Phòng có sáu người, trừ anh ra thì toàn các vị cao niên, tiếng tăm lừng lẫy. Nghe Thụ kể, vợ ngấm nguýt: “Ấy là anh cứ khiêm tốn, chứ học hàm học vị mình kém gì ai?”. Như bao lần, Thụ thở dài, lảng sang chuyện khác. Hè oi ả, cảm giác từng mảng nắng già đanh, giòn vỡ đang chao chát đập vào cửa sổ kính, lớp rèm mỏng mảnh bị vô hiệu hóa hoàn toàn. Nhưng chỉ ánh sáng len được vào căn phòng lành lạnh. Thi thoảng, lại có người kêu rét quá, bác sĩ cho biết đã chỉnh điều hòa ở mức nhiệt cao nhất, ai lạnh mời đắp thêm chăn. “Cậu là sướng nhất, không mòn mỏi như cánh già này”, một cụ ông nhìn Thụ, vừa nói vừa ho. “Em ngoài năm mươi rồi, trẻ trung gì nữa”, giọng Thụ dịu hết cỡ. “Đã là gì, chúng tớ đây, ít tuổi nhất cũng qua thất thập, cụ đằng kia vừa mừng thọ chín nhăm…”, cụ ông khác tiếp lời. Thụ thấy tình cảnh đúng thế thật. Lạ cái là anh chẳng thấy mình khác các cụ bao nhiêu. Cũng thuốc, cũng tiêm, cũng suất ăn, giấc ngủ như thế. Có vẻ việc nhập viện điều trị đã quen như cơm bữa, chẳng ai cần người nhà vào chăm.
Đêm, đang yên giấc bỗng kin kít, rầm rập tiếng bước chân, giọng nói gấp gáp, giật cục. “Oxy!”, “Nhanh”, “Cấp cứu”, “Tiếp tục đi”… Một cụ trong phòng tình trạng xấu, cả kíp bác sĩ, y tá đã đẩy đi. Đang trằn trọc, lại nghe ai đó đập tay vào ngực kìm cơn ho, tiếng thở dài, nấc nghẹn… Thụ hé mắt qua ô cửa sổ, hình như vừa có cơn mưa nhỏ ghé qua, ánh trăng chênh chếch tráng một lớp sáng nhóng nhánh trên từng phiến lá đang khe khẽ rung rinh. Thụ bỗng nhớ Đính. Đính là bạn thân. Năm ngoái cũng nhập viện này, có lẽ cũng mất ngủ nhìn trăng, nhìn lá thế này. Tin nhắn bạn, Thụ còn lưu trong điện thoại: “Đêm trong bệnh viện thật dài. Mọi thứ tưởng ổn mà không ổn. Người ngợm chẳng vấn đề gì, thế mà vẫn cứ thấy bị bóp nghẹt bởi không khí chung quanh. Người được đưa ra khỏi phòng và không bao giờ trở lại. Người vừa hôm qua cười nói nay đã bơ phờ, ngơ ngác…”. Chính Thụ cũng không ngờ, chỉ vài đêm sau đó, Đính đột ngột rời xa tất cả. Căn bệnh của Đính vốn không có tiên lượng xấu. Thụ hận mình, trách mình đã quá chủ quan, vô tâm, chưa ghé viện thăm nom được bạn được ngày nào. Cũng bởi trên mạng xã hội vẫn thấy Đính online đều, chăm chỉ đăng lại ảnh thời sinh viên, “câu like” và thả tim trong nhóm lớp liên tục.
*
Sau ngày định mệnh ấy, Thụ ngồi ghế gỗ ngoài hiên, không chịu nổi không khí bung biêng, váng vất bên trong căn biệt thự ngoại ô của vợ chồng Đính. Rõ ràng vợ Đính rất hiểu tính chồng nên đã tế nhị thông báo không nhận vòng hoa, phúng điếu. Nhà cửa vì thế không quá u ám, những loài hoa nở rộ mùa hè, những món chay Đính thích được bày biện trang nghiêm, ấm áp đón người thân, bạn bè ghé thăm nhà, chia buồn việc Đính “đi vắng” không về lại. Lòng Thụ hết quặn đau lại òa vỡ. Mọi điều càng theo ý Đính, Thụ càng cảm giác Đính quanh đây. Đính im lặng quá lâu, Thụ không chịu nổi. Đang mông lung, bỗng phía trong nhà xôn xao, ồn ào khác lạ. Thụ định đứng dậy quay vào chợt như có bàn tay níu xuống, như nhắc nhở hãy ngồi yên đấy. Tiếng vợ Đính rành rọt: “Hết hôm nay, những giá sách của nhà em và cả tranh nữa, mọi người có thể tùy ý mang đi. Ai dùng được gì thì dùng, nếu không cũng có thể cho, tặng tùy ý. Tác phẩm chỉ ý nghĩa khi có người đọc, người thẩm. Nhà này em không đọc sách, ngắm tranh, các cháu du học chưa về lại, mà em cũng chưa từng thấy chúng mặn mà…”.
Thụ sững người, mồ hôi lạnh gáy. Sao vợ Đính lại nói câu chuyện ấy vào lúc này, một cách rõ ràng, ráo khô như thế? Từng cuốn sách, từng bức tranh Đính sưu tầm từ thuở không một xu dính túi. Suốt thời đại học, rồi nghiên cứu sinh, rồi có danh có phận trong giới viết, chưa bao giờ công việc ấy ngừng lại. Mỗi lần “rước” được cuốn sách nào quý hiếm, Đính đều gọi Thụ qua, thắp nến thơm mùi gỗ thông, pha ấm trà cúc để cùng thưởng thức. Hai người bạn không nhất thiết sẽ đọc. Đôi khi, sách cứ yên vị trang trọng một góc, nghe hai người bạn tâm giao rủ rỉ tới khuya. Chuyện đời, chuyện nghề, trường lớp, học trò. “Nếu có lúc mình đi xa, tất cả không gian này Thụ phải thừa kế đấy nhé”, câu bông đùa vu vơ của bạn khiến Thụ chau mày.
Sao không hỏi Thụ một lời, chưa gì vợ Đính đã tự cho mình định đoạt số phận cho khối tài sản quý giá ấy của chồng? Mắt Thụ nhòe đi, hai bàn tay lập cập đan nhau. Anh toan đứng dậy, định nói một câu khẳng khái với vợ bạn, nhưng không đứng nổi. Phía sau khóm ngâu lấm tấm hoa, chập chờn đôi mắt Đính. Đính như muốn nhủ bạn: Thôi chúng mình im lặng.
*
Không phải Thụ, mà chính vợ anh giục giã liên hồi phải tới nhà Đính mang sách về. Chần chừ mãi Thụ mới đi. Day dứt, ấm ức, bức bối không tả nổi. Vợ trách móc, thấy bất hợp lý sao không gọi vợ Đính một câu là xong. Rằng chồng cô từng nhắn nhủ thế, đằng nào sách cũng biếu cũng tặng, cứ để tôi lo. Nhưng Thụ không làm được, không nói được. Vợ Đính chứ nào phải Đính đâu.
Vừa tới ngõ nhà bạn, Thụ đã thấy mấy chiếc ô-tô chờ sẵn. Người nọ nối người kia mang vác sách vở, tranh vẽ ra khỏi nhà. Cũng toàn gương mặt quen, vừa hôm qua ai nấy còn ủ rũ như tàu lá héo. Thụ không mở cửa, cứ đứng trân trân nhìn xoáy vào khoảng trống. Kia là Thám, bạn của cả hai, xưa vẫn trách móc Đính tiền ăn không có bày đặt sưu tầm sách. Hắn đang hùng hục khuân sách như khuân gạch. Thùng xe bán tải chất đầy ắp vẫn cố chằng buộc thêm. Cả vợ chồng Thao nữa, đứng chỉ đạo nhân viên. Thao tập trung vào những bức tranh toàn của các họa sĩ bậc cha chú quý mến, tôn trọng tài năng của Đính ký tặng riêng. Nghe đâu nhà Thao có đến mấy gallery trên phố lớn, hằng tuần đều tổ chức đấu giá tranh. Chẳng biết số tranh kia có lên sàn không mà nhân viên nhà Thao xịt chất bảo quản, phủ dán kỹ càng thế. Mấy cậu học trò thân thiết của Đính và Thụ có vẻ tiết chế hơn, biết nhìn ngó sau, nhưng từng đôi tay vẫn cố mau mắn thu gom, sắp xếp. Điện thoại Thụ đổ chuông, giọng vợ Đính đầy sốt sắng: “Mọi người sắp chuyển đồ đi hết rồi, anh mau đến xem còn gì anh muốn lấy thì lấy luôn một thể. Anh có dặn riêng gì nói luôn với em nhé!”. Đính im lặng.
Bốn bức tường lỗ chỗ vết đinh, vết hằn in giá sách và sàn nhà lấm tấm vụn mọt. Thụ ngồi bó gối giữa không gian ấy. Mùi sách, mùi sơn dầu, giấy dó, mùi thời gian và kỷ niệm vây bọc Thụ như một cái kén. Xuyên qua những lớp tơ mong manh, Thụ thấy bóng hình Đính chập chờn. Đính vít khẽ một sợi tơ kéo ra chầm chậm. Đính như sợ bạn đau. Sợ bạn giật mình.
Câu chuyện về gia tài sách và tranh của Đính lan khắp nơi. Thụ đi dạy mãi Quảng Bình vẫn nghe đồng nghiệp, học trò bàn tán. “Cô ấy thế là văn minh, nhà không đọc không ngắm thì cho tác phẩm sống những đời sống khác”; “Chứ còn gì, đầy người cứ khư khư ôm lấy cái kho bụi phủi, người đi chắc đã yên lòng”; “Nhưng ấy là với điều kiện phải trong sáng, vô tư. Chứ tôi biết có những ông bạn, thậm chí học trò, mang sách, mang tranh có chữ ký tặng bạn mình, thầy mình đi đấu giá”; “Thì cũng chả làm sao, giá trị vẫn cứ là lan tỏa. Không cách này thì cách khác”…
Chuỗi tranh cãi khiến Thụ váng vất. Bữa cơm hội ngộ phút chốc thành ra toàn tiết lộ, tố cáo, kết tội lẫn nhau. Và Thụ thấy tội mình là to nhất. Thụ đã bỏ mặc bạn và không gian của bạn. Giờ điều mọi người làm Thụ còn chẳng biết đúng hay sai. Lòng dạ cồn cào, đắng đót. Trong khoảng không lùng bùng sáng tối, giữa bầu thanh âm rợn ngợp chênh chao, Thụ thấy Đính cười trong im lặng.
*
Đêm vắt qua đêm dài. Óng ả đường tơ. Trăng sáng đến thẫn thờ. Muôn hạt bụi li ti bay theo luồng sáng. Thụ thấy mình đang dạo bước trên nẻo mòn. Đính đợi sẵn, trà thơm sóng sánh. Thụ muốn hỏi, sao hôm trước Đính lại cười, không buồn, không thất vọng ư? Đính vẫn luôn đoán biết ý bạn, vỗ vai thật nhẹ: “Cô ấy không sai đâu. Và không ai trong chúng ta sai cả”…
Thụ mở choàng mắt, mầu trắng đường đột bao phủ chung quanh. Cảnh tượng căng nét dần, bác sĩ rút ống nghe khỏi cơ thể và cho biết, anh vừa hôn mê. Gương mặt vợ Thụ âu lo, se thắt. Bên cạnh là vợ Đính và con trai. Cậu chàng chắc mới về nước nghỉ hè.
“Bác mệt lắm không bác? Lúc hôn mê bác toàn gọi tên bố cháu. Mọi người lo quá”, con trai thứ của Đính có chất giọng ấm trầm hệt bố. Cái cách nắm tay thật chặt, xoa dịu ân cần cũng giống Đính lắm. Vừa hỏi han, chàng trai trẻ vừa chậm rãi bày tỏ những dự định đang dang dở. Cậu chàng đã thiết kế xong một website có kết cấu như một bảo tàng số hóa với nguồn dữ liệu khổng lồ về các tác phẩm nghệ thuật được bố anh sưu tầm, sở hữu cùng những câu chuyện giai thoại thú vị của giới văn nghệ sĩ. Chỉ ít phút sau khi đăng tải những dòng tâm sự về ý tưởng lưu giữ câu chuyện, tác phẩm và kế hoạch lựa chọn gây quỹ thiện nguyện cho trẻ em vùng sâu miền xa vượt khó, từng đợt phản hồi ào ạt, tới tấp như sóng biển. Thám chia sẻ ngay dòng trạng thái đó đồng thời là đầu mối tiếp nhận lại những tác phẩm mọi người muốn gửi lại. Vợ chồng Thao đăng tải loạt hình ảnh các bức tranh đã vào khung trang trọng, thẩm mỹ và thực tế nó luôn được bảo quản trong căn phòng rộng rãi, chế độ hút ẩm, bảo quản tiêu chuẩn…
“Nhiệm vụ của bác bây giờ là chóng khỏe lại, còn bao nhiêu câu chuyện cháu và mọi người muốn được nghe”, giọng con trai Đính thì thầm ấm áp. Thụ cảm tưởng bạn mình cũng đang đứng đó, gửi theo âm vọng của niềm tin.