Anh tìm giải pháp cho vấn đề người di cư

Suốt nhiều năm qua, nước Anh luôn phải đau đầu đối phó tình trạng người di cư bất hợp pháp, chủ yếu tới từ khu vực Trung Đông và châu Phi. Thủ tướng Anh Rishi Sunak vừa tỏ rõ quyết tâm và thái độ cứng rắn đối với người di cư trái phép vào Xứ sở sương mù.
0:00 / 0:00
0:00
Một nhóm người di cư bị phát hiện khi nhập cư bất hợp pháp vào Anh. Ảnh: BBC
Một nhóm người di cư bị phát hiện khi nhập cư bất hợp pháp vào Anh. Ảnh: BBC

Thái độ cứng rắn

Bất cứ ai nhập cư bất hợp pháp vào Anh sẽ không thể ở lại, Thủ tướng Anh Rishi Sunak vừa tái khẳng định quan điểm này trong bối cảnh có 45.700 người di cư qua eo biển Manche tới Anh trong năm 2022, tăng mạnh so con số 28.000 người năm 2021 và 8.000 người năm 2020. Ông Rishi Sunak coi việc ngăn chặn các thuyền nhỏ chở người di cư là một trong năm ưu tiên trong nhiệm kỳ thủ tướng của ông.

Trả lời phỏng vấn tờ The Mail, ông Rishi Sunak khẳng định: “Đừng mắc sai lầm, nếu bạn đến (nước Anh) bằng con đường bất hợp pháp, bạn sẽ không thể ở lại đây”.

Trong khi đó, trả lời trên kênh Sky News về việc những người nhập cư bất hợp pháp vào Anh có bị cấm xin quy chế tị nạn hay không, Bộ trưởng phụ trách vấn đề Bắc Ireland, ông Chris Heaton-Harris khẳng định, những người nhập cư trái phép sẽ bị trả về nơi xuất phát hoặc phải chuyển đến những nước khác như Rwanda. Ông nhấn mạnh còn có nhiều con đường hợp pháp và an toàn khác để xin tị nạn tại Anh, thay vì nhập cư bất hợp pháp.

Người tiền nhiệm của ông Rishi Sunak là cựu Thủ tướng Boris Johnson cũng rất mạnh tay đối với vấn đề di cư bất hợp pháp. Ông Boris Johnson từng ra lệnh cho các lực lượng liên quan từ chối các trường hợp nhập cư không đủ điều kiện và trục xuất bất kỳ ai nhập cảnh trái phép vào Anh cũng như những người đã đến Anh bất hợp pháp kể từ ngày 1/1/2022.

Bộ Nội vụ Anh cảnh báo, một lượng lớn người Albania đang bị các tổ chức buôn người và băng nhóm tội phạm lừa gạt để thực hiện những hành trình vượt biển nguy hiểm trên những con thuyền mỏng manh đến Anh. Theo bộ này, thông qua hợp tác với Albania, Anh sẽ đẩy nhanh tiến trình trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp đến từ Albania. Có thời điểm, gần 40% số người di cư tìm cách đến Anh là từ Albania.

Anh tìm giải pháp cho vấn đề người di cư ảnh 1

Đại diện Anh (trái) và Rwanda thông báo ký kết một thỏa thuận liên quan người di cư.Ảnh: CNN

Tìm giải pháp lâu dài

Thủ tướng Rishi Sunak vừa có cuộc điện đàm với Tổng thống Rwanda Paul Kagame, trong đó thảo luận quan hệ hợp tác liên quan vấn đề người di cư, cũng như các biện pháp chống nạn buôn người và giải pháp đối với vấn đề nhân đạo. Theo thông báo của Văn phòng Thủ tướng Anh, trong cuộc điện đàm, hai bên đã cam kết duy trì phối hợp để mối quan hệ hợp tác quan trọng này đạt kết quả tốt nhất.

Chính phủ Anh công bố Luật Di trú bất hợp pháp nhằm ngăn chặn dòng người di cư trái phép vượt eo biển Manche bằng thuyền nhỏ để đến Anh. Theo đó, luật mới sẽ cấm những người nhập cư bất hợp pháp vào Anh xin quy chế tị nạn cũng như không được phép nhập cảnh vào Anh sau này, đồng thời cho phép chuyển những người này đến những nước khác như Rwanda. Chỉ có người dưới 18 tuổi và người đang bệnh tật đến Anh bằng thuyền nhỏ được phép xin tị nạn. Những người nhập cư bất hợp pháp sẽ bị bắt giữ, không có quyền nhận bảo lãnh hoặc đánh giá tư pháp trong 28 ngày đầu tiên bị bắt. Theo luật mới, Bộ Nội vụ Anh chịu trách nhiệm trục xuất người nhập cư trái phép khỏi Anh sớm nhất có thể.

Thủ tướng Rishi Sunak dự kiến có cuộc gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào ngày 10/3, trong đó ông Rishi Sunak sẽ đề xuất tăng cường hợp tác nhằm chống lại nạn buôn người qua eo biển Manche. Thủ tướng Rishi Sunak năm ngoái đã cam kết rằng, khi tình trạng di cư trái phép qua tuyến đường biển nguy hiểm này chấm dứt, Anh sẽ triển khai các con đường hợp pháp và an toàn khác cho những người xin tị nạn. Thủ tướng Rishi Sunak hy vọng thỏa thuận Brexit mới với Liên minh châu Âu (EU) sẽ giúp thúc đẩy hợp tác với Pháp nói riêng và EU nói chung trong việc kiểm soát dòng người vượt biển trái phép đến Anh.

Trước đó, người phát ngôn của Thủ tướng Rishi Sunak cho biết, Anh đang ở trong tình thế khó khăn, khi việc di cư trái phép cản trở nước này giúp đỡ những người thật sự cần đến hỗ trợ, do đó Chính phủ Anh phải có biện pháp cứng rắn để ngăn chặn vấn nạn này. Năm 2022, cựu Thủ tướng Boris Johnson đã nhất trí với thỏa thuận chuyển tới Rwanda hàng chục nghìn người nhập cư, chủ yếu đến từ Afghanistan, Syria và các khu vực có xung đột. Chính sách này đã vấp phải các tranh cãi pháp lý sau khi chuyến bay chở người di cư đầu tiên bị hủy vào phút chót theo phán quyết của Tòa án Nhân quyền châu Âu.

Kiểm soát nhập cư là vấn đề quan trọng thứ ba đối với cử tri Anh, chỉ sau các vấn đề liên quan nền kinh tế và dịch vụ sức khỏe. Kết quả cuộc thăm dò dư luận của YouGov cho thấy, 87% người dân Xứ sở sương mù cho rằng chính phủ chưa giải quyết được vấn đề di cư một cách thỏa đáng. Hiện vẫn tồn tại nhiều sự nghi ngờ đối với tính hiệu quả của chính sách mới.