Tình thế giằng co
Đồng thời, cử tri cũng kiến nghị chính quyền nghiên cứu có giải pháp hợp lý, hài hòa lợi ích của cộng đồng dân cư, bảo đảm nguồn sinh kế cho một số người từ lâu đã gắn với vỉa hè.
Từ ngày 1/3, Hà Nội đồng loạt ra quân tổng kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự đô thị, trật tự công cộng, trong đó tăng cường xử lý hành vi lấn chiếm lòng đường, hè phố để kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện sai quy định. Thống kê của Ban chỉ đạo 197 Hà Nội, từ ngày đầu ra quân theo chỉ đạo của thành phố, đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý hơn 4.100 trường hợp, phạt tiền hơn 2,7 tỷ đồng. Trong số này, quận Đống Đa có kết quả xử lý vi phạm cao nhất với 725 trường hợp, tiếp đến là quận Cầu Giấy với 655 trường hợp.
Tuy nhiên, chưa đầy bốn tháng sau mọi thứ… đâu lại hoàn đấy. Đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội rầm rộ ra quân “giành” vỉa hè cho người đi bộ. 10 năm qua, Hà Nội đã 5 lần phát động chiến dịch lấy lại vỉa hè với nhiều gian nan và kết quả luôn về thế “giằng co”: Một bên là cơ quan chức năng nỗ lực ngăn cấm các hoạt động lấn chiếm, kinh doanh trên vỉa hè mà luật không cho phép. Một bên là người dân, tiểu thương bằng mọi cách cố tình tận dụng vỉa hè để kinh doanh, kiếm sống.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường nhận định, vỉa hè không chỉ là không gian giao thông mà còn là không gian của hoạt động kinh tế - xã hội. Thực tế cho thấy vỉa hè là nơi tạo ra nhiều công ăn việc làm, diễn ra nhiều hoạt động mưu sinh của người dân.
Trong buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàng Mai và huyện Gia Lâm gần đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng thừa nhận: “Vỉa hè chức năng bình thường là đi bộ, nhưng với Hà Nội phần nào cũng là sinh kế của người dân. Phải tính toán kỹ”.
Đi tìm giải pháp hài hòa
Cuộc “giằng co” chưa hồi kết đó mang đến cho Hà Nội nhiều hệ lụy và phức tạp, khiến chính quyền các quận, huyện bối rối, còn một bộ phận người dân thì dần hình thành thói quen “nhờn” luật và ngày càng tùy tiện hơn.
Một bất cập dễ nhận thấy là nguồn lợi kinh tế chảy vào túi các cá nhân, còn thành phố vẫn phải bỏ tiền duy tu, bảo trì, sửa chữa, xây dựng hạ tầng. Hầu hết người dân kiếm sống trên vỉa hè đều sẵn sàng nộp thuế, xin thuê vỉa hè để kinh doanh ổn định, nhưng chính quyền đô thị lại không dám thu, không dám tổ chức cho buôn bán mà chỉ xoay vần với điệp khúc “phạt - đuổi - tái diễn - lại phạt”.
Một năm trước khi triển khai rầm rộ việc “giành” vỉa hè, Hà Nội đã thí điểm cho thuê vỉa hè trên một vài con phố khu vực phố cổ. Thành phố đã yêu cầu các đơn vị liên quan nghiên cứu áp dụng các mô hình quản lý của các nước phát triển như cho phép kinh doanh vỉa hè, có thể tính cả giải pháp cho thuê thu phí theo giờ, bố trí chỗ đỗ xe ở lòng đường ở những nơi phù hợp. Dựa trên cơ sở đó, công khai quy hoạch để lấy ý kiến người dân.
Tuy việc thí điểm thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè còn tồn tại nhiều ý kiến trái chiều nhưng bước đầu cũng ghi nhận sự chuyển biến tích cực khi nhiều tuyến phố đã trở nên trật tự, sạch đẹp, không còn cảnh kinh doanh bát nháo, kê bàn ghế tràn lan khắp ngõ.
Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội Nguyễn Xuân Tân cho rằng, thành phố có thể lập đề án quản lý, sử dụng, khai thác, quy hoạch lại vỉa hè theo ba mô hình. Loại 1 là cấm toàn phần các hoạt động kinh doanh, dừng đỗ xe, dành 100% không gian cho người đi bộ. Loại 2 là cấm một phần, chủ yếu phục vụ người đi bộ. Một số đoạn người dân không thuê vỉa hè thì giao cho họ tự quản không thu phí để xe tạm thời nhưng phải đóng thuế môi trường. Với những đoạn người dân muốn thuê thì cho phép dừng đỗ xe và kinh doanh tạm thời, sẽ thu phí cho thuê vỉa hè cùng thuế môi trường. Loại 3 là mô hình vỉa hè cho thuê để dừng đỗ xe, kinh doanh buôn bán lâu dài, phải trả tiền thuê và thuế môi trường, phí vệ sinh…
Quyền Viện trưởng chiến lược và phát triển Giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải) Phạm Hoài chung chia sẻ, ở một số đô thị lớn trên thế giới như Sydney (Australia), Seoul (Hàn Quốc), chính quyền đều nhận thấy không thể xoá bỏ các hoạt động kinh doanh trên vỉa hè nên đã đề ra những quy định để quản lý và cho phép sử dụng hè phố để kinh doanh và thu phí.