Tổng thầu Việt Nam ở nước ngoài, tại sao không?

Câu hỏi ấy luôn cháy bỏng đối với ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình. Để thực hiện khát vọng đưa ngành xây dựng Việt Nam ra thế giới, sẽ cần tới sự vào cuộc của cơ quan quản lý trong xây dựng chính sách và bản lĩnh của chính những doanh nghiệp như cách Hòa Bình tiên phong đầu tư ra nước ngoài.
0:00 / 0:00
0:00
Doanh nhân Lê Viết Hải.
Doanh nhân Lê Viết Hải.

Chiến lược “cá voi ra biển lớn”

Thật ra ngay từ năm 2011, ông Hải đã gây tiếng vang khi lèo lái “con tàu” Hòa Bình ra nước ngoài, quản lý xây dựng chung cư cao cấp Le Yuan Residence, Green Two (Kuala Lumpur), chung cư GEMS (Myanmar)… Rồi đến năm 2014, Hòa Bình vượt qua các đối thủ nặng ký trong và ngoài nước trúng thầu Saigon Centre và sau đó là Coteccons với Landmark81.

“Còn nhớ, những năm 90 của thế kỷ trước, doanh nghiệp từ Hàn Quốc, Australia, Hồng Công (Trung Quốc), Pháp, Trung Quốc… ồ ạt vào nước ta, thi công hầu hết công trình cao tầng. Thế rồi, giờ đây họ gần như rút hết khỏi Việt Nam. Người Việt hoàn toàn có thể tự hào về những công trình Việt có yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật cao được xây dựng bởi những nhà thầu Việt”, niềm xúc động vẫn hiển hiện trong ánh mắt và giọng nói của ông mỗi khi nói về điều này.

Song, từ năm 2018 đến nay, thị trường xây dựng đang gặp khó khăn bởi sự mất cân đối cung cầu, sự leo thang chóng mặt của giá nguyên, vật liệu và những tác động đa chiều của dịch bệnh. Doanh nghiệp xây dựng ngày càng phải cạnh tranh khốc liệt hơn để tồn tại.

Khẳng định “tiến ra nước ngoài là con đường sống duy nhất”, vị “thuyền trưởng” Hòa Bình đã ba lần gửi đề xuất kiến nghị cho Chính phủ. Trong cả ba lần, ông đều nhấn mạnh nội dung trọng tâm về chiến lược đưa ngành công nghiệp xây dựng thành ngành kinh tế mũi nhọn bằng cách đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ tổng thầu. Trong đó, có một số kiến nghị đáng lưu ý, như: Đơn giản hóa thủ tục cấp phép cũng như thủ tục chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài; Ưu tiên cho doanh nghiệp trong nước xây dựng các công trình ở nước ngoài của Nhà nước như tòa đại sứ, tòa tổng lãnh sự...

Để doanh nghiệp đủ tiềm lực chinh phục thị trường thế giới, cần sớm thành lập hiệp hội nhà thầu Việt Nam ở nước ngoài để tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm. Quan trọng nhất, Chính phủ cần xem xây dựng là một ngành kinh tế mũi nhọn để tạo bứt phá cho Việt Nam chứ không phải là ngành kinh tế hỗ trợ cho ngành khác phát triển như quan niệm lâu nay - Doanh nhân Lê Viết Hải.

McKinsey dự báo, thị trường xây dựng thế giới có quy mô rất lớn và tăng trưởng hằng năm đạt khoảng 3%-5%. Năm 2021, tổng sản lượng ngành xây dựng trên thế giới lên đến hơn 13.500 tỷ USD và dự báo sẽ lên đến 20.000 tỷ USD vào cuối năm 2030 và 40.000 tỷ USD vào năm 2045. Để doanh nghiệp đủ tiềm lực chinh phục thị trường thế giới, ông Hải kiến nghị, cần sớm thành lập hiệp hội nhà thầu Việt Nam ở nước ngoài để tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm. Quan trọng nhất, Chính phủ cần xem xây dựng là một ngành kinh tế mũi nhọn để tạo bứt phá cho Việt Nam chứ không phải là ngành kinh tế hỗ trợ cho ngành khác phát triển như quan niệm lâu nay.

Hồi tháng 8/2022, Hòa Bình quyết định đầu tư 6 triệu CAD (tương đương 108 tỷ đồng) vào hai dự án ở bang Ontario (Canada) và Queensland (Australia). Không chỉ chinh phục thị trường ở hai quốc gia này, Hòa Bình còn theo đuổi chiến lược vươn đến những thị trường xa hơn như Texas (Mỹ) và châu Âu. Có ba cách để Hòa Bình hiện thực hóa chiến lược này, đó là đấu thầu dự án; tham gia với tư cách nhà đồng phát triển dự án, đảm nhận vai trò tổng thầu. Và cách nữa là mua lại một công ty xây dựng địa phương, tái cấu trúc toàn diện. Ví Hòa Bình như “cá voi”, ông Hải khẳng định, chỉ có một con đường, phải tìm ra “biển lớn”.

Nhiều tâm huyết cho phát triển Metro

Cùng với khát vọng đưa ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam thành ngành kinh tế mũi nhọn, việc tham gia phát triển Metro của Thành phố Hồ Chí Minh cũng được ông Lê Viết Hải dành nhiều tâm huyết.

Là đô thị đã và đang phát triển rất nhanh chóng, song “đầu tàu” kinh tế cả nước cũng bộc lộ khá nhiều thách thức do tốc độ tăng trưởng nóng. Một trong số đó là làm thế nào để khai thác tối ưu quỹ đất cũng như đầu tư xây dựng các dự án mang lại hiệu quả cao hơn? Ông Hải nêu, Thành phố Hồ Chí Minh hiện có chín dự án Metro, trong đó đang triển khai hai tuyến, gồm số 1 (Bến Thành-Suối Tiên), số 2 (giai đoạn 1, Bến Thành-Tham Lương) và chuẩn bị đầu tư tuyến số 5, giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền-cầu Sài Gòn). Khi các tuyến Metro đi vào hoạt động, nhất định thành phố sẽ có diện mạo mới. Là Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, ông Hải đã đề xuất bảy giải pháp mang lại hiệu quả trong xây dựng và sử dụng đất đầu tư xây dựng hệ thống Metro của thành phố.

Ông nhấn mạnh việc quy hoạch và giải tỏa đất xây dựng nhà ga bán kính lên đến 500m nhằm tạo ra một chuỗi đô thị nằm dọc theo tuyến Metro. Giải pháp này sẽ kéo dân cư về những khu đô thị mới, khai thác hiệu quả tuyến Metro, đồng thời giảm áp lực cho những khu đô thị đông đúc hiện có.

Cùng với đó, ông Hải đề cao chiến lược đấu giá đất hợp lý, bao gồm đưa ra các quy định về quyền lợi của nhà đầu tư. “Chúng ta cần phân lô không quá nhỏ, không quá lớn, nhằm hấp dẫn và thu hút nhiều nhà đầu tư, đồng thời tạo sự cạnh tranh về sản phẩm địa ốc mang lại lợi ích cao nhất cho người mua nhà”, Chủ tịch Hòa Bình nhấn mạnh. Đặc biệt, ông Hải cũng chỉ ra, cần kết hợp xây dựng Metro với chính sách nhà ở xã hội, qua đó bảo đảm giải quyết được vấn đề an sinh cho một bộ phận rất lớn cư dân. Đồng thời, việc xây cao ốc ngay trên nhà ga như nhiều nước đã làm sẽ giúp cư dân đi lại thuận tiện, khai thác đất nhà ga hiệu quả nhất.

Để Thành phố Hồ Chí Minh thu được ngân sách nhiều hơn, ông Hải đánh giá việc chọn thời điểm đấu giá quyền sử dụng đất được tối ưu với mục tiêu giá trị tài sản đất được nâng lên phù hợp thời điểm là rất quan trọng. Có những vị trí khi chưa có hạ tầng giá chỉ bằng hoặc ít hơn một phần ba so khi hạ tầng hoàn thiện. Song song đó, ông Hải còn đưa ra giải pháp giúp nhà thầu nội nâng cao năng lực, đảm đương vai trò tổng thầu, từ đó sẽ giảm suất đầu tư và có thể triển khai đầu tư một cách nhanh chóng, đồng bộ các tuyến Metro.

“Trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, khi chúng ta làm chủ được công nghệ thi công nhà cao tầng, suất đầu tư đã được giảm từ 2.000USD/m2 xuống dưới 1.000USD/m2. Kinh nghiệm này rất đáng học hỏi trong việc triển khai các tuyến Metro. Tuy nhiên, điều này hiện không khả thi do các nhà thầu trong nước nhận thầu manh mún từ các tổng thầu nước ngoài, cho nên không có cơ hội nắm bắt nhanh công nghệ, cũng như không thể tạo nên hồ sơ đủ năng lực để đảm đương vai trò tổng thầu”, Chủ tịch Hòa Bình nhấn mạnh.

Bứt phá nhờ kiên định giữ chữ tín

Tôi kiên quyết không cho phép công ty cạnh tranh bằng mọi giá, cắt xén chỗ này hoặc chỗ kia làm giảm chất lượng công trình. Ngược lại, phải nâng cao chất lượng hơn nữa. Tôi nhắc nhở anh em, uy tín thương hiệu là sự sống còn của Hòa Bình và uy tín đó dựa trên chất lượng dịch vụ, chất lượng công trình - ông Lê Viết Hải khẳng định.

Nhìn lại hơn ba thập niên qua, biết bao bão tố, những cơn sóng dữ như muốn nhấn chìm cả con tàu Hòa Bình lẫn vị thuyền trưởng. Từ cuộc khủng hoảng năm 1998, khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2012 đến đại dịch Covid-19… Nhưng, Hòa Bình vẫn hiên ngang “căng buồm tiến ra biển lớn”.

“Vào những thời kỳ thị trường xây dựng cạnh tranh khốc liệt, có ý kiến đặt ra, tại sao đối thủ dễ dãi với chất lượng để giảm chi phí mà Hòa Bình cứ chấp nhận tăng chi phí để duy trì chất lượng, thậm chí, có khi phải chịu lỗ. Tôi kiên quyết không cho phép công ty cạnh tranh bằng mọi giá, cắt xén chỗ này hoặc chỗ kia làm giảm chất lượng công trình. Ngược lại, phải nâng cao chất lượng hơn nữa. Tôi nhắc nhở anh em, uy tín thương hiệu là sự sống còn của Hòa Bình và uy tín đó dựa trên chất lượng dịch vụ, chất lượng công trình”, ông Hải khẳng định.

Chính sự kiên định đi theo con đường riêng, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đã mang đến cho Hòa Bình những bứt phá ngoạn mục. Cứ bình quân 5 năm, doanh thu công ty tăng gấp năm lần. Như năm 2018, doanh thu lên tới 18.300 tỷ đồng, gấp năm lần năm 2013. Nhưng, điều khiến ông Hải tự hào hơn cả là kỳ tích, từ năm 2018 đến 2021, Hòa Bình đạt được gần 240 triệu giờ lao động không xảy ra tai nạn.

“Con số này có ý nghĩa rất lớn, không chỉ thể hiện năng lực quản lý xây dựng, mà còn mang tính nhân văn, bởi các biện pháp ngăn ngừa tai nạn rất hiệu quả. Nhờ triệt để thực hiện đào tạo và thực thi các biện pháp an toàn lao động cho cán bộ, công nhân viên, mà không ai phải chịu nỗi đau, mất mát”, ông Hải hạnh phúc chia sẻ.

Về mục tiêu sắp tới, Hòa Bình kỳ vọng đến năm 2032 sẽ có tổng doanh thu xấp xỉ 20 tỷ USD và lợi nhuận gần 1 tỷ USD; tỷ suất sinh lời khoảng 5%. “Đến cuối thập niên này, quy mô thị trường xây dựng thế giới sẽ lên đến 19.000 tỷ USD. Với mục tiêu doanh thu 20 tỷ USD (trong đó 13 tỷ USD đến từ nước ngoài), dư địa tăng trưởng của Hòa Bình rất lớn khi chiếm chưa đến một phần nghìn quy mô thị trường”, vị “thuyền trưởng” tự tin.

“Tôi vẫn sẽ tiếp tục gây dựng Hòa Bình, vẫn nỗ lực đảm nhận tốt vai trò Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh kết nối các doanh nghiệp trong ngành, cùng nhau hợp tác tiến ra nước ngoài”, ngọn lửa quyết tâm vẫn rực lên trong đôi mắt của người thuyền trưởng. Khẳng định thương hiệu ở nước ngoài, mở rộng các hoạt động xã hội của doanh nghiệp… vẫn là trăn trở lớn, chưa cho phép doanh nhân Lê Viết Hải dừng lại.