Vùng đồng bằng trong phố

Trong lòng thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai), cánh đồng Ia Chanh ở làng Bông Phun, xã Chư Á không chỉ là nơi người Jrai cần mẫn trồng lúa nước, hoa màu mà còn mang niềm tự hào riêng về một vùng đồng bằng đặc biệt.
0:00 / 0:00
0:00
Mùa gieo trồng bên cánh đồng Ia Chanh.
Mùa gieo trồng bên cánh đồng Ia Chanh.

Người Jrai vui bên đồng

Giữa không gian bát ngát đồi núi và rẫy cà-phê, cánh đồng này như một vùng đồng bằng đặc biệt trong phố. Những ngày này, khi vụ gieo sạ cho mùa chiêm xuân đang diễn ra, cánh đồng Ia Chanh ngập tràn ánh nắng. Từ thanh niên đến người già, đều tập trung làm đất, sạ lúa và gieo trồng vụ đông xuân.

Hơn 10 năm trở lại đây, nhờ chính quyền xã vận động và hỗ trợ kỹ thuật, đồng bào bắt đầu cải tạo đất để trồng lúa và rau. Làng Bông Phun là một điểm sáng trong xóa đói, giảm nghèo và nâng cao đời sống người dân. Hiện nay, làng có tổng cộng 300 hộ, trong đó chỉ còn 1 hộ nghèo và 2 hộ cận nghèo. Thu nhập bình quân đầu người đạt 47 triệu đồng/năm.

Bà H’Bia, người cùng làng Bông Phun, chia sẻ thêm: “Gia đình tôi có 3 sào ruộng trên cánh đồng Ia Chanh. Trước đây, năng suất thấp vì không biết cách chăm sóc. Giờ đây, nhờ đầu tư phân bón và áp dụng kỹ thuật, thóc lúa lúc nào cũng đầy kho”. Năm 2021, gia đình bà H’Bia quyết định chuyển đổi 1 sào đất sang đào ao nuôi cá, phần còn lại vẫn trồng lúa vụ mùa và trồng rau đông xuân như hành hoa, rau má. Nhờ đó, thu nhập gia đình được cải thiện đáng kể.

Theo ông Y Khắp, Trưởng thôn Bông Phun: “Cánh đồng Ia Chanh có diện tích hơn 50 ha. Nhờ các chương trình khuyến nông và hướng dẫn thực hành từ cán bộ nông nghiệp xã, người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật. Người dân Bông Phun không chỉ trồng lúa trên cánh đồng Ia Chanh mà còn phát triển cây cà-phê, hồ tiêu tại những khu vực khác. Nhờ vào những chính sách hỗ trợ và sự nỗ lực bản thân, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Ước mơ trong năm mới

Trong buổi làm đồng, bà H’Bia cho biết: “Có kênh thủy lợi dẫn nước về đồng trồng lúa, có đường bê-tông dễ đi. Nhưng đến mùa trồng rau, kênh thủy lợi lại không chảy nước. Bà con phải tìm nước tưới rau”.

Cảnh đồng Ia Chanh được nhiều người trong phố yêu thích không chỉ bởi vai trò sản xuất mà còn nhờ vẻ đẹp mộc mạc, yên bình. Chị Lương Mai Thi, một giáo viên ở đây chia sẻ: “Cánh đồng Ia Chanh canh tác lúa và rau màu liền kề. Do đó, những năm gần đây, vào các dịp lễ, Tết, nhiều bạn trẻ trong phố đã chọn nơi đây để tham quan, check-in cùng gia đình, bạn bè”.

Về những khó khăn của đồng ruộng, ông Trương Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Chư Á cho biết: “Cánh đồng Ia Chanh là một trong vài cánh đồng nhỏ thuộc TP Pleiku. Nó như một điểm nhấn, một sự nhắc nhở rằng, ở thành phố vẫn có ruộng, có lúa, có cuộc sống nông nghiệp trồng trọt nhưng thu nhập từ ngành này không đáng kể. Xã cũng mong thành phố cho phép chuyển đổi mục đích từ đất nông nghiệp sang đất đa mục đích để hỗ trợ người dân sản xuất nông nghiệp hoặc kinh doanh theo hướng du lịch”.

Trong phố thị Pleiku, ngoài những cánh đồng còn là đời sống của người đồng bào lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống như cồng chiêng, đan lát, dệt vải và các lễ hội khác. Kết hợp những giá trị này với không gian xanh của cánh đồng sẽ tạo ra điểm đến hấp dẫn cho du khách. Các lễ hội truyền thống, phong tục tập quán và kiến ​​trúc nhà rông độc đáo là điểm nhấn văn hóa ở đây. Việc đầu tư, phát triển khu vực này không chỉ là câu chuyện hiện tại mà còn là định hướng cho tương lai bền vững.

TP Pleiku đang tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ chuyển đổi cây trồng trên đồng Ia Chanh theo hướng công nghệ cao. Việc này sẽ giúp người dân từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất, gắn với phát triển du lịch nhằm tạo ra giá trị kinh tế cao trong tương lai.