Xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt đang là giấc mơ lớn của nhiều doanh nghiệp, được nhiều doanh nhân dành trọn nỗ lực và tâm huyết nhằm phát triển bền vững nền nông nghiệp nước nhà.
Chọn lối gian nan
Nhìn về chặng đường dài đưa trái cây Việt Nam ra thị trường thế giới, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu Ngô Tường Vy nhớ lại: Năm 2009, khi việc làm ăn, buôn bán với Trung Quốc vẫn tiến triển, nhưng công ty đã đồng thời mở hướng đẩy mạnh phát triển sản phẩm sang những thị trường chất lượng cao để vừa tăng giá bán vừa khẳng định uy tín trái cây Việt Nam.
Đến tháng 4/2019, Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu trở thành doanh nghiệp xuất khẩu lô xoài đầu tiên của Việt Nam sang thị trường Mỹ. Xoài chính thức trở thành loại quả tươi thứ sáu của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ sau vải, nhãn, chôm chôm, vú sữa và thanh long. Đây là kết quả cả quá trình 10 năm đàm phán gian nan và đầy thử thách của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam với các cơ quan liên quan tại Mỹ. Đồng thời cũng đánh dấu chặng đường vượt khó và sự kiên trì không chùn bước của Chánh Thu.
Xoài chính thức trở thành loại quả tươi thứ sáu của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ sau vải, nhãn, chôm chôm, vú sữa và thanh long. Đây là kết quả cả quá trình 10 năm đàm phán gian nan và đầy thử thách của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam với các cơ quan liên quan tại Mỹ.
"Vào thời điểm đó, để thực hiện các yêu cầu này, Chánh Thu đã phải đặt quyết tâm rất cao trong tất cả các khâu, từ chuẩn bị vùng trồng trên cơ sở bổ sung các tiêu chuẩn riêng mà Bộ Nông nghiệp Mỹ yêu cầu tuân thủ; kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ sâu; tuân thủ toàn bộ tiêu chuẩn chính thức của Mỹ về các hoạt chất bị cấm; các hoạt chất được sử dụng thì phải đăng ký và dùng đúng liều lượng theo quy định. Chưa kể trong quá trình canh tác phải tuân thủ chính xác 100% quy chuẩn về hàm lượng phân bón, kỹ thuật phun thuốc, thu hoạch trái...
Giai đoạn thực hiện các yêu cầu này quả thực rất gian nan, thấm đẫm mồ hôi và nước mắt của cả nông dân và doanh nghiệp. Nhưng đây cũng là bước đệm, bước khởi đầu để Chánh Thu được lựa chọn trở thành doanh nghiệp đầu tiên xuất khẩu trái vải Lục Ngạn đi Nhật Bản vào năm 2020 và sắp tới đây là xuất khẩu những trái bưởi đầu tiên vào Mỹ"-bà Ngô Tường Vy chia sẻ.
Cũng chọn trái cây cho giấc mơ xây dựng thương hiệu nông sản Việt, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ xuất nhập khẩu Vina T&T đã thành công trong việc đưa dừa, bưởi, thanh long, sầu riêng, nhãn... vào các thị trường chất lượng cao như Mỹ, Canada, Australia và đang mở rộng phát triển tại thị trường châu Âu.
Tổng Giám đốc công ty Nguyễn Đình Tùng nhận định: Khi tiếp cận thị trường chất lượng cao, điều khó khăn nhất đối với các doanh nghiệp là hàng rào kỹ thuật liên quan đến các tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Cụ thể, thị trường Liên minh châu Âu (EU) đòi hỏi doanh nghiệp cần có đầy đủ các chứng nhận như: chứng nhận vùng trồng đạt chuẩn Global GAP, nhà máy đạt chuẩn ISO 9001:2015, chứng nhận HACCP, chứng nhận xã hội (SMETA); chứng nhận môi trường...
Sau đó, doanh nghiệp xuất khẩu cần bảo đảm duy trì chứng nhận và thực hiện đúng cam kết với đối tác nhập khẩu. Thực tế, việc đạt được các chứng nhận đã khó nhưng để duy trì càng khó hơn, do vậy, kết quả xứng đáng cho lựa chọn gian nan này là công ty có thể xuất khẩu trái cây vào nhiều thị trường khác nhau với giá bán cao.
Ngoài trái cây, một ngành hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam là gạo, nhưng hàng chục năm qua, gạo Việt Nam chủ yếu xuất thô, chưa có thương hiệu riêng. Cho đến tháng 6/2022, Công ty cổ phần Nông sản Lộc Trời (thành viên của Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời) đã hoàn tất việc xuất khẩu gần 500 tấn gạo mang thương hiệu riêng "Cơm Việt Nam Rice" sang thị trường châu Âu.
Trước đó, từ tháng 9/2020, Lộc Trời đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn là doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu đơn hàng đầu tiên vào châu Âu theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).
Đầu tháng 9/2022, lần đầu sản phẩm gạo mang thương hiệu "Cơm ViệtNam Rice" được giới thiệu tới người tiêu dùng trong chuỗi siêu thị của tập đoàn phân phối bán lẻ hàng đầu nước Pháp E.Leclerc và hệ thống phân phối Carrefour. Đây là dấu ấn phát triển mới khi doanh nghiệp trực tiếp xây dựng thương hiệu tiếp cận với hệ thống bán lẻ ở thị trường châu Âu.
Để bảo đảm yêu cầu của thị trường châu Âu, các đơn vị thành viên của tập đoàn phối hợp sản xuất quy mô lớn một cách đồng bộ từ việc quy hoạch vùng trồng, chọn giống phù hợp, thực hiện quy trình canh tác khoa học, ưu tiên sử dụng các sản phẩm vật tư nông nghiệp sinh học, sử dụng máy nông nghiệp...
Đến đầu tháng 9/2022, lần đầu sản phẩm gạo mang thương hiệu "Cơm ViệtNam Rice" được giới thiệu tới người tiêu dùng trong chuỗi siêu thị của tập đoàn phân phối bán lẻ hàng đầu nước Pháp E.Leclerc và hệ thống phân phối Carrefour. Đây là dấu ấn phát triển mới khi doanh nghiệp trực tiếp xây dựng thương hiệu tiếp cận với hệ thống bán lẻ ở thị trường châu Âu.
Khát vọng đưa nông sản Việt "bay xa"
Từ khát vọng đưa nông sản Việt "cất cánh" sang những thị trường chất lượng cao mà suốt thời gian qua, các doanh nghiệp luôn kiên tâm chọn cho mình "con đường khó" để đi, chọn những thách thức để đối đầu với mục tiêu lớn nhất là nâng cao chất lượng nông sản Việt. Bà Ngô Tường Vy cho biết: Từ ngày 1/1/2022, Trung Quốc chính thức áp dụng Lệnh 248, 249 về yêu cầu đối với doanh nghiệp và nông sản xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Thay vì băn khoăn lo lắng, bản thân tôi lại rất mừng bởi như thế chúng ta có điều kiện để nâng cao chất lượng nông sản hướng tới nền sản xuất chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường. Mới đây, Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đã được ký kết với nhiều quy định nghiêm ngặt về quy trình chế biến, đóng gói, hệ thống truy xuất nguồn gốc... chắc chắn sẽ mở ra cơ hội lớn cho những doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng và uy tín.
Hiện, Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu đã được phía Trung Quốc phê duyệt hai mã số cơ sở đóng gói, tám mã số vùng trồng và mới đây công ty đã xuất khẩu chính ngạch lô hàng sầu riêng đầu tiên sang thị trường Trung Quốc.
Chánh Thu cũng đang tiếp tục mở rộng diện tích các vùng trồng sầu riêng đáp ứng yêu cầu Nghị định thư, lớn nhất là vùng nguyên liệu liên kết với bà con nông dân ở các tỉnh Đắk Lắk, Bến Tre, Đồng Nai, Bình Phước. Khi người trồng tuân thủ đúng quy trình canh tác, kỹ thuật thì các vùng trồng sẽ cho ra những trái có chất lượng cao, có thể tự tin cạnh tranh về chất lượng với cả sầu riêng Thái Lan và Malaysia.
Riêng đối với lúa gạo-ngành hàng có một lượng lớn nông dân tham gia hoạt động sản xuất, giấc mơ xây dựng thương hiệu cho hạt gạo cũng gắn chặt với mong muốn ổn định đời sống cho nông dân và giúp nông dân làm giàu từ lúa gạo. Đây cũng chính là mấu chốt cho sự phát triển sản xuất và xuất khẩu bền vững.
Để đưa những hạt gạo Việt vào châu Âu, lên kệ siêu thị bán lẻ hàng đầu nước Pháp, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời có những vùng liên kết nguyên liệu rộng lớn với bà con nông dân. Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thoại Sơn, tỉnh An Giang Nguyễn Thành Thân cho biết: "Toàn bộ sản lượng lúa hằng năm của Liên hiệp Hợp tác xã đều được Lộc Trời bao tiêu với nhiều hình thức khác nhau do nông dân tự lựa chọn.
Trong số đó, có gạo thơm độc quyền Lộc Trời 28 vừa được Tập đoàn xuất khẩu sang châu Âu. Đây chính là minh chứng cho hiệu quả của liên kết sản xuất theo chuỗi và định hướng phát triển nông nghiệp bền vững của Lộc Trời".
Những nỗ lực của các doanh nhân, doanh nghiệp nông nghiệp suốt thời gian qua đang tạo ra một động lực mạnh mẽ cho sự phát triển bền vững của mỗi ngành hàng. Cùng với việc Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào các hiệp định thương mại tự do khu vực và thế giới, cơ hội cho nông sản Việt "định danh" trên bản đồ thế giới cũng ngày càng rộng mở và hy vọng trong tương lai không xa, giấc mơ thương hiệu nông sản Việt sẽ trở thành hiện thực đối với nhiều mặt hàng nông sản.