Những dấu hiệu tích cực
Hiện nay, khi cả xã hội cùng coi việc bảo vệ môi trường là ưu tiên số một, rất nhiều quán cà-phê ở Hà Nội cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng “làn sóng” đó. Các chủ quán tích cực hưởng ứng bằng những hành động hoặc sự thay thế nho nhỏ như thay ống hút nhựa bằng ống hút tre, ống hút inox, túi nylon được thay bằng túi giấy, túi vải, cùng những cam kết và ưu đãi dành cho khách hàng hưởng ứng phong trào sống xanh, giảm thiểu nhựa.
Dạo quanh phố phường Thủ đô, có thể thấy rất nhiều nơi đang hưởng ứng phong trào sống xanh từ việc thay đổi suy nghĩ và phong cách sống. Quán cà-phê All Day Coffee (số 37, Quang Trung, Hoàn Kiếm) là một trong những nơi đi đầu theo trào lưu sống xanh ở Hà Nội. Dòng chữ “100% đồ uống phục vụ kèm ống hút giấy, mềm hơn ống hút nhựa và thân thiện hơn với môi trường” là thông điệp quán muốn gửi tới cộng đồng: hãy cùng nhau bảo vệ môi trường. Thông điệp này tuy đơn giản nhưng nó nhắc nhở mọi người rằng công cuộc giảm thiểu rác thải nhựa nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung không phải là một trào lưu, mà cần trở thành ý thức và trách nhiệm của mỗi người. All Day Coffee đã thử nghiệm qua nhiều loại ống hút như ống hút giấy, ống hút tre… để có những thay đổi tích cực, nhằm chọn ra loại ống hút vừa thân thiện môi trường, vừa khiến cho khách hàng cảm thấy hài lòng nhất. Cùng việc thay đổi ống hút nhựa thành ống hút giấy, quán còn dùng cốc giấy và túi giấy cho đồ uống mang đi.
Ngoài All Day, ở Hà Nội cũng có không ít quán cà-phê hướng đến tiêu chí xanh, thân thiện môi trường như quán Cùi Dìa Cafe (ngách 84/2, ngõ 84 Ngọc Khánh) sử dụng ống hút tre, cỏ, đồ uống mang về đựng vào bình thủy tinh; Xofa Cafe & Bistro (số 14, phố Tống Duy Tân), Four Springs Tea House (số 9, phố Hoàng Cầu và số 159, đường Xã Đàn) dùng ống hút giấy, tre, đựng đồ mang đi bằng cốc giấy, dán thông điệp nhắc khách sử dụng giấy tiết kiệm… Bằng những chính sách bán hàng khác nhau, các quán cà-phê này đang cố gắng truyền tải tới mọi người ý thức bảo vệ môi trường và giảm thiểu rác thải, đặc biệt rác thải nhựa.
Nếu các quán cà-phê thay đổi chất liệu ống hút, cốc nhựa thì các chuỗi cửa hàng, trung tâm siêu thị cũng đang thay đổi thói quen sử dụng túi nylon, đồ nhựa dùng một lần. Tại các chuỗi siêu thị lớn như Coop Mart, Vin Mart hay Lotte Mart, một loạt các loại túi nylon đựng thực phẩm được thay bằng lá chuối, túi vệ sinh tự hủy. Khi cân hàng để thanh toán, nhân viên sẽ dán trực tiếp giá thành lên thực phẩm hoặc sử dụng túi nylon sản xuất từ bột ngô để gói sản phẩm, nhất quán thực hiện mục tiêu giảm thiểu túi nylon.
Đại diện siêu thị Lotte Mart Đống Đa cho biết, theo định hướng phát triển của chuỗi siêu thị này, tới năm 2025 sẽ trở thành siêu thị đầu tiên tại Việt Nam 100% không sử dụng túi nylon. Đối với các sản phẩm bảo vệ môi trường bày bán trong siêu thị, Lottemart cũng đưa ra chính sách giảm chi phí thuê diện tích quảng bá sản phẩm để người tiêu dùng được tiếp cận các sản phẩm thân thiện môi trường. Bên cạnh đó, siêu thị này còn hợp tác cùng các nhà sản xuất bao bì thân thiện môi trường và hỗ trợ một phần quảng bá thương hiệu của nhà sản xuất các sản phẩm xanh, sạch. “Từ khoảng giữa năm nay, chúng tôi đã hợp tác cùng một công ty sản xuất túi nylon sinh học để hướng người tiêu dùng sử dụng túi nylon làm từ bột ngô, có thể phân hủy hoàn toàn sau khi đã sử dụng. Ngoài ra, chúng tôi cũng bày bán các sản phẩm thân thiện môi trường như hộp đựng thức ăn chín bằng bã mía, ống hút từ bột gạo… tạo thành góc xanh trong các siêu thị”, đại diện Lotte Mart cho biết.
Nhiều điểm kinh doanh cam kết ưu đãi cho khách hàng hưởng ứng phong trào sống xanh, giảm thiểu nhựa. Ảnh: NG.ANH
Vẫn còn băn khoăn
Mặc dù các siêu thị, cửa hàng… đã và đang hưởng ứng trào lưu hạn chế sử dụng rác thải nhựa, rác thải nylon như một hành động thiết thực nhằm bảo vệ môi trường. Tuy nhiên trên thực tế, việc sử dụng túi nylon, ly nhựa và các sản phẩm bao bì bằng nhựa vẫn đang là thói quen hằng ngày của người tiêu dùng.
Tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, việc sử dụng túi nylon để đựng đồ diễn ra khá phổ biến. Từ hàng rau, hàng thịt, cá, tới các cửa hàng quần áo thời trang, túi xách, giày dép… không khó để bắt gặp những chiếc túi nhiều mầu được sử dụng cho từng mục đích khác nhau. Chủ cửa hàng hoa quả ở chợ Định Công chia sẻ: “Nếu không dùng túi nylon để đựng, có khi khách không mua, vì không phải ai đi chợ cũng mang túi, giỏ theo. Nếu dùng túi vải, túi thân thiện môi trường thì chi phí lại đội lên rất cao, có khi tới vài nghìn đồng/túi, mà như vậy thì buôn bán đâu còn lãi nữa”.
Một thực tế không vui là hiện nay túi nylon không chỉ được dùng để đựng các loại đồ gia dụng hay thực phẩm tươi sống mà kể cả thức ăn nấu chín như cháo, cơm, bún, nước đậu, canh nóng… cũng được các chủ hàng sử dụng thường xuyên, bày bán ngót nghét cả tiếng nên thỉnh thoảng xuất hiện cả mùi nồng của nhựa. Thế nhưng, bỏ qua những mối nguy tiềm ẩn khả năng mắc bệnh từ hóa chất nhựa, hiện nay phần lớn các quán cơm bình dân gần khu vực các trường đại học, các công trường xây dựng ở Hà Nội đều sử dụng hộp xốp và hộp nhựa để bán cho khách hàng có nhu cầu mang đi. Một suất cơm sinh viên giá chỉ từ 20 nghìn - 30 nghìn đồng nên toàn bộ cơm, canh, thức ăn… đều được đựng trong đĩa nhựa, cốc nhựa, hộp xốp. Với giá từ 300 - 500 đồng/hộp xốp, các quán ăn thường mua số lượng lớn để đựng đồ ăn nếu khách có nhu cầu đem đi hoặc giao hàng tận nơi. Nguyễn Trọng Hiếu (sinh viên Trường đại học Xây dựng Hà Nội) chia sẻ: “Biết hộp xốp, hộp nhựa có hại cho sức khỏe nhưng em vẫn đành phải mua vì không được nấu ăn trong phòng. Mỗi lần mua cơm, chủ quán vẫn đựng cơm, canh nóng trong hộp xốp, túi nylon, thậm chí, nhiều hôm cơm đựng trong hộp xốp còn bốc mùi ngai ngái nồng nặc”.
Để giảm thiểu chất thải nhựa, thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch thực hiện mục tiêu đến năm 2021, tại các cửa hàng, chợ, siêu thị ở các đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Tuy nhiên, nếu chỉ tuyên truyền nâng cao nhận thức mà thiếu các hành động thiết thực thì khó có thể làm thay đổi những thói quen đã khá phổ biến trong đại đa số người dân. Nhà nước cần phải có những chính sách cụ thể để đẩy lùi thực trạng sử dụng túi nylon tràn lan như khuyến khích hỗ trợ trong việc sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường tại địa phương; xây dựng hệ thống thu gom tái chế túi nylon; khuyến khích các nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà bán lẻ tham gia chương trình giảm giá, phân phát túi tự hủy…
Người tiêu dùng và người bán hàng cần chung tay để hạn chế việc sử dụng túi nylon hằng ngày, tích cực sử dụng các sản phẩm đóng gói thân thiện với môi trường. Có như vậy, mới dần giảm thiểu tiến tới loại bỏ hoàn toàn túi nylon trong thời gian tới.