1/Gắn bó và xem Trại chăn nuôi Suối Dầu như nhà của mình nhiều năm qua, Trưởng trại Nguyễn Văn Minh chia sẻ, đây là trại chăn nuôi động vật nhưng chỉ để nhằm phục vụ mục tiêu nghiên cứu vaccine và sinh phẩm cho con người. Trải qua bao tháng năm, vật nuôi ở Trại chăn nuôi Suối Dầu đã làm tốt “sứ mệnh” của mình. Mỗi sản phẩm được nghiên cứu ra giúp hàng vạn người dân phòng một số căn bệnh khiến ai ở trại chăn nuôi cũng thấy hạnh phúc. Tại đây đang nuôi 3 động vật chính gồm ngựa, gà Pháp, chuột (gồm chuột bạch, chuột lang, chuột nhắt).
Đến hết năm 2024, Trại chăn nuôi Suối Dầu đang chăm sóc, nuôi dưỡng 394 con ngựa. Máu của đàn ngựa này đã giúp các nhà khoa học nghiên cứu ra huyết thanh kháng bệnh uốn ván, ngừa bệnh dại, ngừa sự xâm nhập độc tố của các loại rắn cực độc như rắn hổ mang, rắn cạp nia, rắn lục. Các loại huyết thanh này hiện nay cung ứng cho cả nước. Đối với chuột bạch, chuột lang, chuột nhắt ở Trại chăn nuôi Suối Dầu dùng để phục vụ cho việc thử nghiệm, kiểm định. Ăn sâu vào ý nghĩ của nhiều cán bộ, nhân viên Trại chăn nuôi Suối Dầu suốt nhiều năm qua, chăn nuôi là để góp phần tạo ra sản phẩm có ý nghĩa to lớn cho xã hội, phòng bệnh cho hàng triệu con người nên ai cũng chăm chút các vật nuôi như chăm… con mọn.
Trưởng trại Nguyễn Văn Minh tại khu vực nuôi ngựa để lấy máu nghiên cứu huyết thanh ngừa bệnh dại, rắn độc. |
2/Sau khi mát-xa lưng, chải bờm cho ngựa, ông Nguyễn Long Hồ chia sẻ: “Tôi chăm sóc ngựa ở đây đã 30 năm rồi. Phải chịu khó, sáng sớm là đi kiểm tra sức khỏe và thức ăn xanh cho ngựa, đêm cũng phải đi kiểm tra thường xuyên xem ngựa thế nào. Trong 30 năm chăm ngựa, tôi có rất nhiều kỷ niệm với vật nuôi này. Khi ngựa bị ốm, sốt, mình phải truyền nước, tiêm thuốc bổ, túc trực cả đêm vì thương ngựa. Nhiều cái Tết, chúng tôi thay nhau ngày đêm túc trực bên đàn ngựa. Bản thân tôi, 30 năm công tác thì cả 30 năm đều ăn Tết bên ngựa. Xuân Ất Tỵ này lại túc trực chăm ngựa nữa là năm thứ 31”.
Theo ông Hồ, những ngày Tết gác mọi niềm vui riêng lại để cận kề chăm đàn ngựa, đón xuân trong trại chăn nuôi cũng như ở nhà. Một số nhân viên chăm sóc ngựa khác cũng chia sẻ, có hôm đang quây quần bên mâm cỗ Tết, vẫn nhớ đàn vật nuôi vì lúc nào cũng mong vật nuôi thật khỏe mạnh.
Cũng như đàn ngựa, đàn gà Pháp, các loại chuột ở Trại chăn nuôi Suối Dầu cũng được chăm sóc chu đáo. Có kinh nghiệm nhiều năm chăm sóc đàn gà Pháp, ông Nguyễn Quang Huy tâm tình, thường một ca làm việc của ông xuyên suốt từ 7 giờ đến 16 giờ. Các công đoạn theo dõi sức khỏe, phân chia khẩu phần ăn cho gà được thực hiện cẩn thận. Đồng thời, việc an toàn sinh học trong khu chăn nuôi gà Pháp thực hiện rất nghiêm ngặt. Ai muốn vào phải thay đồ, tắm rửa, đeo găng tay, đi qua buồng sát khuẩn… Ngày Tết, phải chia nhau túc trực 24/24 giờ.
Nhìn các cán bộ, nhân viên tất bật chuẩn bị cho việc trực Tết Ất Tỵ, Trưởng trại Nguyễn Văn Minh thổ lộ: “Để ra đời được một sản phẩm, thí dụ như huyết thanh kháng rắn độc, bao bàn tay, khối óc phải cần mẫn làm việc xuyên nhiều ngày đêm. Vì thế, khi cung ứng các sản phẩm này đi cả nước, chúng tôi tính toán lấy giá thành rẻ nhất, vì là các sản phẩm đặc thù để cứu người, phòng bệnh, càng nhiều người cần được sử dụng càng tốt”.
Vất vả là thế nhưng theo ông Huy, các Tết năm trước cũng như xuân Ất Tỵ 2025 này, ai cũng vui vẻ sẵn sàng đón Tết trong khu chăn nuôi gà, liên tục dõi theo từng bước đi, cách ăn của gà xem có khỏe mạnh bình thường không. “Việc chăm vật nuôi là để góp phần cống hiến cho cứu người nên ai cũng cố gắng”, ông Huy bộc bạch.