An ninh bất ổn tại CHDC Congo

Cuối tháng 3 vừa qua, Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua Tuyên bố chủ tịch, yêu cầu phiến quân M23 rút khỏi tất cả khu vực chiếm đóng ở CHDC Congo. Tuyên bố thể hiện sự quan ngại của LHQ về tình hình an ninh bất ổn ở quốc gia miền trung châu Phi.
0:00 / 0:00
0:00
Binh sĩ Uganda được cử sang hỗ trợ bảo đảm an ninh tại CHDC Congo. Ảnh: MILITAINMENT NEWS
Binh sĩ Uganda được cử sang hỗ trợ bảo đảm an ninh tại CHDC Congo. Ảnh: MILITAINMENT NEWS

Lên án mạnh mẽ

Tuyên bố cho biết, Hội đồng Bảo an LHQ lên án mạnh mẽ việc phiến quân M23 gia tăng các cuộc tấn công ở tỉnh Bắc Kivu những tháng gần đây, nhấn mạnh những động thái của M23 đang làm an ninh xấu đi và làm trầm trọng thêm tình hình nhân đạo trong khu vực. LHQ yêu cầu tuân thủ ngay lập tức và đầy đủ các cam kết về chấm dứt chiến sự, cũng như các hoạt động quân sự của M23 và nhóm này phải rút quân khỏi các khu vực chiếm đóng theo thỏa thuận được thông qua trong Tiến trình Luanda do Liên minh châu Phi (AU) dẫn dắt. Tuyên bố nêu rõ, Hội đồng Bảo an yêu cầu các lực lượng bên ngoài ngay lập tức ngừng hỗ trợ M23 và rút khỏi CHDC Congo.

Hội đồng Bảo an LHQ cũng lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công ngày càng gia tăng của một số nhóm vũ trang khác nhằm vào dân thường ở các tỉnh Ituri và Bắc Kivu của CHDC Congo, yêu cầu tất cả thành viên của các nhóm vũ trang này giải tán lập tức và vĩnh viễn, hạ vũ khí, chấm dứt và ngăn chặn các hành vi vi phạm đối với phụ nữ và trẻ em, đồng thời trả tự do cho trẻ em đang tham gia lực lượng này.

Hội đồng Bảo an cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng hiện nay, kêu gọi các nhóm vũ trang ở CHDC Congo tham gia vô điều kiện vào Tiến trình Nairobi do Cộng đồng Đông Phi dẫn dắt. Tuyên bố nhấn mạnh, Hội đồng Bảo an LHQ tái khẳng định sự ủng hộ đối với các nỗ lực của khu vực thông qua Tiến trình Nairobi và Tiến trình Luanda nhằm xây dựng lại lòng tin, giải quyết những khác biệt thông qua đối thoại và tiếp tục tận dụng các tổ chức và cơ chế tiểu vùng hiện có.

Hậu quả xung đột

Ngay sau Tuyên bố của Hội đồng Bảo an LHQ, quốc gia láng giềng Uganda đã cử 1.000 binh sĩ tham gia phái bộ gìn giữ hòa bình khu vực tại miền đông CHDC Congo. Chỉ huy các lực lượng trên bộ thuộc Các lực lượng Phòng vệ nhân dân Uganda, ông Kayanja Muhanga nêu rõ, lực lượng này có nhiệm vụ theo dõi tiến trình hòa bình tại miền đông CHDC Congo. Việc triển khai binh sĩ này diễn ra sau quyết định được thông qua tại Hội nghị cấp cao các nước thành viên Cộng đồng Đông Phi về hòa bình và an ninh của CHDC Congo ở Thủ đô Nairobi (Kenya).

Liên quan tình hình xung đột, có 25 nhà hoạt động chính trị của Liên đoàn quốc gia những người ủng hộ liên bang Congo (UNAFEC) thiệt mạng trong vụ tấn công tại thành phố Lubumbashi, đông nam CHDC Congo cuối tháng 3 vừa qua. Thị trưởng thành phố Lubumbashi, Martin Kazembe đã tuyên bố mở cuộc điều tra để xác định thủ phạm vụ tấn công. Năm ngoái, nhóm phiến quân M23 đã phát động các cuộc tấn công ở miền đông giàu khoáng sản của CHDC Congo, khiến hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa, bất chấp sự ngăn chặn của quân đội và các nỗ lực khu vực nhằm giải quyết xung đột. M23 đã đánh chiếm một số vùng lãnh thổ và tiến gần tới khu vực Goma, buộc bảy quốc gia thuộc Cộng đồng Đông Phi (EAC) thông qua việc triển khai quân vào tháng 11/2022.

Người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ, ông Stephane Dujarric cho biết, các cuộc giao tranh ở hai tỉnh miền đông của CHDC Congo đã làm gián đoạn việc học tập của hơn 750.000 trẻ em. Số liệu mới nhất do Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) công bố cho thấy, tại các tỉnh Bắc Kivu và Ituri, ít nhất 2.100 trường học đã phải đóng cửa do tình hình an ninh ngày càng xấu đi, trong đó có 119 trường học bị các nhóm vũ trang tấn công, chiếm đóng hoặc sử dụng tạm thời.

Quy mô cuộc khủng hoảng này có nghĩa là phần lớn trẻ em sống trong các trại tị nạn trong các khu vực mà nhóm phiến quân M23 chiếm đóng hoặc có giao tranh không thể đến trường học. Ông Dujarric cho biết, UNICEF đang hỗ trợ xây dựng các không gian giảng dạy tạm thời và cung cấp tài liệu học tập cho học sinh, bên cạnh việc đào tạo giáo viên trong các lĩnh vực liên quan, bao gồm cả hỗ trợ tâm lý xã hội.