Sa mạc “xanh” ở Ấn Độ

Theo một nghiên cứu mới công bố, sa mạc Thar ở Ấn Độ đang trở nên “xanh” hơn do sự kết hợp giữa biến đổi khí hậu (BĐKH) và mở rộng nông nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Một người phụ nữ lấy nước tại sa mạc Thar. Ảnh: GETTY IMAGES
Một người phụ nữ lấy nước tại sa mạc Thar. Ảnh: GETTY IMAGES

Sa mạc Thar, còn được gọi là Đại sa mạc Ấn Độ, trải dài trên diện tích 200.000 km2 ở tây bắc Ấn Độ và đông nam Pakistan. Trong khi nhiều sa mạc trên thế giới đang đối mặt tình trạng hạn hán ngày càng nghiêm trọng, sa mạc Thar đã trở thành một phần của khu đô thị rộng lớn và phát triển nông nghiệp, trở thành sa mạc đông dân nhất thế giới với hơn 16 triệu cư dân.

Dữ liệu từ vệ tinh cho thấy, trong khoảng 20 năm trở lại đây, ngày càng có nhiều người sinh sống tại sa mạc này, cũng như sự thay đổi cảnh quan do đô thị hóa và diện tích đất nông nghiệp mở rộng. Nghiên cứu đã phân tích dữ liệu vệ tinh từ năm 2001 đến năm 2023. Mishra và nhóm của ông phát hiện ra rằng, sa mạc đã trở nên xanh hơn trung bình 38% trong thời gian này, với nhiều thảm thực vật hơn và có thể nhìn thấy trong ảnh vệ tinh.

Kỹ sư Vimal Mishra tại Học viện Công nghệ Ấn Độ Gandhinagar và là đồng tác giả nghiên cứu cho biết: “Việc tăng cường nguồn nước và lượng mưa đã dẫn đến sự mở rộng của các khu vực nông nghiệp và đô thị với sự gia tăng đáng kể về năng suất cây trồng trong khu vực này. Không có sa mạc nào khác trên thế giới trải qua sự gia tăng về đô thị hóa, nông nghiệp và lượng mưa trong thời gian gần đây”.

Để hiểu rõ hơn về lý do tại sao hiện tượng xanh hóa này xảy ra, các nhà nghiên cứu cũng xem xét các hồ sơ lịch sử về sự mở rộng dân số ở sa mạc Thar, cơ sở hạ tầng tưới tiêu và các mô hình khí hậu. Kết quả cho thấy, sự xanh hóa của sa mạc Thar chủ yếu được thúc đẩy bởi lượng mưa lớn hơn, khi tổng lượng mưa tăng 64%; sau đó là nhờ cơ sở hạ tầng tưới tiêu đưa nước ngầm lên bề mặt.

Sự thay đổi và xanh hóa của sa mạc sẽ góp phần thúc đẩy an ninh lương thực trong khu vực. Song cũng có thể đe dọa đa dạng sinh học bản địa của các loài chuyên biệt thích nghi với sa mạc và các phương pháp canh tác du mục truyền thống. Vì vậy, các nhà khoa học cảnh báo rằng, cần phải xem xét việc bảo tồn các khía cạnh này của môi trường sa mạc khi quá trình phát triển tiếp tục.