Áp lực cải tổ

Hội nghị mùa xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) khai mạc hôm nay (10/4). Các vấn đề như lạm phát cao, nguy cơ suy thoái kinh tế trong bối cảnh xung đột tiếp diễn trên thế giới dự kiến chiếm phần lớn nội dung thảo luận của hai định chế tài chính, tiền tệ quốc tế trong một tuần làm việc tại Mỹ.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: TOM JANSSEN
Biếm họa: TOM JANSSEN

Tuy nhiên, trước thềm Hội nghị, các nhà vận động và giới chuyên gia cũng thúc đẩy thảo luận vấn đề cải tổ IMF và WB, vốn đã được xới lên từ lâu, song đến nay vẫn chưa có tiến triển. Trong đó, mối quan tâm đặc biệt hướng tới việc thiết kế lại cấu trúc các thể chế tài chính quốc tế nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu.

Theo giới chuyên gia, các nước đang phát triển vẫn loay hoay tìm nguồn vốn cần thiết để chuyển đổi năng lượng, chấm dứt phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, vốn được cho là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng Trái đất ấm lên. Các nước cũng cần nguồn hỗ trợ lớn nhằm chuẩn bị ứng phó các kịch bản thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra.

Nhu cầu lớn là vậy, song khó khăn để đáp ứng trong bối cảnh các nước đối mặt tình trạng chi phí các loại không ngừng tăng và lạm phát cao, nợ công ngày càng lớn. Trong khi đó, các hình thái thời tiết cực đoan, bất thường vẫn xảy ra liên tiếp, với mức độ khắc nghiệt hơn.

Tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP27) năm ngoái, nhà lãnh đạo Barbados đã đưa ra sáng kiến Bridgetown. Trong đó, có đề xuất thúc đẩy đầu tư của IMF và WB cho các biện pháp giảm ô nhiễm carbon, hay đánh thuế lợi nhuận có được từ việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch.

Song, được cho là phải chịu trách nhiệm chính hỗ trợ các chương trình, hành động vì khí hậu, nhưng các nước phát triển vẫn chưa ráo riết thực hiện cam kết. Bất đồng liên quan việc cải tổ các cơ chế tài chính quốc tế, khiến các nước nghèo vẫn chưa thể tiếp cận nguồn hỗ trợ quốc tế giúp chống chọi biến đổi khí hậu, mà họ không phải là “bên đóng góp chính”.

Giới chuyên gia cảnh báo, không còn nhiều thời gian để đầu tư và hành động để hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5oC. Cải tổ thể chế tài chính quốc tế, tạo thuận lợi hỗ trợ hành động khí hậu sẽ giúp giảm bớt nguy cơ “trả giá đắt”, về cả môi trường và kinh tế toàn cầu.