Những người không mong Tết
“Gạo tháng Giêng, tiền tháng Chạp” là câu nói đúng nhất vào mỗi dịp cuối năm. Tháng Chạp là tháng tiêu tiền. Làm lụng vất vả quanh năm cũng chỉ mong sao mấy tháng giáp hạt cuối năm đỡ phần nào chật vật. Nào lo tiền, quà để biếu người nọ, tặng người kia; nào ngóng chờ lương, thưởng để rồi chép miệng than sao mà... ít quá! Chính vì thế, trong khi nhiều người mong Tết đến để nghỉ ngơi, vui chơi sau một năm vất vả thì cũng không ít người chẳng hề muốn Tết đến chút nào.
Tại khu vực cầu Kim Ngưu, một nhóm lao động tự do đang đứng đợi việc trong cái rét căm căm, môi ai cũng tím tái vì đứng lâu mà chưa có việc. Thế nên, khi nói chuyện Tết, ai cũng ngao ngán. “Vài cặp bánh chưng, hũ dưa hành muối, cân giò mỡ rồi bứng cây quất từ năm trước trong vườn ra chậu là Tết thôi”, anh Huy (quê Vĩnh Phúc) cho biết. Một người khác lên tiếng: “Có gì đâu mà cần chuẩn bị, ba ngày Tết cứ làm vài xị lai rai là vui rồi. Bốc vác như chúng tôi thì đâu có kiếm được nhiều mà nghĩ chuyện sắm Tết”.
Nói vui một hồi các anh cũng thừa nhận đang buồn “nẫu ruột” vì đi làm cả năm mà chẳng có mấy đồng dư mang về. Tết đến mà không mua được ít bánh mứt, cuốn lịch, bức tranh tường hay bộ đồ mới cho con trước ngày về quê thì cũng ngại. Tính đi tính lại, Tết của họ gói gọn trong một, hai triệu đồng. Chính vì thế, có một nhóm người không chỉ lo mà còn tỏ ra sợ Tết. Đối với họ, Tết không chỉ riêng chuyện quần áo, bánh mứt, tiền tiêu... mà là những ngày nằm dài chờ việc sau Tết.
Tại khu vực chợ đầu mối Đông Anh (Hải Bối, Đông Anh), sức mua của công nhân những ngày này có vẻ sầm uất hơn. Hàng hóa ở đây khá phong phú từ bánh mứt, hoa quả đến quần áo và các loại vật phẩm, nhưng công nhân đi chợ chủ yếu là mua đồ ăn thường nhật, chẳng mấy ai sắm Tết. Chị Hoa, công nhân KCN Bắc Thăng Long cho biết: “Mỗi lần về quê cực và tốn kém lắm. Tết nhất nên cái gì cũng tăng giá, lương công nhân chịu sao nổi. Mình chẳng sắm gì, chỉ mua ít đồ cho con gửi về quê làm quà”, chị ngậm ngùi.
Chung hoàn cảnh, anh Nguyễn Văn Hải (quê Nghệ An), đang làm tại Công ty TNHH Atsumitec Việt Nam cho biết: “Năm nay làm ăn bết bát lắm. Vì khó khăn nên chẳng tâm trạng đâu nghĩ chuyện sắm Tết. Phòng tôi mấy người đều nhất trí đón Tết ở đây chứ tiền đâu mà về quê. Riêng tiền xe ra, vô đã gần ba triệu chưa tính đến quà cáp, mừng tuổi và tiền xài”.
Hơn một tuần nay, giá các mặt hàng thiết yếu cứ tăng vùn vụt, từ điện, xăng đến cân gạo, mớ rau, con cá... “Ngày cuối năm, làm mâm cơm tất niên để mấy anh em trong khu trọ ngồi lai rai là vui rồi. Còn những gì xa xỉ ngoài siêu thị, cửa hàng, cửa hiệu kia... thì chỉ xem thôi. Vẫn biết mỗi năm chỉ có ba ngày Tết, nhưng nhiều khi nghĩ đến thôi cũng thấy nhọc”, anh nói.
Không để ai lại phía sau
Trong những năm qua, để người nghèo ít nhiều có cái Tết đủ đầy đón xuân năm mới, lãnh đạo thành phố đã tích cực chăm lo, chỉ đạo không để người nghèo nào không có Tết đã và đang được nhiều nơi tích cực thực hiện. Những ngày này, lịch làm việc của các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền... ken dày các cuộc thăm viếng, tặng quà cho đồng bào nghèo. Không chỉ có các hộ dân nghèo mới được chăm lo Tết, mà các hộ kinh tế mới, người lang thang cơ nhỡ... cũng không bị lãng quên. Ngoài tặng quà, nhiều nơi còn có nhiều cách giúp đồng bào nghèo ăn Tết như mắc điện kế, khám bệnh, phát thuốc miễn phí... đã mang lại hơi ấm tình người.
Nhiều hộ nghèo khi nhận quà không giấu được niềm vui, song cũng có người đầy vẻ ưu tư. Một người dân thuộc diện “xóa đói, giảm nghèo” tại Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm tâm sự: “Vào mỗi dịp này, chúng tôi lại vui buồn lẫn lộn khi được nhận quà Tết. Vui vì Đảng, chính quyền không quên những hộ còn nghèo khó, còn buồn là vì vẫn để xã hội phải chăm lo...”.
Với tấm lòng tương thân, tương ái, nhiều quận, huyện, phường, xã cũng tích cực chăm lo cho các hộ dân nghèo tại địa phương để nhà ai cũng có Tết. Dù mỗi phần quà Tết có giá trị không lớn, thông thường chỉ trên dưới 100.000 nghìn đồng. Song, chăm lo Tết cho các hộ nghèo chủ yếu không phải là giá trị vật chất mà mang ý nghĩa tinh thần là nhiều. Ông Quang (Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm) sau khi nhận được quà Tết bày tỏ xúc động: “Dù nhiều, dù ít chúng tôi cũng thấy ấm lòng, tạm quên đi nghèo khó để đón Tết và qua năm mới phấn đấu vươn lên...”.
Đầu tháng 1-2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý ủy quyền Bộ trưởng Lao động - Thương binh & Xã hội trình Chủ tịch nước xem xét tặng quà cho đối tượng người có công với cách mạng nhân dịp Tết Nguyên đán 2018. Ngoài quà của Chủ tịch nước, hằng năm, các địa phương cũng chủ động kêu gọi nguồn xã hội hóa để lo Tết cho người nghèo và đối tượng chính sách. Đây không chỉ là trách nhiệm lớn, nghĩa tình sâu nặng, tri ân những người đã đóng góp, cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, vì đất nước mà còn là dịp để chính quyền và người dân cả nước chung tay chia sẻ, góp sức tháo gỡ khó khăn cho những người nghèo có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn trong dịp Tết đến, xuân về.