Bài học canh tác hữu cơ của ông Vinh

Từ triết lý canh nông bình dị, ông Trịnh Tấn Vinh, ngụ xã Đinh Lạc (Di Linh, Lâm Đồng) là một trong những lão nông điển hình nhờ tính kiên định từ những gì đã được học hỏi.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Vinh bên rẫy cà-phê.
Ông Vinh bên rẫy cà-phê.

Học cách làm nông bền vững

15 năm trước, ông Vinh cùng 47 nông dân của huyện Di Linh được cử tham dự lớp tập huấn do các chuyên gia của Cộng hòa Liên bang Đức truyền đạt. “Họ bổ sung nhiều kiến thức mới nhưng chung quy lại là hướng đến cách làm nông nghiệp bền vững và hiệu quả”, ông Vinh chia sẻ.

Với kiến thức thu nhận được từ lớp học, ông Vinh đã nảy ra ý định thử nghiệm trồng lạc dại. Mặt khác, sáu tháng mùa mưa làm cho đất bị rửa trôi, xói mòn. Cỏ lạc dại có thể tạo thảm dày từ thân bò, phần rễ ăn sâu vào lòng đất, cỏ ken dày, trải kín cả mặt đất. “Đất bazan ở Tây Nguyên thích hợp cây lâu năm nhưng qua quá trình canh tác liên tục, kéo dài đã bắt đầu dẫn đến hiện tượng chai đất, bạc màu”, ông Vinh cho biết thêm. Theo ông, trước đây mỗi năm ông tốn chi phí phân bón từ 18-25 triệu đồng, từ khi áp dụng mô hình thảm lạc dại ông đã tiết kiệm được khoảng 75% chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.

Đến nay, khu vườn của ông Vinh xen canh đa tầng, trên cùng là cây sầu riêng, kế đến là bưởi, macca, cà-phê, và tầng dưới cùng là thảm cỏ lạc dại. “Chỉ cần bới một nắm đất dưới chân cây cỏ lạc bạn dễ dàng bắt gặp những người bạn của nhà nông, đó là giun đất”, ông hồ hởi cho hay. Chưa hết, trên cành cà-phê xanh tươi, khỏe khoắn là bọ rùa. Sự xuất hiện của loại côn trùng nhỏ bé, xinh xắn này chứng tỏ hệ sinh thái tự nhiên ở đây được bảo đảm, tạo môi trường cộng sinh lý tưởng cho cây trồng.

Hồi bắt đầu thử nghiệm, nhiều người nghi ngờ về tính hiệu quả dự án của ông Vinh. Thế nhưng sau thời gian ngắn áp dụng, câu trả lời về sản lượng, chất lượng các loại cây trồng đã chứng minh hướng đi của ông là đúng đắn. “15 năm trước khi quyết định thử làm, tôi rất trăn trở, bởi lúc đó con cái còn đang đi học, nếu năng suất cà-phê giảm hoặc tệ hơn là mất mùa thì ảnh hưởng tới chi tiêu của cả nhà”, ông Vinh bộc bạch. Ông phân tích: “Cây lạc dại có chu kỳ sinh trưởng theo mùa. Vào mùa khô, cây lạc chết, thân cây mùn vào đất trở thành nguồn dinh dưỡng bổ sung cho cây trồng”. Theo đó, ông Vinh giảm lượng phân bón hóa học theo từng năm, bổ sung phân bón hữu cơ bằng phương pháp ủ hỗn hợp phân bò và vỏ trấu. Đồng thời, lượng nước cung cấp cho vườn của ông cũng giảm khoảng 30% so các nông hộ khác.

Nâng “thương hiệu” nhà nông

Cách làm nông nghiệp có trách nhiệm của ông Vinh không hiếm. Mỗi mặt hàng nông sản đều có những đại diện tiêu biểu, có sức lan tỏa trong cộng đồng làm nông nghiệp. Hằng ngày, ông vẫn đều đặn nhận được điện thoại của các bạn trẻ từ các vùng lân cận như Đinh Trang Thượng, Tân Lạc, xa hơn có huyện Lâm Hà, Đức Trọng, ngoại tỉnh có Đắk Lắk, Đắc Nông.

Tháng nào vợ chồng ông cũng đón khách ghé thăm, để tham quan, học hỏi trao đổi kinh nghiệm làm nông nghiệp bền vững. Thậm chí, nhiều người bạn ngoại quốc từ những đất nước xa xôi như Hà Lan, Pháp, Hàn Quốc cũng đã từng đến cùng ông quây tròn trên thảm lạc dại thảo luận sôi nổi về nông nghiệp hữu cơ. Những người bạn Hà Lan còn xin đất về để nghiên cứu và phân tích thành phần. Đây cũng là địa chỉ của rất nhiều nhà khoa học, các viện, trường đại học tổ chức các chuyến thực địa tham quan, thực hành nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái và quản lý môi trường bền vững. Năm 2021, cà-phê Thuần Trịnh của ông Vinh đã được chứng nhận OCOP bốn sao.

Tháng 11/2023, ông Trịnh Tấn Vinh vinh dự được Tổng cục Đo lường chất lượng Việt Nam trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cử đi tham dự Hội thảo cải thiện năng suất thông qua cơ giới hóa Pakistan. Là một trong hai đại biểu của Việt Nam tham dự hội thảo, ông Vinh có cơ hội học hỏi, tìm hiểu lợi ích của cơ giới hóa từ các mô hình nông nghiệp bền vững của các nước châu Á và trao đổi kinh nghiệm về các yếu tố môi trường sinh thái bền vững.

Từ 47 học viên của lớp bồi dưỡng kiến thức nông nghiệp 15 năm trước, giờ đây chỉ còn mỗi mình ông theo đuổi. Quan điểm làm nông bền vững, hiệu quả và có trách nhiệm với môi trường đã đi cùng ông xuyên suốt. Tuổi ngoài 60, ông vẫn miệt mài học hỏi, cập nhật kiến thức mới. Mỗi lần tham dự một lớp trao đổi về cách làm nông nghiệp với bạn bè quốc tế, ông lại cẩn thận tỉ mỉ ghi chép vào sổ tay, xem đó như cẩm nang kinh nghiệm làm nông.

Ông Vinh có 1 ha cà-phê, bình quân mỗi năm thu được khoảng 3,7 tấn nhân. Đầu mùa, hai vợ chồng ông tự thu hoạch, 100% là trái cà-phê chín. Từng trái cà-phê đỏ thẫm chín mọng, chắc mẩy sẽ được lựa chọn để hái tỉa. Thời gian thu hoạch tại vườn ông Vinh có thể kéo dài gần hai tháng. Nếu hái đồng loạt như những nông hộ khác, chỉ cần thuê bốn lao động và mất khoảng hai ngày tương ứng với tám công, thì với 1 ha, hái theo tiêu chuẩn tuyển chọn như ông Vinh, mỗi mùa phải mất khoảng 28 công. Giá nhân công cao nhưng bù lại, cà-phê nhân của ông luôn đạt mức giá cao hơn giá thị trường khoảng 30 nghìn đồng/kg.