Xóm Đống Rơm

Xứ đồng này, mùa về đã có máy gặt. Người dân chỉ việc đợi máy sình sịch đến gặt ngoàm ngoạp, rơm phụt đầy mặt ruộng, thóc tuồn căng bao, cứ thế chở về.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: MINH ANH
Minh họa: MINH ANH

Rơm rải ran đợi nắng khô, người ta đốt tại ruộng, lấy tro đem vun mầu. Vậy nên cữ già vụ trở ra, những buổi chiều tà, rơm trên đồng từng đống cháy ngùn ngùn, khói bụi thốc lên trời, tỏa xuống đất, lan khắp đường mù mịt.

Chiều ấy, thửa ruộng năm sào nhà bác Măng đống lớn, đống bé chưa có người đốt vì người nhà bác còn mải lo việc đám hiếu trong họ. Bà cụ Vỉ mất. Lũ trẻ đi chăn trâu đã vun cao hơn nữa mấy đống rơm giữa ruộng năm sào ấy để chơi trò nhảy đống rơm, tiếng cười nói xé tan cả những làn khói xám vương đầy cánh đồng.

Tờ mờ sáng hôm sau, khi hồi kèn đám ma còn chưa kịp réo rắt cất lên đánh thức dân làng thì bác Măng đã tranh thủ ra đồng đốt rơm. Bác lại nhớ tới cái đêm năm nào cùng chú Cán ra ngủ trông thóc ở sân đình. Nhà nào nhà nấy chia góc sân đình phơi thóc, tối đóng bao chất đống giữa sân kho. Cán rủ Măng rải chiếu nằm trên đống rơm cho êm, nhưng Măng yếu, sợ sương sa lại phát bệnh hen suyễn, đã ôm chiếu manh lên hiên nhà mẫu giáo nằm. Hai người nằm hai hướng quan trọng chặn lối ra vào sân kho nên có thể an tâm ngủ mà không sợ mất thóc. Giấc ngủ chập chờn đến rồi chẳng bao lâu sau Măng cũng chìm lút vào cõi mê.

Cho đến khi có tiếng phanh ô-tô như nghiến đứt cả không gian và tiếng còi xe thét lên một cách hãi hùng thì Măng bật dậy, rùng mình khi nhìn thấy chiếc ô-tô chạy vào sân kho đã khựng lại trên đúng đống rơm đêm qua Cán nằm ngủ. Gã lái xe đầu trợn ngược mắt, vết sẹo vắt trên má phải tái mét như con đỉa trâu. Cán đã tắt thở. Bánh xe thấm máu đỏ. Gã lái xe hốt hoảng bỏ chạy, Măng ú ớ kêu không ra tiếng. Khi người ta vừa đặt Cán lên cái chiếu giữa sân kho thì cô Diền lao đến. Nhìn thấy xác chồng, Diền ngất lịm.

*

Trời hãy còn lờ nhờ. Bước xuống ruộng, thấy mấy đống rơm đã được chất cao, bác Măng châm lửa đốt đống to nhất. Lửa liếm rơm nhoàng nhoàng, cháy đùng đùng. Đường lửa thốc lên cao. Chợt bác Măng nhìn thấy trên ngọn đống rơm có ai đó bật lên giẫy giụa, kêu la. Bác bủn rủn chân tay, đớ người ra trước ngọn lửa đỏ rực đang bốc cháy ngùn ngụt sắp ngoặm trọn lấy cái dáng người loẵng ngoẵng vận độc cái quần đùi đang hoảng loạn trên ngọn đống. Bác Măng ra lệnh: “Nhảy xuống đi!”.

Chợt một xô nước dội vào. Thằng cu Dinh đi đổ rọ tôm sớm đã chạy lại. Nó lại đổ xô nữa, ngọn lửa mé ấy chùn xuống. “Chú nhảy sang đi, mau lên!”. Gã trên đống rơm lồng lộn như đỉa thả vào thùng vôi. Bác Măng chỉ vào đống rơm con bên cạnh, giục như đập thanh la: “Mau nhảy đi!”. Gã kia liều mạng, ôm đầu nhún chân nhảy, đống rơm sau chân sụt xuống trong ngọn lửa đang quấn lấy nhau.

Thằng cu Dinh đeo giỏ tôm bên hông, giúp bác Măng cõng gã lạ mặt về nhà ông Dũng, ông nội Dinh. Gã nằm trên chõng tre ở đầu hiên. Sau khi xem xét, sờ nắn khắp người gã, ông Dũng bảo: “Lửa xượt qua mặt, bỏng nhẹ thôi. Cứ nằm đây rồi tôi đi lấy lá thuốc đắp cho!”.“Cháu phải đi đắp mộ, đã nhận làm đám này cho lão Chiện ở nghĩa địa rồi, bỏ, lão khấu công”. Gã nhỏm người định ngồi dậy nhưng mấy chỗ trầy xước khiến mặt gã rúm vào.

Bác Măng uống xong bát nước vối, quệt tay áo ngang miệng. “Cứ chữa cho khỏi đã, còn ối thời gian cho chú làm, còn người còn của. Mà chú ở đâu sao không về nhà, loạng quạng lên đống rơm ngủ để suýt chết cháy như thế chứ?”. “Em ở xa...”. Một cơn đau rút từ dưới hông làm cho miệng gã méo xệch. Chiêng trống vọng lên ba hồi chín tiếng, bác Măng vơ cái áo khoác lên vai. “Ở đây nhờ thuốc ông cụ cho lành đã. Việc đắp mộ, để tôi giúp một tay!”.

*

Đám cất ma. Bác Măng trong chân dong xe đạp chở trống cho ông Quốc đi trước, đến đội cầu, đội kèn, linh xa, con cháu phía sau. Cụ Vỉ thọ tới chín mươi lăm tuổi, qua một đêm ngủ sáng sau đã về trời.

Đến nghĩa trang, bác Măng dựng chắc cái xe trống cho ông Quốc mặc sức đánh, rồi chạy ra chỗ lão Chiện đang chống tay cán cuốc đứng hóng ra đường.

“Lão ngóng ai mà vẻ sốt ruột thế?”. Lão Chiện thở dài: “Đúng là nhận cái thằng ất ơ làm công đến mệt!”. “Thằng nào?”. “Nó bảo tên là Ngút, ở làng Đó”. Mấy đêm trước mưa rào, đi bắt ếch, lão Chiện đá phải nó nằm vắt ngang đường ray. Từ ga Cao Xá có tiếng còi tàu rúc lên, lão vội vàng quẳng vợt, vừa lôi gã khỏi đường tàu xuống tới vệ cỏ thì đoàn tàu rình rịch chạy tới. Nằm một ngày một đêm trong lều của lão giữa bãi tha ma thì gã tỉnh hẳn rượu. Biết lão Chiện có đám ma thuê đào huyệt định vào làng tìm người, gã liền xin công. Chiều qua đào xong, gã đã xin ứng trước một trăm, rồi bỏ vào làng, hẹn sáng nay ra đắp mộ với lão, vậy mà đợi đến giờ này vẫn mất dạng. “Gã nốc rượu như nước lã, không khéo lại chết dấp ở xó nào rồi”. “May vẫn không sao lão ạ, chỉ rạn xương, giãn dây chằng thôi. Để tôi giúp lão một tay”.

Mộ đắp cao, bác Măng còn cẩn thận đánh cả những vầng cỏ gà ấp mộ rồi mới xếp vòng hoa. Đoàn người ra về, trời lắc rắc mưa.

Thấy bác Măng quần ống thấp ống cao bước vào rạp, mấy ông ngang hàng trong xóm Đống Rơm kéo ngay vào cho đủ mâm. Tay Hướng giục mọi người cạch một cái vì món miến đêm qua: “Công nhận cái nhà cô Diền nấu bếp giỏi. Món miến thơm ngon thật”. “Khen cô Diền nấu bếp thì có mà khen cả ngày. Không nhớ ngày xưa làng mở hội thi nấu cơm, cô ấy giật giải nhất à?”. Chuyện về cô Diền bỗng nổi trên bàn cỗ. “Hồng nhan bạc phận, chú Cán đi cũng tới hơn chục năm rồi mà cô ấy vẫn ở vậy nhỉ?”. Cô Diền đi tới chế nước dùng, ngay sau lưng Hướng, Hướng nâng chén cố tình chọc khuỷu tay vào cạnh sườn cô Diền, mượn hơi rượu giở giọng chớt nhả: “Cô Diền ngày một rờ rỡ ra ấy nhỉ?”. Cô Diền tỏ như không nghe thấy. Cả làng đều biết Hướng mê rượu, tổ tôm, cả khoản gái gú. Vợ Hướng đi xuất khẩu lao động đã hơn chục năm nay không về. Có lúc say rượu, Hướng bảo đã bỏ vợ, đòi bà mẹ còng tám mươi sang hỏi cô Diền cho. Mẹ Hướng chửi Hướng là giống lộn sòng, sao mà đi lấy lại cái ngữ dâu trong họ sát chồng từ lúc con vừa trứng nước. Hướng lại tu hết chén rượu, rồi giơ bát cơm không ra lại huých khuỷu tay vào bụng cô Diền, nhăn nhở: “Cho anh xin bát nước xuýt em”. Mấy tay rượu nghe được, rúc rích cười. Cô Diền lừ mắt khiến cả mâm chợn lại. Hướng cụt cười, chỉ nghe tiếng nước dùng rót vào bát. Rót xong cô Diền bỏ đi bàn khác.

*

Trong bếp, gã đang ngồi bên bàn ăn cơm cùng ông nội cu Dinh, mớ tóc được buộc gọn phía sau gáy, cổ tay đã buộc một nắm lá. Gã cười chào bác Măng. Bác Măng giật mình khi nhìn thấy vết sẹo thâm thì bên má phải của gã. Mắt bác hoa đi, đầu óc bác bỗng quay cuồng những hình ảnh từ ký ức xa xưa ùa về. Những đống rơm, người chú Cán loẵng ngoẵng, máu mê bê bết. Chẳng nhẽ là gã? Mồ hồi rịn ra hai bên thái dương, khó thở, bác vội đi ra ngoài sân dựa vào gốc nhãn.

Thình lình gã đã đứng trước mặt bác Măng từ lúc nào. “Ông Chiện có cằn nhằn gì em không?”. “ Ờ, à... Lão bảo lúc nào chú lại lấy tiền công!”. Bác lấy ống tay áo lau mồ hôi, thở mạnh một cái: “Sao chú ngủ đồng thế? Nhà đâu tôi đưa về?”. Gã ngồi thụp xuống, mắt ứa ra hai giọt nước: “Số em đen như chó mực anh ạ. Phải trốn chui trốn lủi, con mất, vợ đã bỏ đi, làm gì có nhà mà về. Say thì thôi chứ tỉnh cứ như nhìn thấy có ma theo ám ấy”...

Gã kể, gã chạy chọt xin được chân chở thuê cho xí nghiệp lương thực. Chưa đầy tháng thì vô tình nghiến chết người ở sân kho, gã phải bỏ trốn biệt tung tích. Mấy năm sau mò về làng thì hay tin con ốm mất từ lâu, vợ đã bán căn nhà bố mẹ để lại bỏ đi đâu không ai rõ, gã phải tá túc nhờ nhà anh trai. Gã lang thang làm thuê kiếm cơm, rơi vào rượu chè, cờ bạc, rồi ra thân tàn ma dại như thế. Bác Măng nhìn thẳng vào mặt gã, gằn giọng: “Mày nghiến chết bố thằng cu Dinh rồi bỏ trốn, lúc ấy nó mới vào ở trong bụng mẹ nó, cô Diền ấy”.

Gã đớ miệng, nhìn trân trân xuống chỗ hai ông cháu đang líu ríu nói cười. Rồi gã vùng bỏ chạy ra cổng, bước chân tập tễnh, cái bóng ngắn ngủn ngoẳn gãy gập co rúm.

Tưởng gã bỏ đi luôn, để không phải nhìn thấy cái mặt xương xương có hai hốc mắt như hố huyệt nữa, vậy mà gã lại tập tễnh chạy về, trên lưng cõng nhà cô Diền đã oặt ra như dây bầu đứt. Bác Măng lập cập gọi, ông Dũng và thằng cu Dinh chạy ra. Bác Măng thấy máu xối lên đầu nóng phừng phừng, bác lao ra túm cổ áo gã lôi dậy: “Mày làm gì cô ấy?”. “Không phải anh ấy!”. Cô Diền thều thào.

Đêm qua, cô Diền phục vụ ở nhà đám, mất ngủ, nên lúc trưa, phơi thóc xong, cô lên hiên nhà mẫu giáo ngồi nghỉ đợi dũi thóc, mệt quá, thiếp đi. Chẳng ngờ, tay Hướng ngật ngưỡng đi qua, nhìn thấy vội mò vào, định giở trò xằng bậy. Cô Diền chống cự, kêu lên. Lúc ấy gã vừa đi tới. Gã chạy vào, nhận ra cô nấu bếp đêm qua ở nhà đám đã múc bát miến nóng cho gã ăn, gã lao đến, thằng Hướng đã bỏ đi.

Giọng gã nghẹn lại: “Cô Diền, tôi không muốn sống chui lủi nữa. Chính tôi đã vô tình nghiến chết anh Cán. Có khi anh ấy linh thiêng bắt tôi phải về đây nhận tội”.

Cô Diền run run cầm đầu khăn bông quàng ở cổ đưa vào miệng cắn chặt hai hàm răng để kìm nén tiếng khóc đang muốn bật tung ra.