Triển vọng của thị trường dược phẩm

Với tiềm năng tăng trưởng cao, Việt Nam đang là một địa điểm đầu tư hấp dẫn, một cơ hội lớn cho các công ty dược phẩm đa quốc gia.  

Thị trường dược phẩm Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển trong tương lai. Ảnh: NG.NAM
Thị trường dược phẩm Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển trong tương lai. Ảnh: NG.NAM

Tổ chức UQVIA Institute đã xếp Việt Nam vào nhóm Pharmerging Market - nhóm 17 nước có mức tăng trưởng ngành dược phẩm cao nhất thế giới. Doanh thu từ dược phẩm dự kiến đạt 7,51 tỷ USD vào năm 2025, chiếm 1,78% GDP và 32,2% chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm CAGR trong giai đoạn 2020-2025 là 8%. 

Tiềm năng tăng trưởng của ngành dược phẩm được đánh giá cao vì thu nhập người dân tăng cao hơn, dân số đang bước vào giai đoạn già hóa khiến việc nhận thức ngày càng chú trọng vào các vấn đề sức khỏe. Vì vậy, chi tiêu cho các nhu cầu về sức khỏe cũng tăng theo. Đồng thời, mức chi tiêu tiền thuốc bình quân của Việt Nam hiện chỉ vào khoảng 75 USD (2019), thấp hơn khá nhiều so với mặt bằng chung của thế giới. Với dân số lớn và nền kinh tế còn nhiều tiềm năng tăng trưởng, thì thị trường dược phẩm Việt Nam được đánh giá là còn nhiều dư địa để phát triển trong tương lai.

Động lực của ngành dược phẩm Việt Nam trong dài hạn là sự đầu tư của các công ty dược phẩm đa quốc gia, việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, mở rộng bảo hiểm y tế xã hội và nhân khẩu học trong cả nước. Theo một số báo cáo, chi phí cho y tế của Việt Nam dự kiến đạt 23,3 tỷ USD vào năm 2025 và 33,8 tỷ USD vào năm 2030. Thuốc kê đơn được kỳ vọng sẽ chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng doanh số của ngành dược phẩm trong những năm tới, nhờ nhu cầu chữa bệnh tăng cao, việc triển khai bảo hiểm y tế quốc gia, thu nhập tăng, cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe tốt hơn và sự phát triển của thuốc gốc… Doanh thu từ thuốc kê đơn dự kiến đạt 5,754 tỷ USD vào năm 2025, chiếm tỷ trọng đáng kể là 76,6% tổng doanh thu bán thuốc với CAGR là 8,4%.

Các chương trình, quyết sách của Chính phủ trong những năm gần đây cũng đã khiến thị trường Việt Nam trở thành một thị trường hấp dẫn cho những công ty dược nước ngoài. Nghị định 155/2018/NĐ-CP có hiệu lực vào tháng 11/2018 đã giúp các doanh nghiệp tiếp cận thị trường dược phẩm nhanh chóng hơn, với các quy định cấp giấy phép nhập khẩu trở nên rõ ràng và đơn giản hơn. Theo nghị định, để được cấp phép nhập khẩu, không cần phải có đầy đủ tài liệu lâm sàng về hiệu quả và độ an toàn. Trường hợp thuốc đã được cấp phép nhập khẩu trước đó thì không cần nộp hồ sơ lâm sàng khi đề nghị cấp phép nhập khẩu mới, trừ trường hợp thuốc đã có những thay đổi lớn trong thành phần…

Việc nới lỏng các tiêu chí nhập khẩu và dự kiến ​​có sự gia tăng hiện diện của các nhà sản xuất dược phẩm toàn cầu sẽ thúc đẩy thị trường dược phẩm và chăm sóc sức khỏe phát triển hơn. Ngoài ra, trong nỗ lực thu hút hơn nữa các công ty dược, Chính phủ đã ban hành luật, theo đó chỉ các cơ sở kinh doanh dược phẩm mới được phép thuê đại diện y tế: về cơ bản, văn phòng đại diện không được thuê đại diện y tế mới, như định nghĩa của cơ sở kinh doanh thuốc không bao gồm văn phòng đại diện. Những thay đổi về chính sách cùng với một số xu hướng thuận lợi, chẳng hạn như dân số ngày càng tăng và già hóa, việc triển khai ổn định hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân sẽ nâng cao sự tích cực trong giới kinh doanh dược phẩm.

Những sự kiện diễn ra gần đây cũng cho thấy, các công ty dược phẩm toàn cầu đang ngày càng nắm bắt tiềm năng của thị trường Việt Nam. Thí dụ như: Tháng 1/2019, hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ đã ký thỏa thuận chuyển giao công nghệ sản xuất dược phẩm cho các doanh nghiệp Việt Nam, với các sản phẩm đầu tiên dự kiến ​​sản xuất vào năm 2020. Việc ký kết thỏa thuận thể hiện cam kết đầu tư lâu dài của Pfizer tại Việt Nam. Tháng 3/2019, Taisho Pharmaceuticals, một công ty Nhật Bản, cũng tiết lộ kế hoạch mua 28,36 triệu cổ phiếu DHG (Công ty CP dược Hậu Giang). Tháng 5/2019, Kimia Pharma, một công ty dược phẩm quốc doanh của Indonesia, tiết lộ rằng họ đang xem xét mua lại chuỗi nhà thuốc bán lẻ dược phẩm hàng đầu tại Việt Nam. Tháng 6/2022, hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh - Thụy Điển) công bố kế hoạch mở rộng sự hiện diện tại Việt Nam và cam kết hợp tác chặt chẽ với Chính phủ để nâng cao năng lực y tế của đất nước và phát triển ngành công nghiệp dược phẩm, đồng thời chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam.

Sự gia tăng sức hấp dẫn của thị trường dược phẩm Việt Nam diễn ra vào thời điểm môi trường kinh doanh của các nhà sản xuất thuốc ở các nước láng giềng không mấy thuận lợi. Vào tháng 12/2018, Indonesia đã ban hành một quy định về việc cấp phép bắt buộc đối với mọi sản phẩm y tế không được sản xuất trong nước. Điều này dự kiến ​​sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực đáng kể đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Indonesia, trong khi đó nhiều nước trong khu vực được hưởng lợi khi các công ty dược đang né tránh Indonesia. Sự kiện này kết hợp với vị trí địa lý trong khu vực đã đưa Việt Nam vào vị trí thuận lợi để trở thành trung tâm nghiên cứu và xuất khẩu dược phẩm của khu vực. Vào tháng 7/2019, Pharma Group, Ủy ban lĩnh vực Dược phẩm của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam, nhấn mạnh rằng Việt Nam có khả năng đạt vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị của lĩnh vực khoa học và đời sống so với các nước trong khu vực ASEAN. 

Theo chương trình phát triển ngành dược: Đến năm 2025, thuốc sản xuất trong nước chiếm 75% sản lượng sử dụng và 60% giá trị thị trường. Đến năm 2030, thuốc sản xuất trong nước đạt 80% sản lượng sử dụng và 70% giá trị thị trường. Đến năm 2045, ngành dược phẩm đóng góp hơn 20 tỷ USD vào GDP. Đây là những dự báo rất hấp dẫn đối với các công ty dược phẩm đa quốc gia. Tuy nhiên, vẫn còn rủi ro song song với những triển vọng tích cực của thị trường dược phẩm. 

Những rủi ro này đến từ các nguyên nhân như cơ sở hạ tầng chưa phát triển, thiếu nhân viên, cán bộ, tài chính, khả năng tiếp cận khám, chữa bệnh của người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn thấp. Trong đó, việc tiếp cận thuốc chữa bệnh sẽ là một thách thức chính với các công ty dược phẩm đang tìm cách nắm bắt triển vọng thương mại tại Việt Nam vì dân số khu vực nông thôn cao, chỉ 33,6% dân số là ở khu vực thành thị. Bệnh nhân tiếp tục phải đối mặt với những thách thức về khả năng tiết kiệm y tế và chi phí chăm sóc sức khỏe không bảo hiểm ngày càng tăng...

Để khắc phục những vấn đề này, cần nâng cao hơn nữa chất lượng khám, chữa bệnh, mở rộng bảo hiểm y tế, triển khai bảo hiểm y tế quốc gia một cách thực chất, nâng cấp các cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe.