Về Cửa Khe, nghe “mắm”... kể

Dừng chân ở đầu làng, gió từ biển thổi vào mang theo mùi nồng xộc. Đó là mùi đặc trưng ở Cửa Khe, của những chiếc chum ủ cá cao quá đầu người. Từ thời ông bà đến lớp con cháu hiện nay, họ đã lớn lên bên chum mắm, mẻ cá trong thôn. Xuất phát là lớp thế hệ trẻ trong làng, anh Võ Nguyên Tùng, làng Cửa Khe (Bình Dương, Thăng Bình, Quảng Nam) đang hướng đến mục tiêu tạo một tập thể đoàn kết, hiểu rõ quê hương của mình cùng nhau phát triển kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
Anh Võ Nguyên Tùng đang chuẩn bị nước mắm, đặc sản của địa phương giới thiệu đến du khách.
Anh Võ Nguyên Tùng đang chuẩn bị nước mắm, đặc sản của địa phương giới thiệu đến du khách.

Tìm nhân lực trí tuệ và nghị lực

Trong làng Cửa Khe hiện có hơn 60 hộ dân làm nước mắm, trong đó có 10 hộ tham gia tổ hợp tác. Tháng 4/2020, ý tưởng thành lập một khu du lịch cộng đồng ven biển được anh Võ Nguyên Tùng cùng các thành viên khác bàn bạc và đăng ký hoạt động.

Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh, đến đầu năm 2022, khu du lịch bắt đầu chính thức hoạt động đón du khách. Anh Tùng cho biết, hơn một năm qua, có khoảng 10 đoàn khách đặt theo dạng tour tham quan trải nghiệm, ngoài ra, các nhóm khách lẻ thường xuyên lui tới. “Năm ngoái chúng tôi có tổ chức ba sự kiện. Bắt đầu mùa hè năm nay, lượng khách dần tăng lên. Trong thời gian một ngày đêm khách du lịch ở đây, chúng tôi thiết kế những trò chơi, trải nghiệm liên tục”.

Từ những ngày đầu, để lựa chọn thành viên cho Hợp tác xã, Ban giám đốc (trong đó anh Tùng đóng vai trò Giám đốc) dựa trên ba góc độ chính gồm đạo đức, trí tuệ và nghị lực. Trong bước đà phát triển hiện nay, việc góp phần xây dựng kinh tế địa phương là mục tiêu chung hợp tác xã du lịch Cửa Khe hướng đến. Từ một vùng ven biển gắn với con cá, chum nước mắm nhiều đời qua, khi đột ngột rẽ lối sang lĩnh vực kinh doanh du lịch, câu chuyện thuyết phục và gắn kết bà con trong làng cùng tham gia làm là một thử thách không nhỏ.

“Mục tiêu chúng tôi hướng đến là phát triển du lịch địa phương, du lịch do người địa phương làm chủ và bà con hưởng lợi nhiều nhất. Mình phải làm thật và để thời gian chứng minh được những hiệu quả cho bà con tin tưởng”, anh Tùng chia sẻ.

Tháng 10/2022, Hợp tác xã du lịch cộng đồng Cửa Khe phối hợp cùng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thăng Bình đã mời chuyên gia lĩnh vực làm du lịch bền vững của Thụy Sĩ cùng về trao đổi, gợi mở nhiều ý tưởng thực tế cho bà con trong làng.

May mắn là bà con cùng hiểu

Nằm trong xu hướng dần thay đổi cơ cấu kinh tế ở các miền quê, đặc biệt là khu vực ven biển, hiện tại, Hợp tác xã du lịch cộng đồng làng Cửa Khe đang đầu tư hệ thống cơ sở vật chất phục vụ du lịch một cách bài bản.

Tận dụng khu vực bãi cát trắng mịn, những căn lều cố định, lều di động, không gian ăn uống, vui chơi được lắp đặt phục vụ đón khách lưu trú qua đêm. Trong đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, mỗi ngày, lượng khách đổ về khu du lịch này tương đối nhiều. Không khí vui chơi về đêm có sự đa dạng như đốt lửa trại, giao lưu âm nhạc, văn nghệ vào cuối tuần…

Anh Nguyễn Văn Trí, thành viên Hợp tác xã cho biết, anh em đều là lớp trẻ, cùng xây dựng vì sự phát triển sau này cho quê hương. May mắn là bà con chung quanh hiểu được điều đó, một vài câu khích lệ tinh thần của họ là nguồn động lực lớn cho anh em.

Hiểu được tâm lý muốn có những trải nghiệm thú vị khi về miền biển, Hợp tác xã bố trí cho du khách tham gia hoạt động kéo lưới, bắt hải sản. Với phương châm làm du lịch không làm hại đến hệ sinh thái của biển, nhiệm vụ của anh Trí là khoanh một khu vực bảo đảm an toàn và hướng dẫn du khách thả lưới, chỉ bắt những loài cá lớn, tránh bắt nhầm đàn cá nhỏ. “Có những nhóm khách muốn đi thuyền thúng để thả lưới sẽ được các ngư dân làm biển lâu năm hỗ trợ. Đặc biệt, hoạt động này chỉ diễn ra khi sóng biển thấp, thời tiết ổn định”, anh Trí nói.

Xây dựng một điểm đến thú vị cho du khách tìm hiểu và vui chơi, câu chuyện văn hóa về làng nghề nước mắm, cuộc sống bà con miền biển ngày trước… được hiện thực qua chính lời kể của những người con làng Cửa Khe. Sinh ra và lớn lên bên hương vị mắm Cửa Khe, ông Phạm Văn Đề, trưởng thôn Duy Hà hiểu rõ sự thay đổi của cái nghề ủ mắm quê hương, ông cho biết: “Hiện nay nguồn hải sản ngày càng giảm, số người làm nghề mắm ít dần. Tôi đã có nhiều ý kiến đề xuất lên cấp trên về việc làm du lịch ở đây. Có lớp trẻ tham gia đón khách du lịch nên đời sống kinh tế của làng có nhiều thay đổi tích cực”.