Trong mưa nắng Biển Đông

“Cảm giác đứng trước lá cờ tuyên thệ ở đảo xa nó rất chi là, rất chi là thiêng liêng, lâng lâng hạnh phúc”, Trung úy Trần Bá Long nói như vậy, khi vừa kết thúc lễ kết nạp Đảng, trán vẫn còn đầy mồ hôi vì… run.
0:00 / 0:00
0:00
Trung úy Trần Bá Long tại lễ kết nạp Đảng trên đảo Sinh Tồn ngày 1/1/2023.
Trung úy Trần Bá Long tại lễ kết nạp Đảng trên đảo Sinh Tồn ngày 1/1/2023.

Hôm ấy trời bỗng nắng

Suốt cả hành trình ra Trường Sa thăm và chúc Tết cuối năm 2022, thời tiết không thuận lợi. Mưa xối xả ở hầu khắp các đảo chúng tôi đặt chân qua, lịch trình phải thay đổi liên tục để theo kịp tình hình sóng gió. Nên khi đặt chân tới đảo Sinh Tồn vào ngày đầu tiên của năm 2023, khi nhìn những đám mây đen phía đường chân trời và đảo đón chúng tôi bằng một đợt mưa rào, thì tất cả chúng tôi đều chuẩn bị tinh thần cả ngày sẽ chỉ toàn mưa giông.

Thế nhưng, chiều ngày 1/1/2023, khi lễ kết nạp Đảng của Trung úy Long diễn ra, thì Sinh Tồn có nắng. Cái nắng hiếm hoi của ngày cuối năm giữa các tin bão, cho dù những vũng nước vẫn còn chưa thoát hết. Nhưng vì nắng, nên mọi người đều vui vẻ. Long nói anh không nghĩ ngày mình đứng trong hàng ngũ Đảng lại là một ngày đặc biệt như thế. “Nó rất là đáng nhớ, rất chi là tự hào, rất chi là tự hào, rất chi là tự hào vì được đứng ở trong hàng ngũ của những người cùng lý tưởng”, Long nhấn mạnh mấy lần, chưa hết run sau buổi lễ. Cô phóng viên đứng cạnh phải bảo Long hít một hơi thật sâu để bình tĩnh lại. “Đó là một nguồn động lực to lớn”, Long tiếp lời. Cả chục năm đi đảo, vào Đảng ngay giữa đảo tiền tiêu, đúng ngày đầu năm mới, trong những ngày cao điểm sóng gió sẽ là một kỷ niệm khó quên của Long.

Còn nhớ năm 2015, khi gặp Hồ Việt Trần Giang trên đảo Song Tử Tây, tôi cứ nhớ mãi Giang nói, phấn đấu để trở thành đảng viên khi còn công tác tại đảo là một mục tiêu lớn của anh. Chàng trai năm ấy là Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã đảo xa xôi bậc nhất huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Vừa là cán bộ, vừa phấn đấu để thành đảng viên, sự nỗ lực của Giang phải gấp đôi, gấp ba. Như Giang bảo, “Mỗi lần nhìn về phía lá cờ nơi bia chủ quyền, thì mình lại càng phải quyết tâm cố gắng”. Những năm tháng ở đảo, Giang đã có cho mình một hành trang đáng nhớ, ấy là trang trọng đọc lời thề để đứng trong hàng ngũ của Đảng vào một ngày trời nắng đẹp - cái nắng đặc sản Biển Đông.

Trung tá Đinh Công Toan, nguyên Chính trị viên đảo Sinh Tồn nói, để bồi dưỡng một đảng viên mới ở đảo không dễ dàng chút nào. Mặc dù là ngay từ đầu năm, Đảng bộ cũng chú trọng chọn lựa, bồi dưỡng, phân công cán bộ kèm cặp các quần chúng tốt. “Nhưng điều kiện ngoài đảo có nhiều cái khó khăn, rồi cũng phải động viên xây dựng lý tưởng, chưa kể cán bộ chiến sĩ có thể luân chuyển công tác”, anh Toan thừa nhận. Có điều, anh Toan nói đã là đảng viên, lại là người của đảo tiền tiêu, thì tinh thần lúc nào cũng rất vững.

Ở một phía khác Biển Đông, Nguyễn Ngọc Nhã, chàng kỹ sư của giàn khoan Hải Thạch-Mộc Tinh, bể Nam Côn Sơn (Bà Rịa-Vũng Tàu) được kết nạp Đảng vào một ngày tháng 10, đúng lúc dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng. Khu vực giàn khoan Hải Thạch-Mộc Tinh nằm trên bể Nam Côn Sơn, tầm tháng 10 tới tháng 3 thường xuyên mưa to. Lễ kết nạp diễn ra đúng ngày 10/10, trùng với dịp kỷ niệm 8 năm hạ thủy giàn PQP-Hải Thạch (10/10/2012). Không hiểu vì sao mà trời sáng đó lại hửng nắng. Lễ kết nạp diễn ra ngay trên sân trực thăng của giàn khoan, tất cả thời gian gói ghém trong gần một tiếng. Nhã là người thứ hai của Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông được kết nạp Đảng trên giàn khoan Hải Thạch-Mộc Tinh, một trong những giàn khoan xa nhất trên Biển Đông. Nhã nói, anh không quen đứng trước đám đông, nên mọi thứ đều diễn ra đúng như cảm xúc. Mười mấy năm làm việc trên biển, Nhã vẫn không giấu được sự xúc động khi hô to lời thề. Cả năm sau đó, Nhã và đồng nghiệp quay cuồng giữa các đợt đi giàn, giãn cách. Thậm chí, anh phải học lớp đảng viên mới trực tuyến ngay trong khách sạn cách ly trước khi trở lại giàn khoan. Nhã bảo điều đó lại càng khiến dấu mốc của mình trở nên đáng nhớ. Bởi không phải không có những dao động trong những ngày dịch bệnh quá căng thẳng. Nhưng rồi mọi thứ đã cân bằng và vượt qua được cả.

Nhìn lá cờ bay trong gió

Sống ngoài biển, cho dù là người lính làm nhiệm vụ, hay ngư dân đánh cá ngoài xa, hay những người thầy bám đảo, những người kỹ sư trên các giàn khoan dầu khí, dù ít, dù nhiều, đều có một sự đánh đổi. Cái đánh đổi là sự tách rời khỏi những điều kiện cuộc sống thông thường như người đất liền. Như Trần Đức Thắng, kỹ sư giàn khoan Hải Thạch-Mộc Tinh thừa nhận, mỗi một đợt đi biển của kỹ sư giàn khoan Hải Thạch-Mộc Tinh là 21 ngày, nghỉ 21 ngày, “Một năm là 6 tháng ngoài khơi, là mình đổi một nửa cuộc đời rồi, 21 ngày về nhà chưa kịp làm gì đã lại tới ngày ra biển. Ở bờ mình còn học thêm, mình làm này làm kia, ở đây rất khó”. Hay như người lính ngoài Trường Sa, mỗi cái Tết là một lần nhớ nhung day dứt vì xa nhà, thậm chí con biết đi vẫn chưa từng được bố ôm. Bởi thế, thứ làm nên niềm tin, đôi khi chỉ đơn giản là những khoảnh khắc rất nhỏ. Hay như giây phút ngước lên lá cờ Tổ quốc, đặt tay lên trái tim, hát bài Quốc ca, đều là những khoảnh khắc thiêng liêng, giống như được tiếp thêm một niềm tin vào con đường đã chọn.

Gập lá cờ đã sờn bốn phía từ cột cờ đảo Sinh Tồn, cẩn thận đóng con dấu của đảo và đưa cho chúng tôi, Chỉ huy trưởng đảo, Trung tá Trần Danh Hoàng cười nhẹ: “Ở đây cứ 2-3 ngày là thay một lá cờ”. Nhìn cờ mà biết được nắng gió Trường Sa. Đó là lá cờ được thay ngay trong ngày đầu tiên của năm 2023, sau lễ chào cờ đầu năm trên đảo, sau cả một tuần Sinh Tồn chỉ toàn mưa. Buổi chào cờ hôm ấy, cũng vì có thêm phần đọc lời chúc Tết từ đất liền. Trần Đức Bách, chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn kể rằng, đúng đêm Giao thừa năm nay, khi đi gác về, ngang qua cột mốc, thấy lá cờ giữa đêm vẫn nghe rõ tiếng vải đập phần phật trong gió, Bách liền đứng nghiêm ngắn, giơ tay chào theo điều lệnh. Có thể sau này, khi đi xa hơn, Bách sẽ có nhiều lễ chào cờ khác, nhưng chàng trai 20 tuổi vẫn khẳng định rằng, cảm giác thiêng liêng đêm Giao thừa hay lễ chào cờ hôm đó là một thứ không bao giờ có lại được. “Mình cảm thấy mạnh mẽ hơn thật đấy”, chàng trai 20 tuổi khẳng định.

Cũng là lễ chào cờ giữa biển những ngày cuối năm, trên giàn khoan Hải Thạch-Mộc Tinh, lại là một trải nghiệm khác. Thời tiết nửa mưa, nửa nắng vùng biển khơi Nam Côn Sơn khiến những nhân viên giàn khoan đều không thể biết chắc mọi việc có như ý không. Nhưng giàn trưởng Đoàn Mai Lâm nói, lễ chào cờ là phần không thể thiếu khi bắt đầu tuần mới trên giàn khoan. Nguyễn Ngọc Nhã cũng là người kéo cờ của buổi lễ. Anh nói rằng, mỗi lần cất lên lời hát Quốc ca, anh đều thấy xúc động lạ lùng. Bởi vì là không gian giữa biển, nên mọi cảm xúc khác hơn. Cũng không ai còn chú ý tới mưa hay nắng nữa. Trần Đức Thắng bước chân lên giàn khoan Hải Thạch-Mộc Tinh khi đã là một đảng viên. Thắng được kết nạp khi còn là sinh viên Trường đại học Mỏ-Địa chất. Tuổi đời trẻ, nhưng Thắng đã có 8 năm tuổi đảng, Thắng vẫn giữ nguyên cái nhiệt huyết và hăng say của một Bí thư chi đoàn GenZ. Ra biển, cũng có lúc Thắng hụt hẫng, vì mọi thứ khác hẳn so thời sinh viên, kể cả cách sinh hoạt, thói quen. Nhưng dần dà cũng quen, thậm chí, ngồi nói chuyện với chàng trai sinh năm 1994, còn thấy tràn đầy ý tưởng và bản lĩnh vững vàng của một đảng viên. Thắng nói về cách để tự rèn mình trong đời sống tập thể ở đây.

Trung úy Long kể rằng, là đảng viên trên đảo tiền tiêu, vừa đặc biệt, vinh dự nhưng cũng là một trọng trách, “Mình đứng ở đây, càng phải quyết tâm phấn đấu xứng danh Bộ đội Cụ Hồ, ở nơi biên cương, hải đảo này, phải chắc tay súng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”. Còn những người ở giàn khoan, nói như TS Ngô Hữu Hải, Tổng Giám đốc công ty điều hành dầu khí Biển Đông: “Làm chủ vùng biển Tổ quốc cũng là góp phần bảo vệ biển đảo”.