoảng 1.200 km, và rất thẳng. Điều này đồng nghĩa động đất có thể gây ra sự đứt gãy trên diện rộng và diện tích đứt gãy càng lớn thì động đất càng mạnh. Chuyên gia địa chất này nói thêm rằng, những trận động đất như vậy có sức tàn phá thảm khốc vì tâm chấn nông, năng lượng địa chấn ít bị phân tán khi lan đến các khu dân cư phía trên. Điều này gây ra rung lắc mạnh trên bề mặt.
Lý giải về nguyên nhân khiến hậu quả từ trận động đất tại Myanmar thêm phần thảm khốc, các chuyên gia cho rằng sự phát triển nhanh chóng của các công trình bê-tông cốt thép không đạt chuẩn trong những năm gần đây làm tăng mức độ thiệt hại. Ông Ian Watkinson từ Trường đại học Royal Holloway (Anh) nhận định với trận động đất này, Myanmar đang trải qua "bài sát hạch" đầu tiên đối với chất lượng cơ sở hạ tầng hiện đại.