Kết nối, lắng nghe doanh nghiệp

Sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 cho thấy, Cà Mau gặt hái được nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cà Mau Lê Hoàng Phước trả lời phỏng vấn về những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp phát triển vùng cực nam Tổ quốc.
Kết nối, lắng nghe doanh nghiệp

- Sau giai đoạn khó khăn vì ảnh hưởng dịch Covid-19,“sức khỏe” của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh Cà Mau hiện như thế nào, thưa ông?

Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 4.700 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tổng vốn đăng ký khoảng 61.000 tỷ đồng và hơn 270 hợp tác xã với hơn 4.400 thành viên. Cộng đồng doanh nghiệp tỉnh luôn đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau, cạnh tranh lành mạnh, tập trung khai thác tốt những lĩnh vực mà địa phương có thế mạnh, đặc biệt là về thủy sản, nông nghiệp; tạo dựng thương hiệu từ các sản phẩm thuộc

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường và người tiêu dùng. Đến nay, toàn tỉnh đã công nhận được 128 sản phẩm OCOP từ 3-4 sao. Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận có doanh thu tăng khoảng từ 10-30%, giá bán sản phẩm tăng từ 20-30%, góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động nông thôn.

- Để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tạo dựng thương hiệu OCOP và nâng hạng sản phẩm, sẽ cần đến những chính sách gì thưa ông?

Cấp ủy, chính quyền tỉnh Cà Mau đã đề ra nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hỗ trợ đăng ký bảo hộ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu… Gần đây, lãnh đạo tỉnh còn phân công sở, ngành, đoàn thể hỗ trợ doanh nghiệp nâng hạng sản phẩm OCOP, mục tiêu phấn đấu là đến cuối năm 2023, Cà Mau có thêm 30 sản phẩm OCOP được nâng hạng lên từ 4-5 sao.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, ngành chức năng và chính quyền tỉnh đã và đang hỗ trợ tập trung đẩy mạnh xây dựng nhật ký sản xuất điện tử, truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi, thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, đưa sản phẩm OCOP tỉnh tiếp cận các địa phương trong nước và quốc tế...

- Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Cà Mau, nếu được đối thoại với lãnh đạo tỉnh để cải thiện môi trường kinh doanh, ông sẽ hiến kế tháo gỡ những rào cản, điểm nghẽn nào?

Thời gian qua, các cấp chính quyền, lãnh đạo tỉnh Cà Mau đã triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân; chỉ đạo quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp… Gần đây, đều đặn vào sáng thứ bảy hằng tuần, lãnh đạo tỉnh Cà Mau tổ chức họp mặt “Cà-phê kết nối doanh nghiệp” để kịp thời xử lý những khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp tại địa phương.

Dẫu vậy, trong quá trình điều hành, xử lý ở từng khâu, từng cấp khác nhau, đâu đó vẫn còn tình trạng chậm trễ, xử lý công việc mới phát sinh có trường hợp còn lúng túng. Gần đây, trong cải cách hành chính của tỉnh, chỉ số năng lực cạnh tranh có một số chỉ số thành phần giảm mạnh, như: Chi phí không chính thức; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; tính năng động của chính quyền; đào tạo lao động; chi phí thời gian thực hiện các quy định của Nhà nước; tiếp cận đất đai; gia nhập thị trường... Thể hiện rõ nhất là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) về điểm số chi phí không thường xuyên không những không giảm mà có chiều hướng tăng.

Cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Cà Mau rất mong chính quyền và Nhà nước cần có giải pháp chấn chỉnh, tháo gỡ để những bất cập trên không còn là rào cản với sự phát triển của doanh nghiệp.

- Xin chân thành cảm ông!