Ứng xử với tán rừng xanh

Đối với đồng bào Cơ Tu sinh sống dọc dãy Trường Sơn, rừng luôn thiêng liêng, cần phải trân trọng. Bao đời nay, rừng che chở, cho người dân nguồn sống. Người Cơ Tu luôn giữ truyền thống bảo vệ các giá trị tài nguyên trên rừng. Cách ứng xử văn minh với rừng ngày càng hiện hữu trong đời sống cộng đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Anh Đoàn Xuân Lợi phát triển kinh tế từ lá chè dây.
Anh Đoàn Xuân Lợi phát triển kinh tế từ lá chè dây.

Rừng là nguồn sống của làng

Người Cơ Tu quan niệm có rừng thì mới có suối, đó là nơi sinh sống của cá, ếch, của các nguồn lợi tự nhiên. Bởi vậy, trong đời sống cộng đồng, từ thế hệ cha ông đến con cháu đều trân trọng và gìn giữ nguồn sống của chính mình. Già làng Y Kông, 99 tuổi (trú thôn Tống Cói, xã Ba, huyện Đông Giang, Quảng Nam) cho biết: “Cộng đồng Cơ Tu chúng tôi từ lâu nay thường sinh sống theo từng nhóm nhỏ, mỗi nhóm khoảng 30 đến 40 hộ. Săn bắt được con gì thì dân làng chia cho nhau cùng ăn. Đặc biệt là không một ai phá rừng vì rừng đóng vai trò thiết thực, gắn bó với cộng đồng”. Theo lời già Y Kông, trong mỗi làng có đề ra luật quy định việc cấm dùng thuốc và điện để đánh bắt cá. Nhờ đó mà hiện nay, nguồn giống cá tự nhiên ở các dòng suối trên rừng sâu vẫn còn.

Vài chục năm trước, trong làng phân công từng gia đình thay phiên nhau đi bảo vệ rừng. Tính cộng đồng của đồng bào Cơ Tu thể hiện rõ nét nhất vào những ngày mùa dân làng cùng đi phát rẫy, dọn đất trồng trọt. Trước mỗi chuyến đi, lương thực được cả làng chuẩn bị một chỗ rồi cùng mang lên rừng. Cả nhóm người vừa làm vừa sử dụng hết phần đóng góp của gia đình này thì đến phần của gia đình khác. Anh em trong làng cùng phát rẫy, đi kiểm đếm cây rừng đến khi xong hết tất cả công việc mới quay về nhà.

Quay lại thời điểm súng đạn chưa xuất hiện, đồng bào Cơ Tu dùng chiếc nỏ để bắn con chồn, con sóc, con heo. Hiện tại, để duy trì nguồn động vật tự nhiên, từng gia đình dần bỏ thói quen sử dụng nỏ. “Thời điểm tôi còn đi săn với anh em, mỗi chuyến đi ba, bốn ngày mới được một con thú. Một người chạy trước về làng để báo cho mọi người cùng biết, chuẩn bị nổi trống chiêng ăn mừng. Chúng tôi mang con thú về phải cúng cảm tạ thần linh, sau đó chia đều cho mỗi nhà một phần thịt. Phải làm lễ cúng ba lần mới được phép ăn thịt con thú”, già Y Kông cho hay.

Tại khu vực giáp ranh với huyện Đại Lộc, những tán rừng xanh rì trên phần đất thuộc huyện Đông Giang luôn được bảo vệ nghiêm ngặt. Theo truyền thống của người Cơ Tu, trong gia đình, những người lớn phải dạy cho con cháu mình hiểu từ đâu mà có con cá, có con ốc; đó là dòng nước của rừng ban cho. Muốn dựng nhà cần cây gỗ phải hỏi ý kiến già làng. Con người sinh sống phải biết bảo vệ môi trường tự nhiên thì sau này con cháu mình mới còn cơ hội phát triển.

Trong làng, mỗi khi thấy có khói bốc lên trên cánh rừng nào thì già làng sẽ lên tiếng, đi kiểm tra nguyên nhân vụ cháy. Nếu vụ cháy do người dân tạo ra thì già làng ra lệnh dừng ngay lập tức. Sau đó, cả làng cùng chung tay dập đám lửa tránh để cháy lan. Tiếng nói của người đứng đầu mỗi làng đều dựa theo luật tục hàng đời người nên luôn được bà con tôn trọng.

Tài nguyên trên rừng ở huyện Đông Giang hiện nay có giống cây chè dây đang được người dân phát triển, trồng diện rộng để làm kinh tế. Tại xã Ba, xã Tư, diện tích trồng cây chè dây ngày càng tăng lên.

Ứng xử với tán rừng xanh ảnh 1

Chè dây giống lấy từ rừng xanh.

Phát huy tiềm năng của rừng

Ra Zéh, loại chè dây mà theo lời già làng Y Kông thì cây này thường mọc trên vùng rừng sâu. Sau mỗi đợt dân làng phát rẫy, hạt giống chè dây rơi xuống bén rễ mọc xanh um dưới mặt đất. Tại xã Ba, anh Hà Văn Hưng, 34 tuổi, đã xây dựng cơ ngơi, kết hợp cùng nhiều hộ dân sản xuất các sản phẩm từ chè dây. Từ một lần được uống nước chè dây với hương thơm, vị chát nhẹ, anh Hưng nhận thấy tiềm năng có thể phát triển kinh tế từ loại chè này.

Cây chè dây có đặc điểm thân mềm, mọc cao dễ bị ngã, những người trồng chè thường tạo các bộ khung cho thân cây chè tựa vào. Với điều kiện đất đai, khí hậu mát mẻ ở vùng núi huyện Đông Giang phù hợp với cây chè dây phát triển. Mỗi năm, anh Hưng cho thu hoạch khoảng bốn đợt lá. Để bảo đảm đủ nguồn nguyên liệu sản xuất chè khô, anh Hưng kết hợp thu mua lá chè từ các hộ dân đang trồng trong xã.

Thời điểm này, tại vườn chè dây của anh Đoàn Xuân Lợi, 43 tuổi, trú thôn Quyết Thắng, lứa chè vừa được anh trồng trước Tết đã lên lá non. Nhẩm tính từ ngày trồng đến nay được hơn một tháng, anh Lợi đang tiến hành làm giàn bằng khung gỗ và dây thép để đọt chè có chỗ bám, tăng khả năng cho lá. Hơn 10 năm trồng chè, từ mảnh đất nhỏ ban đầu, hiện tại tổng diện tích chè dây của anh Lợi đã tăng lên khoảng 1ha. Anh Lợi cho biết, với giá bán lá chè đã qua chế biến là 90 nghìn đồng/kg, mỗi năm lợi nhuận gần 100 triệu đồng. Từ ngày trồng chè dây, đời sống kinh tế gia đình có sự phát triển hơn so với làm nông, đi rẫy trước kia.

“Ngày trước đi rừng, tôi thấy giống cây này lạ lạ, tò mò bứt về nấu nước uống thì thấy rất thơm. Rồi nghe các vị già làng nói cây chè dây có giá trị dinh dưỡng, có thể trồng để bán lá nên tôi quay lên rừng tìm cây giống mang về trồng đến bây giờ”, anh Lợi nhớ lại. Từ lứa đầu tiên cho kết quả khả quan, anh Lợi đầu tư kinh phí mua vật liệu làm giàn, máy băm lá tự động để sản xuất diện rộng. Để cây chè dây cho sản lượng ổn định, sau khi cây bén rễ, anh Lợi giữ độ ẩm cho đất dưới gốc bằng cách phủ một lớp mùn cưa. Mỗi mùa, sau khi thu hoạch lá, anh Lợi giữ những đọt chè đạt chất lượng để làm giống cho vụ sau.

Cây chè dây vốn mọc hoang trên rừng xanh nay được bà con phát huy đúng giá trị để làm ăn kinh tế. Anh Hà Văn Hưng cho biết, nhằm hướng đến mục tiêu sản xuất lâu dài và ổn định đầu ra cho sản phẩm chè dây, anh cùng các hộ dân ở xã Ba đều có chung quan điểm luôn bảo vệ nguồn giống chè dây bản địa từ rừng núi. Điều đó góp phần giữ được chất lượng, hương vị vốn có của lá chè sau khi chế biến thành phẩm; đồng thời là cách trân trọng giá trị mà rừng xanh đã tạo ra.

Ứng xử với tán rừng xanh ảnh 2

Gốc chè dây sau khi thu hoạch lá.