Nỗ lực thu hút đầu tư vào Quảng Trị

Quá trình xúc tiến thu hút kêu gọi đầu tư vào Quảng Trị thời gian qua đạt được những kết quả khả quan, góp phần đáng kể thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, cũng như đẩy nhanh quá trình hội nhập sâu rộng trên nhiều lĩnh vực.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng kiểm tra thi công cầu Thạch Hãn 1 qua sông Thạch Hãn.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng kiểm tra thi công cầu Thạch Hãn 1 qua sông Thạch Hãn.

Hiện thực hóa Nghị quyết 26

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Tân cho biết, được sự quan tâm ủng hộ của các bộ, ngành trung ương, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2016-2021, nhiều nhà đầu tư có tầm chiến lược phát triển, có năng lực về tài chính đã đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Quảng Trị…

“Đất lành chim đậu”, trên cơ sở thu hút đầu tư của tỉnh, thời gian qua, một số dự án động lực đã được Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và đang triển khai, đặc biệt các dự án về năng lượng tái tạo. Tỉnh Quảng Trị cũng đã trao quyết định chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư và tổ chức khởi công hợp phần kỹ thuật Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, giai đoạn I có công suất 1.500 MW cho tổ hợp các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc. Chuẩn bị khởi công vào cuối năm 2023, Cảng hàng không Quảng Trị được đánh giá, khi hoàn thành giai đoạn 1 vào trước năm 2026 sẽ tạo điều kiện thuận lợi lớn cho kinh tế Quảng Trị cất cánh…

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định, đến năm 2030, trở thành vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn của cả nước với các khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị ven biển đạt chuẩn quốc gia và khu vực. Tỉnh Quảng Trị nằm trong khu vực hưởng lợi từ Nghị quyết 26 nên luôn chủ động hiện thực hóa nghị quyết, mời gọi các nhà đầu tư đến với tỉnh để cùng nhau phát triển.

Với vị trí địa lý quan trọng và tiềm năng của mình, Quảng Trị được bổ sung vào vùng kinh tế trọng điểm miền trung, có Khu Kinh tế-Thương mại đặc biệt Lao Bảo được lựa chọn là khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm để tập trung đầu tư trong giai đoạn 2021-2030. Đặc biệt Khu kinh tế đông nam Quảng Trị được thành lập với hy vọng trở thành trung tâm công nghiệp, chế biến nông, lâm, thủy sản, sản xuất vật liệu xây dựng, điện năng, phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ, cảng biển lớn của vùng Trung Bộ; tạo thế và lực cho sự phát triển lâu dài của tỉnh.

Hiện các doanh nghiệp trong khu kinh tế này hoạt động, đóng góp một phần ngân sách khá lớn cho tỉnh. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có Khu kinh tế Cửa khẩu La Lay và bốn khu công nghiệp: Nam Đông Hà, Quán Ngang, Tây Bắc Hồ Xá và Khu công nghiệp Quảng Trị, đây là lợi thế quan trọng tạo tiền đề để tỉnh thu hút các nhà đầu tư lớn và tiềm năng.

Ưu tiên dự án có chất lượng, công nghệ cao

Theo đồng chí Võ Văn Hưng, để có nguồn vốn đầu tư, tỉnh tiếp tục huy động mọi nguồn lực trong nước và nước ngoài theo hướng lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân. Lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư những dự án có chất lượng, công nghệ cao, thân thiện với môi trường nhằm nâng cao chất lượng dòng vốn, tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư. Cần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư để thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Đây vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp quan trọng, cấp thiết hàng đầu để thu hút đầu tư.

Phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, tập trung nguồn vốn đẩy nhanh phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, đô thị, hạ tầng kinh tế nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư. Theo đó, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đúng quy định; hỗ trợ, hướng dẫn các nhà đầu tư đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhận bàn giao đất, thuê đất, cấp chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng trình tự, thủ tục và bảo đảm tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.

Cùng với đó, tỉnh đã xây dựng và ban hành một số chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Đó là chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vào địa bàn tỉnh, gồm hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào đối với các dự án ngoài khu kinh tế,khu công nghiệp như xây dựng các công trình điện, nước, giao thông; hỗ trợ một phần kinh phí giải phóng mặt bằng; hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động.

Cụ thể, tỉnh Quảng Trị xác định Khu kinh tế đông nam Quảng Trị là địa bàn trọng tâm thu hút đầu tư, phấn đấu trở thành vùng kinh tế năng động, hấp dẫn, phát triển nhanh và hiệu quả nhất của tỉnh trong thời gian ngắn tạo sức hấp dẫn, thu hút nhà đầu tư nhanh, mạnh hơn cho kỳ tiếp theo.

Chú ý thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên, các ngành công nghiệp dựa trên lợi thế so sánh của địa phương, như công nghiệp năng lượng; công nghiệp chế biến nông-lâmthủy sản (nhất là chế biến gỗ), công nghiệp silicat, dệt may; nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, canh tác tự nhiên; một số ngành dịch vụ có tiềm năng phát triển, giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh; các dự án đầu tư phát triển du lịch để đưa ngành này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp và cụm công nghiệp.

Tỉnh Quảng Trị có kế hoạch phấn đấu sớm khởi công đưa nhà máy nhiệt điện khí sử dụng khí từ mỏ Báo Vàng vào hoạt động. Tích cực làm việc với Chính phủ và các bộ, ngành để phát triển các dự án khí-điện tại Khu kinh tế đông nam Quảng Trị và triển khai các bước đầu tư, khai thác.

Triển khai xây dựng các dự án năng lượng tái tạo đã được quy hoạch, phấn đấu xây dựng Quảng Trị trở thành Trung tâm năng lượng của miền trung vào năm 2030. Thu hút đầu tư, phát triển mạnh dịch vụ vận tải, mạng lưới kho tàng, bến bãi, dịch vụ logistics để tận dụng lợi thế hai trục kinh tế kết nối Khu Kinh tế-Thương mại đặc biệt Lao Bảo trên Hành lang kinh tế đông-tây (EWEC) và Khu Kinh tế cửa khẩu La Lay qua Quốc lộ 15D, còn gọi là Hành lang RARA-EWEC để về Khu kinh tế đông nam Quảng Trị.

Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh Quảng Trị đang phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án phát triển Khu Kinh tế-Thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo-Dansavan (Đensa-vẳn), để thu hút đầu tư.